Tiếp tục giảm thuế VAT giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Mới đây Chính phủ vừa đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm nay, tức là kéo dài thêm 6 tháng so với quyết định hồi cuối năm ngoái của Quốc hội. Thông tin này được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đón nhận tích cực.

Với việc đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) vào nửa cuối năm nay đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%, nhiều người dân cho rằng, chính sách này sẽ giảm bớt phần nào chi phí sinh hoạt trong mua sắm các mặt hàng tiêu dùng.

Theo bà Nguyễn Hoài Anh ở Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội, trong bối cảnh nhiều gia đình đang phải thắt chặt chi tiêu, việc giảm thuế, phí sẽ góp phần hỗ trợ đời sống của người dân.

"Chi tiêu hàng ngày hiện rất tăng, cộng thêm 1/7 tới sẽ tăng lương nữa sẽ kéo theo nhiều thứ tăng, khó khăn trong chi tiêu của cuộc sống hằng ngày. Mong muốn của người dân là rất là muốn là thuế giảm đi, hỗ trợ cho bữa ăn hằng ngày của gia đình. Tôi rất mong Chính phủ có những biện pháp để giảm thuế" - bà Hoài Anh bày tỏ.

Việc giảm thuế và đặc biệt là thuế giá trị gia tăng trong thời gian qua cũng như thời gian sắp tới thì tất cả các doanh nghiệp đều đang được hưởng lợi

Việc giảm thuế và đặc biệt là thuế giá trị gia tăng trong thời gian qua cũng như thời gian sắp tới thì tất cả các doanh nghiệp đều đang được hưởng lợi

Theo quan sát của PV VOV, trong số các hàng hóa mà nhiều gia đình mua sắm hiện nay có đến hơn nửa chủng loại nằm trong danh mục được giảm 2% thuế VAT. Như vậy, việc kéo dài thời gian giảm thuế VAT sẽ giúp các gia đình tiết kiệm được đến cả trăm nghìn đồng trong mỗi lần mua sắm. Khi đó, việc người tiêu dùng tăng chi tiêu sẽ kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Còn đối với cộng đồng doanh nghiệp, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh. Từ đó, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Mặt khác, khi giá thành giảm thì cầu tiêu dùng tăng, khi đó sẽ kích thích và gia tăng sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất và mở rộng kinh doanh.

Ông Nguyễn Thế Quảng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Global FTD và bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinapharma Group cho rằng, việc giảm thuế giá trị gia tăng không chỉ có lợi cho người sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà còn giúp các doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí phát sinh.

Theo ông Quảng: "Doanh thu của đơn vị trước lúc thuế VAT 10% và sau giảm 2% là 8% cũng không tăng lên nhiều, song đấy là cũng là một thành công rất tốt rồi. Bởi vì giai đoạn khó khăn như thế, nếu như thông lệ bình thường thì doanh nghiệp sẽ giảm doanh số đáng kể. Song việc doanh nghiệp vẫn giữ được mức doanh số, cũng như mức tiêu thụ ổn định cũng là một thành công rồi.

Việc giảm thuế và đặc biệt là thuế giá trị gia tăng trong thời gian qua và thời gian sắp tới, tất cả các doanh nghiệp đều đang được hưởng lợi. Đó chính là đã giúp cho giảm rất nhiều chi phí sản xuất kinh doanh và giúp cho giá thành sản phẩm hạ xuống. Qua đó sẽ tác động trực tiếp tới người tiêu dùng và nhất là những người tiêu dùng cuối, họ sẽ kích cầu để cho sức mua được tăng lên. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng những nguồn vốn đó để tái sản xuất".

Giảm thuế, phí sẽ giảm thu cho ngân sách nhà nước nhưng có tác dụng kích cầu sản xuất và tiêu dùng

Giảm thuế, phí sẽ giảm thu cho ngân sách nhà nước nhưng có tác dụng kích cầu sản xuất và tiêu dùng

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, việc kéo dài các chính sách tài khóa, giãn hoãn nợ, giảm thuế, phí, trong đó có giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng tiêu dùng, xuất khẩu.

Ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu thực tế, dù tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm có tín hiệu tích cực, song quá trình phục hồi đó đang rất chậm. Cùng với đó, thị trường thế giới đang đứng trước những nguy cơ về những bất ổn trong tương lai, áp lực lạm phát cao, nguy cơ đứt gãy trong chuỗi cung ứng vẫn lớn, những xung đột địa chính trị, sự tăng giá năng lượng… Những khó khăn này vẫn đang tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Vì thế, dù đã có những tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế nhưng các doanh nghiệp vẫn vô cùng khó khăn, khi lần đầu tiên trong lịch sử số doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tạm ngưng hoạt động lớn hơn là số doanh nghiệp gia nhập thị trường và quay trở lại hoạt động. Đây là bức tranh trung thực phản ánh thực trạng nền kinh tế và tình trạng các doanh nghiệp hiện nay.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc Chính phủ có tờ trình trình Quốc hội xem xét, phương án tiếp tục giảm thuế VAT đến hết năm nay- là một động thái rất quan trọng, nhằm hỗ trợ cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp vượt khó.

"Doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn, quá trình phục hồi kinh tế vẫn đang thiếu động lực đột phá. Do đó trước tình hình này rất hy vọng là sẽ tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% không chỉ diễn ra trong 6 tháng của năm nay mà diễn ra trong 1 năm nay hoặc đến cuối năm tới. Điều này sẽ có một động lực hơn cho việc mở rộng thị trường và cũng đảm bảo doanh nghiệp yên tâm chọn kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình trong không chỉ năm nay mà cho những năm tới" - ông Lộc nhấn mạnh.

Giảm thuế, phí sẽ giảm thu cho ngân sách nhà nước nhưng có tác dụng kích cầu sản xuất và tiêu dùng. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, chính sách này sẽ được kéo dài để doanh nghiệp phục hồi và vượt qua khó khăn. Theo tính toán của Bộ Tài chính, cùng với các giải pháp thuế, phí, lệ phí khác đã tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu. Từ đó, giúp thu thuế tiêu thụ nội địa những tháng đầu năm vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra trên 10%.

Nguyễn Hằng/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tiep-tuc-giam-thue-vat-giup-doanh-nghiep-phuc-hoi-san-xuat-post1095492.vov