Tiếp tục dạy tiếng Hàn, tiếng Đức cho học sinh Q. Cẩm Lệ

Ngày 12-10, UBND Q. Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) tổ chức sơ kết 2 năm triển khai dự án tiếng Đức, đề án tiếng Hàn tại các trường phổ thông trên địa bàn. Để thực hiện đề án này, Phòng GD-ĐT Cẩm Lệ đã chủ động phối hợp với khoa Tiếng Hàn của Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng xây dựng Giáo trình tiếng Hàn sơ cấp theo khung năng lực ngôn ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam và trang bị đầy đủ sách giáo khoa cho học sinh. Về tiếng Đức, các em học sinh được Ủy ban Giáo dục phổ thông Đức trang bị sách giáo khoa, phòng học bộ môn, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy.

Một buổi học tiếng Đức tại Trường THCS Trần Quý Cáp.

Một buổi học tiếng Đức tại Trường THCS Trần Quý Cáp.

Phòng GD-ĐT Cẩm Lệ đã chỉ đạo các trường Tiểu học (TH) Hoàng Dư Khương, THCS Nguyễn Văn Linh, THCS Nguyễn Thiện Thuật, THCS Trần Quý Cáp có kế hoạch mở lớp, xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức dạy học theo đúng yêu cầu và tình hình thực tế của nhà trường. Qua 2 năm, đề án tiếng Hàn có 60 học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Linh và 41 em trường TH Hoàng Dư Khương đăng ký tham gia. Dự án tiếng Đức có 60 học sinh trường THCS Nguyễn Thiện Thuật và 57 em trường THCS Trần Quý Cáp theo học. Hầu hết giáo viên giảng dạy nghiêm túc, nhiệt tình, lên lớp đúng giờ, phương pháp giảng dạy gây được hứng thú học tập cho học sinh. Hằng tháng, giáo viên đã xây dựng bài kiểm tra để khảo sát kết quả học tập của học sinh.

Ngoài ra, giáo viên đứng lớp còn theo dõi, đánh giá năng lực học sinh thường xuyên, cập nhật kết quả học tập và rèn luyện của từng em vào sổ theo dõi chất lượng. Các em học sinh đã quen dần và hình thành một số kỹ năng, phương pháp học tập, hiểu được những yếu tố cơ bản của giáo viên, có thái độ học tập tích cực. Các em trau dồi được một số từ vựng cũng như những kỹ năng cơ bản cần thiết; hiểu được ít nhiều nền văn hóa Hàn Quốc, Cộng hòa Liên bang Đức, tiếp cận được với những nền giáo dục hiện đại.

Kết quả, 100% số em học sinh tham gia lớp tiếng Hàn và Đức đều có kết quả học tập từ trung bình trở lên. Em Lê Quang Huy, học sinh lớp 7/1, Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật, hiện đang theo học lớp tiếng Đức tại trường cho biết: “Tiếng Đức càng học càng có nhiều điều lý thú. Khi học, bên cạnh việc biết thêm một ngoại ngữ thứ hai ngoài tiếng Anh, em có thể tìm hiểu thêm về văn hóa cũng như những điều mới mẻ của nước Đức. Ngoài ra, em cũng ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch nên việc biết thêm tiếng Đức sẽ giúp ích rất nhiều cho bản thân sau này”. Cùng quan điểm, em Nguyễn Đỗ Thiện Nhân, học sinh lớp 5/1, Trường TH Hoàng Dư Khương cho hay, tiếng Hàn thật sự là một ngôn ngữ thú vị, mỗi tiết học đều chứa đựng nhiều điều mới mẻ.

Bà Sabine Frevert, giáo viên giảng dạy tiếng Đức cho rằng: Đây là dự án nhỏ nhưng có mục tiêu lớn. Qua 2 năm học tập, các học sinh không chỉ có kiến thức tốt về tiếng Đức mà còn có thể giao tiếp được với nhiều đoàn khách nước Đức đến thăm Đà Nẵng. Điều thú vị nhất là học sinh không chỉ học về ngôn ngữ Đức mà còn tiếp thu văn hóa, sinh hoạt thông thường, lễ hội truyền thống tại Đức. Các em cần được đặt nền móng ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho một Đà Nẵng hội nhập quốc tế trong tương lai. Điều khó khăn là có quá ít giáo viên tiếng Đức tại Đà Nẵng. Tình nguyện viên dạy tiếng Hàn, anh Bang Sejin thì chia sẻ: “Tôi rất vui vì đã giúp học sinh Việt Nam tiếp cận được ngôn ngữ và nền văn hóa Hàn Quốc. Các em ở đây rất thân thiện và chăm học. Một chút khó khăn là lớp học quá đông, khoảng hơn 40 học sinh/lớp. Ở Hàn Quốc mỗi lớp chỉ có từ 10 đến 15 em là vừa đủ. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng học, giáo viên không bao quát được học sinh và khó tập trung trong bài giảng”.

Nhận xét việc áp dụng giảng dạy tiếng Hàn tại địa phương, thầy Nguyễn Thanh Long, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Linh khẳng định: Hầu hết các em học sinh của trường đều tham gia học tập tích cực, hào hứng, nghiêm túc, đi học đúng giờ, năng động và tỏ ra yêu thích môn học. Các tình nguyện viên là giáo viên Hàn Quốc giàu kinh nghiệm, tâm huyết với nghề, chú tâm vào công việc được giao. Điều khó khăn nhất hiện nay là trường chưa có phòng học chức năng, phải tận dụng phòng dạy tiếng Anh nên cơ sở vật chất chưa đáp ứng đúng nhu cầu đặc trưng bộ môn. Ngoài ra, một số phụ huynh còn lo ngại tính liên tục của dự án và đầu ra cho học sinh.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình tổ chức đề án, ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng khẳng định: Trong thời gian tới, ngành giáo dục Đà Nẵng sẽ có định hướng để việc giảng dạy tiếng Đức và Hàn tại Q. Cẩm Lệ diễn ra liên tục, xuyên suốt trong các cấp học. Cụ thể, Sở GD-ĐT sẽ nghiên cứu, xem xét việc đưa tiếng Hàn vào giảng dạy tại khối THPT để tạo nên tính liền mạch.

Cụ thể, tiếng Hàn sẽ được giảng dạy tại trường THPT Cẩm Lệ, còn tiếng Đức dạy tại trường THPT Hòa Vang. Cũng theo ông Vĩnh, hiện nay TP Đà Nẵng đã đưa vào giảng dạy tiếng Pháp, Nhật, Hàn, Đức, Trung, Thái và Hán Nôm... Việc triển khai dạy tiếng Hàn và Đức tại Cẩm Lệ là rất đáng biểu dương, khích lệ. Sở GD-ĐT hoan nghênh sự chủ động kết nối giữa UBND Q. Cẩm Lệ với các tổ chức quốc tế, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng và Cao đẳng Việt – Hàn trong việc nâng cao chất lượng dạy tiếng Đức và tiếng Hàn tại địa phương.

Ông Trần Văn Phi – Phó Chủ tịch Q. Cẩm Lệ mong muốn UBND TP tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để đề án này được tiếp tục phát triển. Q. Cẩm Lệ đề nghị Sở GD-ĐT hỗ trợ về chuyên môn, cho cơ chế liên thông các cấp. Nên chăng việc triển khai dự án theo lộ trình từ cấp Tiểu học đến Đại học và có cam kết thực hiện lâu dài.

ĐINH NGA

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_173587_tiep-tuc-day-tieng-han-tieng-duc-cho-hoc-sinh-q-cam-le.aspx