Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội để đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chính sách xã hội là chính sách chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước. Đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội.

Sáng 4-12, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt chuyên đề “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới” được nêu trong Nghị quyết số 42-NQ/TƯ cùng tên gọi, ký ban hành ngày 24-11-2023 .

Nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ các nhóm nội dung quan trọng liên quan đến Nghị quyết số 42-NQ/TƯ, như: Các yếu tố nền tảng làm cơ sở để đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội; tính cấp thiết phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội; các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chính sách xã hội là chính sách chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước. Đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Vì thế, việc đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững. Đồng thời, xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải đặt trong tổng thể quản lý phát triển xã hội bền vững; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân hóa xã hội, bảo đảm an sinh cho nhân dân trong quá trình phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đạt Nghị quyết số 42-NQ/TƯ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-TƯ một số vấn đề về chính sách xã hội, Việt Nam đã đạt được mục tiêu cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu cho người dân và gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Thế nhưng, bước vào thời kỳ mới, yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước đòi hỏi phải mở rộng toàn diện các chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

“Quá trình già hóa dân số diễn ra rất nhanh chóng. Nước ta là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, tình trạng “chưa giàu đã già”.

Cụ thể, tỷ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên được ước tính sẽ tăng từ 7% lên 15% vào năm 2035, điều này đặt ra những thách thức lớn trong bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi. Vì thế, bảo đảm nguồn lao động có ý nghĩa rất quan trọng để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng suất lao động đang đòi hỏi chính sách lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực và chính sách an sinh xã hội toàn diện”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điểm lại những thành tựu nổi bật sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ với những thành tựu to lớn, quan trọng trên mọi lĩnh vực. Cụ thể, Việt Nam từ một nước có tỷ lệ hộ nghèo gần 60% vào năm 1986 đã giảm xuống còn dưới 3% vào năm 2022 theo chuẩn nghèo mới tiếp cận đa chiều; thu nhập của người nghèo được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân hộ nghèo năm 2020 bằng 3,5 lần năm 2010.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội.

Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn nhưng vẫn dành gần 20% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm cho an sinh xã hội, đồng thời, huy động sâu rộng sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện chính sách xã hội.

Năm 2022, bảo hiểm xã hội đạt 38,08% và bảo hiểm thất nghiệp đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi; bảo hiểm xã hội tự nguyện tạo bước tiến bộ rõ rệt, đạt 1,46 triệu người tham gia. Đặc biệt, chính sách trợ giúp xã hội đã mở rộng đối tượng, tăng mức hưởng; trợ giúp xã hội đột xuất đã bao phủ các nhóm đối tượng, bảo đảm người dân được hỗ trợ kịp thời khi gặp rủi ro, thiên tai, dịch bệnh...

Xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng

Theo Thủ tướng, trên cơ sở đó, Nghị quyết số 42-NQ/TƯ đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững. Trong đó, tạo cơ hội cho nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin.

Nghị quyết cũng đề ra các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030, trong đó, bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo toàn diện cả vật chất và tinh thần, có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội.

Tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%; 60% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội và 45% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội…

Đặc biệt, xây dựng được ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp; xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc đạt khoảng 30m2 sàn/người.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, Nghị quyết số 42-NQ/TƯ đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn với những nội dung chính. Trong đó, nhấn mạnh đến nhóm nhiệm vụ nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của chính sách xã hội; thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Đồng thời, phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động. Xây dựng hệ thống an sinh xã hội bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, không để ai bị bỏ lại phía sau. Nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng…

“Đại dịch Covid-19 cho thấy những bài học kinh nghiệm trong công tác dự báo, phát hiện, phòng ngừa dịch bệnh trên diện rộng bao gồm cả hạn chế của hệ thống y tế cơ sở. Vì vậy, chú trọng phát triển mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao chất lượng dự báo, giám sát, phát hiện, phòng ngừa có hiệu quả dịch bệnh, bảo đảm an ninh y tế là những điểm mới của Nghị quyết”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tiep-tuc-doi-moi-nang-cao-chat-luong-chinh-sach-xa-hoi-de-dap-ung-yeu-cau-thuc-tien-649943.html