Tiếp tục điều chỉnh, mở rộng quy hoạch Vùng Thủ đô

(DĐDN) Sáng nay (6/9), tại Vĩnh Phúc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Phùng Quang Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi và đại diện các tỉnh trong vùng, các bộ, ngành liên quan.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội

Kết quả bước đầu

Vùng Thủ đô Hà Nội gồm có 8 tỉnh, thành: Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, có tổng diện tích 13.428 km2, dân số gần 13 triệu người, với đô thị trung tâm là Thủ đô Hà Nội. Ngày 29/5/2008, Quốc hội khóa XII thông qua Nghị quyết mở rộng Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích 3.444 km2. Để đảm bảo sự phát triển tương xứng trong vùng sau khi đô thị trung tâm Hà Nội được mở rộng, Vùng Thủ đô được mở rộng thêm 3 tỉnh mới là Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang với tổng diện tích toàn vùng là 24.315 km2, quy mô dân số xấp xỉ 17,5 triệu người (năm 2012), chiếm 19,1% dân số cả nước.

Với tính chất là một vùng lãnh thổ đặc biệt quan trọng của quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội theo Quyết định số 118/2003/QĐ-TTg ngày 11/6/2003 để chỉ đạo công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng trong Vùng.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng - Phó trưởng Ban chỉ đạo nhận định: Sau 10 năm hoạt động của Ban chỉ đạo và 5 năm thực hiện quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô, công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong Vùng luôn duy trì ở mức cao và tương đối ổn định; công tác quy hoạch và phát triển đô thị đạt được nhiều kết quả tích cực; tỷ lệ phủ kín quy hoạch trong Vùng tăng nhanh và cao hơn so với bình quân chung cả nước; hệ thống đô thị phát triển nhanh về quy mô và ngày càng được nâng cao về chất lượng.

Đặc biệt, hệ thống hạ tầng giao thông phát triển nhanh với nhiều tuyến đường bộ quan trọng, huyết mạch của Vùng như: Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (Quốc lộ 3), Hà Nội - Hải Phòng 5B, Nội Bài - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình, Pháp Vân - Cầu Giẽ cùng nhiều dự án giao thông quan trọng khác như: đường vành đai 3, 4 và 5.

Tuy nhiên, Bộ trưởng đã chỉ ra những hạn chế trong công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô gồm: Việc cụ thể hóa Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô còn chậm, còn thiếu nhiều quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Bên cạnh đó, công tác quản lý phát triển đô thị, khu công nghiệp còn nhiều bất cập, chưa cân đối các nguồn lực thực hiện theo từng giai đoạn, dẫn đến lãng phí các nguồn lực nhất là đất đai, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Cần có cơ chế đặc thù

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, ngay sau khi có quyết định, TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai thực hiện bám sát các định hướng, chiến lược của quy hoạch Vùng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch Vùng còn nhiều bất cập, tồn tại như: Tiến độ triển khai các đồ án quy hoạch sau Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt còn chậm làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô; một số công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội cấp vùng- liên vùng cũng chậm triển khai đầu tư xây dựng do phụ thuộc vào cơ chế chính sách, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và năng lực nhà thầu (như đường Hà Nội- Hải Phòng, đường Hà Nội- Lào Cai; Khu công nghệ cao sinh học, Khu Trung tâm Hội nghị Triển lãm Quốc gia,...); chủ trương di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi trung tâm thành phố, di dời các cơ sở giáo dục đã có nhưng tiến độ triển khai chậm, chưa có cơ chế chính sách đặc thù.

Toàn cảnh hội nghị

Trước thực trạng trên, ông Khôi kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương có cơ chế đặc thù (giao cho địa phương chấp thuận chủ trương, chỉ định nhà đầu tư... đối với những phân đoạn dự án thuộc địa bàn quản lý) đối với việc triển khai các dự án đầu tư về hạ tầng kỹ thuật khung có phạm vi liên tỉnh, mang tính chất vùng, liên vùng, nhằm thu hút các nhà đầu tư với các hình thức đầu tư khác nhau: BT, BOT, PPP...

