Tiếp tục đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Theo phương hướng nhiệm vụ năm 2020, ngành khoa học và công nghệ sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh

Năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) được Chính phủ đánh giá đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ xây dựng chính sách, pháp luật nhằm đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực mới cho tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và hội nhập quốc tế. Cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học và công nghệ từng bước được rà soát, sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Khoa học và công nghệ đã có sự gắn kết và song hành cùng với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đang được tái cơ cấu để tránh trùng lắp và bám sát chu trình của hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ; đưa doanh nghiệp dần trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, là nơi đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn. Các tập đoàn lớn ngày càng quan tâm, đầu tư có trọng tâm cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp hoạt động theo các mô hình kinh doanh tiên tiến, có khả năng tiếp cận nhanh chóng thị trường toàn cầu.

Chia sẻ thông tin về những phương hướng, nhiệm vụ mà ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) sẽ triển khai thời gian tới, ông Nguyễn Mai Dương, Chánh văn phòng Bộ KH&CN cho biết, năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi đây là năm cuối của nhiệm kỳ, có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; năm tiến hành tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 75 năm Quốc khánh, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 2020 cũng là năm Việt Nam thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Để góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ công tác năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, Bộ KH&CN sẽ tập trung xây dựng và triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Kết luận số 52-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Triển khai hiệu quả Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; Đề án Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế, thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh để kích cầu công nghệ và nhu cầu đổi mới sáng tạo từ khu vực doanh nghiệp. Tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thông qua việc tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lập quỹ phát triển KH&CN, thành lập viện nghiên cứu, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tăng cường hợp tác công tư trong triển khai các dự án công nghệ quy mô lớn và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Triển khai các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài có hàm lượng tri thức cao và tạo điều kiện phát huy tác động lan tỏa từ doanh nghiệp nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tham quan một số thiết bị trưng bày tại lễ khai trương Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tham quan một số thiết bị trưng bày tại lễ khai trương Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật. Ảnh: VGP

Hai là, tiếp tục hoàn thành lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hoàn thiện thể chế kinh tế vĩ mô; sửa đổi, bổ sung các chính sách về tài chính, đầu tư, KH&CN để thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Triển khai xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ để trình Quốc hội vào năm 2021; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2025.

Rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp nhằm trao quyền tự chủ, tự quyết định sử dụng Quỹ phát triển KH&CN cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ba là, tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cụ thể, sẽ tiếp tục đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh. Thúc đẩy gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Tiếp tục đổi mới hoạt động quản lý KH&CN theo hướng dỡ bỏ các rào cản, giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo. Phát triển đội ngũ cán bộ khoa học mạnh, kết hợp đồng thời biện pháp động viên, khuyến khích và đặt yêu cầu trở lại đối với nhà khoa học; Quan tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường KH&CN, các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ.

Bốn là, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung để tranh thủ nguồn lực và tri thức của các quốc gia tiên tiến, đồng thời từng bước nâng tầm năng lực và trình độ nghiên cứu trong nước. Thu hút, khai thác thế mạnh của đội ngũ các nhà khoa học tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài.

Năm là, đề nghị các cấp các ngành, các địa phương quan tâm, chỉ đạo để đưa nhiệm vụ, giải pháp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn trực tiếp với nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng các cấp.

Sáu là, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung cải thiện các chỉ số thành phần để đưa chỉ số Đổi mới sáng tạo theo xếp hạng GII (của WIPO) năm 2020 tiếp tục được cải thiện bền vững.

Phong Lâm

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/tiep-tuc-doi-moi-he-thong-sang-tao-quoc-gia-theo-huong-lay-doanh-nghiep-lam-trung-tam-d168645.html