Tiếp tục hành trình sáng tạo

Sau Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 vừa diễn ra theo hình thức trực tuyến, các nhà giáo thuộc khối giáo dục nghề nghiệp ở Thủ đô trở về với công việc dạy nghề, hướng nghiệp. Từ những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm đã tích lũy, đội ngũ nhà giáo tiếp tục hành trình sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong thời kỳ mới, bồi đắp, lan tỏa tình yêu nghề cho lao động trẻ.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tặng hoa chúc mừng, tôn vinh các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp có thành tích xuất sắc dịp 20-11.

Lấy người học làm trung tâm

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), hiện thị trường lao động, việc làm phát triển theo hướng đa dạng, toàn diện, có sự cạnh tranh quyết liệt, đòi hỏi người lao động phải có trình độ chuyên môn, tay nghề vững vàng. Muốn vậy, trước hết, người dạy nghề phải thực tâm, thực tài, thực nghề, không ngừng đổi mới, sáng tạo; người học nghề cần chủ động lĩnh hội kiến thức, hoàn thiện kỹ năng, thái độ nghề nghiệp.

Với trách nhiệm truyền lửa đam mê, các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp ở Thủ đô luôn tìm tòi, học hỏi, kết hợp giữa kiến thức lý thuyết với thực tế để tìm ra phương pháp dạy phù hợp với thời kỳ mới. Nhà giáo Nguyễn Thị Mai Hạnh, giảng viên môn kế toán doanh nghiệp, Khoa Kinh tế (Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội) cho biết, bài trình giảng về nghề kế toán giúp cô giành giải Nhất tại hội giảng là đề tài không mới, kiến thức không phức tạp. Điểm mới của bài giảng là ở phương pháp giảng dạy trực tuyến, lấy người học làm trung tâm, lấy hiệu quả làm mục đích. Cô giáo Hạnh đã thiết kế bài giảng sinh động, có kiến thức lý thuyết cơ bản, có video về tình huống thực tế, lôi cuốn người học.

Cũng lấy người học làm trung tâm, nhà giáo Nguyễn Xuân Lân, giảng viên Khoa Hàn (Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội) đưa vào bài giảng những nội dung mới mà người học chưa biết, thị trường đang thiếu, đang cần. Trong bài trình giảng về kỹ thuật hàn giành giải Nhất tại hội giảng, thay vì trình giảng kỹ thuật hàn vật liệu sắt, thép..., thầy giáo Lân đã hướng dẫn học sinh cách hàn vật liệu nhôm. “Vật liệu nhôm đang được ứng dụng phổ biến trong thực tiễn, nhưng có rất ít thợ lành nghề. Hơn nữa, vật liệu này rất “khó tính”, chỉ cần một mối hàn sai có thể làm hỏng cả sản phẩm, đòi hỏi thợ hàn nhôm phải nắm rất vững kỹ năng hàn. Vì thế, tôi đã cố gắng xây dựng bài giảng theo hướng kết hợp giữa lý thuyết với thực hành là những video hướng dẫn do chính tôi làm thợ, giúp người học dễ hình dung, tiếp thu”, thầy giáo Lân chia sẻ.

Việc kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học mới, tạo ra môi trường học tập tích cực, giúp học sinh, sinh viên phát huy tối đa tinh thần sáng tạo trong quá trình học nghề trực tuyến cũng là “bí quyết” để 23 nhà giáo khác giành giải thưởng cao tại hội giảng. “Thành tích 25/25 nhà giáo tham gia hội giảng đều đoạt giải Nhất, Nhì, Ba và Hà Nội giành giải Nhất toàn đoàn là minh chứng để khẳng định, các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp ở Thủ đô đã, đang chủ động thích ứng với phương pháp đào tạo nghề trong bối cảnh số hóa, hội nhập”, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương nhấn mạnh.

Lan tỏa tình yêu nghề

Phần thưởng quý giá nhất của các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp không chỉ là những bài giảng chất lượng cao, mà còn góp phần làm lan tỏa tình yêu nghề đến lao động trẻ.

Chắp cánh cho những ý tưởng sáng tạo trở thành hiện thực, các bên cùng tạo điều kiện để các nhà giáo nỗ lực cống hiến. Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội Tạ Văn Xã cho biết, nhà trường động viên, khuyến khích các nhà giáo ứng dụng công nghệ thông tin, đưa kiến thức thực tế vào bài giảng. Được đào tạo trong môi trường thực học, thực hành, đa số học sinh Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội nắm vững kỹ năng nghề nghiệp.

Học sinh Trần Hải Dương, lớp 42H1 chia sẻ: “Noi theo tấm gương các nhà giáo, chúng em đã, đang học nghề bằng tinh thần nhiệt huyết, đam mê. Em đang nỗ lực rèn nghề để có thể giành giải thưởng cao tại kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, dự kiến diễn ra cuối năm nay”. Còn Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc khẳng định, nhà trường tạo mọi thuận lợi để các nhà giáo thiết kế những bài giảng chất lượng, hiệu quả hơn.

Làm việc trong môi trường khuyến khích sự sáng tạo, các nhà giáo tiếp tục “cháy” hết mình. Nhà giáo Phạm Thị Hương Lý, Khoa Dược, Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội bộc bạch: “Dù khó khăn đến đâu, chúng tôi cũng nỗ lực đổi mới tư duy, phương thức giảng dạy để có những bài giảng phù hợp, thích ứng với sự thay đổi của xã hội”.

Dưới góc nhìn khách quan, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng đánh giá, sự cống hiến, sáng tạo của 25 nhà giáo vừa giành giải thưởng cao tại hội giảng nói riêng, đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp ở Thủ đô nói chung đáng được ghi nhận, biểu dương. Đặc biệt, những bài trình giảng của đoàn Hà Nội tham gia hội giảng đã được lưu trữ, chia sẻ, từ đó hình thành kho học liệu bài giảng số để nhà giáo tham khảo, sử dụng, giúp học sinh, sinh viên có thêm nguồn tài liệu nghiên cứu, học tập...

Minh Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/phong-su-ky-su/1019955/tiep-tuc-hanh-trinh-sang-tao