Tiếp tục gỡ vướng trong xử lý nợ xấu

Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15-8-2017. Sau một năm triển khai, Nghị quyết đã tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn, giúp đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, một số vướng mắc cũng phát sinh, đòi hỏi cần được tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh.

Thúc đẩy xử lý nợ

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), từ năm 2012 đến hết tháng 3-2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được hơn 753 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, số nợ xấu xử lý theo Nghị quyết 42 đạt khoảng 100,5 nghìn tỷ đồng.

Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) Ðoàn Văn Thắng cho biết, Nghị quyết 42 được ban hành thể hiện tư duy của nhà lập pháp thay đổi khi cho rằng, nợ xấu là của nền kinh tế chứ không của riêng ngành ngân hàng. "Nghị quyết đã tạo động lực quan trọng cho VAMC và các TCTD chủ động trong xử lý nợ xấu, khẳng định được quyền của chủ nợ trong giao dịch dân sự vay - trả" - Tổng Giám đốc Ðoàn Văn Thắng nhấn mạnh.

Thời gian qua, cùng với việc ban hành các văn bản nhằm từng bước hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu, NHNN đã quyết liệt chỉ đạo các TCTD tích cực triển khai và quán triệt Nghị quyết 42 trong toàn hệ thống. Căn cứ thực trạng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, đánh giá khả năng thu hồi nợ xấu, các ngân hàng đã xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu phù hợp từng thời kỳ. NHNN cũng tăng cường chỉ đạo VAMC triển khai các giải pháp về mua nợ xấu theo giá thị trường và nâng cao năng lực tài chính cho VAMC...

Với những giải pháp đồng bộ như vậy, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành ngân hàng đã giảm từ 3,61% cuối năm 2013 xuống 2,18% hiện nay. Trong đó, nợ xấu xử lý qua VAMC đến ngày 30-6 đạt 310.517 tỷ đồng theo dư nợ gốc nội bảng, ước tính đạt hơn 40% tổng nợ xấu được xử lý. VAMC cũng phối hợp các TCTD thu hồi được gần 100 nghìn tỷ đồng. Ðáng chú ý, riêng năm 2017, nhờ có Nghị quyết 42, VAMC đã thu được 30.852 tỷ đồng (gần bằng hai phần ba tổng giá trị thu hồi nợ của cả bốn năm trước đó), tăng gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2016, hoàn thành 140% kế hoạch được giao.

Còn nhiều vướng mắc

Nhiều "nút thắt" cơ bản trong xử lý nợ xấu đã được tháo gỡ kể từ khi Nghị quyết 42 được ban hành. Nhưng quá trình triển khai trong thực tiễn, một số khó khăn, vướng mắc mới lại nảy sinh, khiến hoạt động xử lý nợ của các TCTD trong một số trường hợp đã bị chậm lại.

Ðề cập tới một trong những khó khăn vướng mắc mà thực tế ngân hàng đang gặp phải, Phó Tổng Giám đốc Agribank Trần Văn Dự cho biết, mặc dù Bộ Tài chính có Văn bản số 4606/BTC-TCT ngày 20-4-2018 về quán triệt thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội nhưng nội dung văn bản lại chưa hướng dẫn chi tiết về việc nộp thuế khi xử lý tài sản bảo đảm (TSBÐ) của khoản nợ xấu. Do đó, cần có hướng dẫn pháp lý rõ ràng hơn về nộp thuế khi bán đấu giá TSBÐ.

Bên cạnh đó, mặc dù Nghị quyết 42 đã trao quyền cho ngân hàng thu giữ tài sản, nhưng trên thực tế, chính quyền địa phương chưa vào cuộc mạnh mẽ. "Nhiều trường hợp gia đình chỉ có duy nhất một căn nhà đem thế chấp ngân hàng để lấy vốn làm ăn nhưng không may việc kinh doanh bị thua lỗ. Khi khách hàng thua lỗ, theo pháp luật, căn nhà bị ngân hàng siết nợ. Lúc này, nếu quyết liệt thu giữ tài sản, ngân hàng sẽ bị lên án vì đẩy người dân vào cảnh không có nơi ở. Do vậy, rất khó để giải quyết những trường hợp này một cách hợp tình hợp lý" - Phó Tổng Giám đốc Agribank Trần Văn Dự bày tỏ.

