Tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể sáng 21/5 tại Hà Nội, kỳ họp dự kiến kéo dài 20 ngày.

Trong đó, 60% thời gian được dành cho công tác xây dựng luật và hoạt động giám sát tối cao nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Hiến pháp năm 2013, nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước, cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh trong diễn văn khai mạc kỳ họp…

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 8 dự án luật và một nghị quyết. Trong đó, có những dự án luật được xã hội đặc biệt quan tâm, như: Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng, Luật Quốc phòng (sửa đổi),… Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét cho ý kiến 8 dự án luật: Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục,…

Tiếp tục hành trình đổi mới hoạt động Quốc hội, tại Kỳ họp này, có tới 15 phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp (chiếm 40% thời gian kỳ họp). Trong đó, nhiều nội dung được cử tri, nhân dân rất quân tâm, như: Giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi),…

Việc tăng thời gian phát thanh, truyền hình trực tiếp vừa giúp cử tri và nhân dân được nghe, được tiếp cận thông tin gốc, qua đó thấy hoạt động của Quốc hội là công khai, minh bạch, thẳng thắn, vừa giúp các vị đại biểu Quốc hội, những đại diện của nhân dân nâng cao hơn trách nhiệm của mình.

Đổi mới thứ hai là, phiên chất vấn sẽ áp dụng phương thức 1-3. Có nghĩa là, đại biểu nêu nội dung chất vấn trong 1 phút, thành viên Chính phủ trả lời trong 3 phút (các kỳ họp trước, người hỏi có 3 phút và người trả lời không bị khống chế thời gian). Cứ sau 3 người hỏi thì người được chất vấn sẽ trả lời. Với phương thức này, số đại biểu hỏi sẽ nhiều hơn và nội dung câu hỏi phải được chắt lọc để đủ thời gian, và như vậy, nhiều vấn đề rất cụ thể sẽ được các đại biểu chất vấn. Điều này buộc Tư lệnh ngành phải nắm rất chắc các vấn đề trong cuộc sống liên quan đến bộ, ngành mình. Đây là một giải pháp để Quốc hội, cử tri rõ hơn năng lực, sự nắm bắt cuộc sống, sự nắm bắt và điều hành của cả đại biểu và bộ trưởng.

Đổi mới thứ ba là, bên cạnh các nghị quyết chuyên đề, Quốc hội sẽ ban hành một nghị quyết chung để “gom” các vấn đề phát sinh đã được Quốc hội xem xét hoặc có quan điểm chính thức nhưng không nằm trong nghị trình.

Qua những phiên họp đầu của kỳ họp, cử tri và nhân dân thấy các báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội do Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN đều trình bày ngắn gọn những kết quả đạt được và đi thẳng vào những vấn đề đang còn phức tạp, tồn tại, hạn chế. Theo đó, vấn đề kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội chưa nghiêm; nhiều vụ khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh điểm nóng, phức tạp, nhất là trong lĩnh vực đất đai; giấy phép “con, cháu” còn khá nhiều, môi trường kinh doanh vẫn còn rào cản, chưa đạt hiệu quả như mong đợi… Tình trạng lãng phí vẫn xảy ra trong các lĩnh vực khai thác tài nguyên, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, quản lý đất công; nhiều “dự án treo”, công trình, dự án lớn chưa đảm bảo chất lượng, chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả...

Cử tri và nhân dân mong Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội gần dân hơn, lắng nghe dân nhiều hơn, sâu sát cuộc sống của người dân hơn, việc giám sát không chỉ dừng ở giám sát việc trả lời của các bộ ngành, địa phương mà cần giám sát việc giải quyết các vụ việc cụ thể, giám sát việc thực hiện lời hứa của các trưởng ngành.

Ý kiến bạn thế nào? Bạn có thể chia sẻ ý kiến mục Bình luận ngay dưới bài viết này trên kinhtenongthon.vn hoặc qua Email baoktnt@vnn.vn. Trân trọng cảm ơn!

Hiền Trang

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/tiep-tuc-doi-moi-de-nang-cao-chat-luong-phuc-vu-nhan-dan-post19539.html