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, UBND TP Hà Nội và UBND các tỉnh, thành phố liên quan trong Vùng Thủ đô tập trung nghiên cứu, xây dựng Cơ chế phối hợp và thành lập Ban Điều phối khu vực phát triển đô thị Vùng Thủ đô, coi đây là khâu đột phá để khắc phục các tồn tại, hạn chế về cơ chế chính sách.

Ông Phùng Quang Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Vĩnh Phúc hiện có 15 Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 để thực hiện, đến nay đã hoàn thành 5 quy hoạch phân khu.

Ông Hùng cũng cho biết, trước mắt tỉnh sẽ tập trung hoàn chỉnh bước lập quy hoạch phân khu, lập dự án và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị đại học Vĩnh Phúc. Tiếp tục xây dựng và phát triển 09 khu du lịch, trong đó phấn đấu có 03 khu du lịch đạt tiêu chuẩn cấp Quốc gia là Tây Thiên - Tam Đảo II, Đại Lải, Hồ Sáu Vó và 06 khu du lịch cấp tỉnh: Tam Đảo I, Đầm Vạc, Hồ Làng Hà, Hồ Vân Trục - Hồ Bò Lạc, Đầm Rưng, Bắc Ngọc Thanh. Từng bước đầu tư phát triển hệ thống không gian cây xanh, công viên, mặt nước, trước mắt tập trung xây dựng khu liên hợp thể thao tỉnh, trung tâm lễ hội Tây Thiên, nhà hát tỉnh, công viên quảng trường của tỉnh, công viên cây xanh tại đô thị Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tranh thủ tận dụng các nguồn vốn Trung ương hoàn chỉnh mạng lưới giao thông quốc gia đi qua tỉnh như Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C, đường vành đai 4,5 và vành đai 5 thành phố Hà Nội, đường sắt Hà Nội - Lào Cai; đường sắt khổ rộng xây mới.

Xem xét khả năng kết nối đô thị

Góp ý cho đồ án trên, ông Đào Trung Chính - Phó Tổng cục quản lý đất đai, Bộ TNMT cho biết, việc điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng thủ đô trong thời gian tới cần chú trọng nâng cao tính liên kết, đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng quy hoạch sử dụng đất tổng hợp, cân đối, phân bổ đất đai cho các ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ và đơn vị hành chính.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh mở rộng phạm vi nghiên cứu Vùng Thủ đô Hà Nội tới các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, cần được nghiên cứu, xem xét dựa trên các nguyên tắc khả năng kết nối giữa đô thị hạt nhân (thành phố Hà Nội) với các hệ thống đô thị, các khu vực phụ cận, các vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội, các đô thị trung tâm tỉnh lỵ trong Vùng Thủ đô dự kiến mở rộng; định hướng phát triển kinh tế biển. Ngoài ra, việc điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội cần phải đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh, vững chắc và toàn diện các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh.

Trước những góp ý trên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng ban chỉ đạo yêu cầu, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo tập trung nghiên cứu, sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô để khai thác tối đa các yếu tố tiềm năng, lợi thế phát triển của Vùng, đồng thời sớm cụ thể hóa Quy hoạch Vùng Thủ đô. Trong tổ chức thực hiện, cần ưu tiên đầu tư các dự án quan trọng cấp vùng, khắc phục tình trạng manh mún, tự phát, phong trào, thiếu quy hoạch trong phát triển đô thị, khu công nghiệp, gây lãng phí nguồn lực như thời gian qua.

Lưu Vân

Email Print

Hà Nội, Quy hoạch chi tiết, Vĩnh Phúc, Hoàng Trung Hải, Lào Cai, Quốc gia, Trung ương, Nguyễn Văn Khôi, Phú Thọ, Hải Phòng

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/tin-moi-nhat/quy-hoach-vung-thu-do-can-co-che-dac-thu-20130906031613608.htm