Ðại diện lãnh đạo Vietcombank cũng đồng quan điểm khi cho rằng, tuy Nghị quyết 42 tái lập quyền thu giữ TSBÐ của bên nhận TSBÐ, nhưng khi khách hàng cố tình chống đối thì các TCTD vẫn phải khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để được quyền xử lý TSBÐ thông qua thi hành án. Như vậy, các TCTD chỉ thực hiện thu giữ TSBÐ thành công đối với một số trường hợp nhất định như: khách hàng đã bỏ trốn khỏi địa phương mà TSBÐ không có tranh chấp; TSBÐ là đất trống;... Chưa kể, Nghị quyết 42 quy định rõ thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBÐ: ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm của các TCTD, trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ không có bảo đảm khác của bên bảo đảm. Một số cơ quan chức năng như Tổng cục Thi hành án cũng có văn bản hướng dẫn nội bộ về nội dung này. Tuy nhiên, đến nay Tổng cục Thuế vẫn chưa có hướng dẫn nội bộ về nội dung này, dẫn tới nhiều trường hợp khi TCTD phát mại TSBÐ của doanh nghiệp, cơ quan thuế tại địa phương yêu cầu phải thanh toán tiền thuế nợ đọng của các doanh nghiệp thì mới thực hiện các thủ tục tiếp theo...

Với những khó khăn phát sinh trong thực tế như vậy, để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42, đại diện lãnh đạo các TCTD kiến nghị các bộ, ngành liên quan cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về các vấn đề đang gây cản trở quá trình này, như: hướng dẫn chi tiết về quyền thu giữ TSBÐ của các TCTD khi TSBÐ đang có người sinh sống; thu giữ TSBÐ là nhà xưởng, dây chuyền máy móc, thiết bị đang được vận hành, sản xuất...; quy định rõ trách nhiệm thực hiện việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ TSBÐ của chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an nơi tiến hành thu giữ TSBÐ; hướng dẫn thực hiện quy định về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp...

Khi Nghị quyết 42 được ban hành, về cơ bản nhiều khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết. Còn các khó khăn hiện nay là phát sinh trong quá trình triển khai. Vấn đề hiệu quả xử lý nợ xấu trong thời gian qua, trước hết phụ thuộc vào ý chí, quyết tâm của các TCTD. Trong quá trình theo dõi, chúng tôi thấy nơi nào chủ tịch hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, tổng giám đốc quyết liệt, lăn lộn thì chắc chắn kết quả tốt hơn.

Nguyễn Kim Anh
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Kể từ khi có Nghị quyết 42, người vay đã thận trọng hơn, cũng như giảm bớt tình trạng chây ỳ trong việc trả nợ. Trước đây, người đi vay cứ sử dụng những khó khăn trong thể chế gây nhũng nhiễu đối với người cho vay trong xử lý phát mại tài sản, đấu giá. Nhưng nay, Nghị quyết 42 đã bảo đảm công bằng giữa người đi vay và cho vay.

PGS, TS Trần Hoàng Ngân
Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Kể từ khi có Nghị quyết 42, người vay đã thận trọng hơn, cũng như giảm bớt tình trạng chây ỳ trong việc trả nợ. Trước đây, người đi vay cứ sử dụng những khó khăn trong thể chế gây nhũng nhiễu đối với người cho vay trong xử lý phát mại tài sản, đấu giá. Nhưng nay, Nghị quyết 42 đã bảo đảm công bằng giữa người đi vay và cho vay.

PGS, TS Trần Hoàng Ngân
Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

HỒNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/37228002-tiep-tuc-go-vuong-trong-xu-ly-no-xau.html