Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, 5 năm qua thành phố Hà Nội đã xác định: Ðổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới là một trong ba khâu đột phá, nhiệm vụ quan trọng. Thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo nên sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã tập trung lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, bám sát thực tiễn, đề ra các giải pháp cụ thể. Các đề án, chương trình công tác đã được triển khai kịp thời. Thành phố ưu tiên tăng ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục; đầu tư mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên… Nhờ đó, đã đạt kết quả toàn diện, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít vấn đề trong lĩnh vực này chưa đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của người dân và xã hội. Quy hoạch mạng lưới trường học còn bất cập do tình trạng dân số cơ học tăng quá nhanh tại một số địa bàn, mật độ trường, lớp phân bố không đồng đều, dẫn đến tình trạng thiếu trường, lớp học. Chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên còn chênh lệch giữa các vùng, có một số cán bộ, giáo viên, nhân viên vi phạm quy định về chuyên môn, đạo đức nhà giáo. Mặc dù định mức phân bổ ngân sách cho giáo dục đã tăng so với giai đoạn trước, nhưng vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu chi cho các hoạt động giáo dục ở các nhà trường.

Ðể tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phát triển Thủ đô, thành phố Hà Nội cần coi trọng công tác truyền thông, xây dựng niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo. Ðẩy mạnh đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, tăng cường phân cấp quản lý và nâng cao năng lực quản lý ở các cơ sở giáo dục. Sắp xếp và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, trong đó cần chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, phẩm chất, lối sống, tác phong mẫu mực của nhà giáo, năng lực, chất lượng, trình độ chuyên môn, chuẩn nghề nghiệp, trình độ lý luận chính trị. Xây dựng văn hóa học đường và môi trường giáo dục nhà trường lành mạnh, dân chủ, kỷ cương. Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo gắn với quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; bố trí đủ nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đào tạo. Nâng cao vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh... để ngành giáo dục và đào tạo của Thủ đô luôn là lá cờ đầu về chất lượng giáo dục trong cả nước.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/38293902-tiep-tuc-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-va-dao-tao.html