Tiếp tục hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội

Tính tới tháng 9-2017, gần 13,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) trong cả nước, tăng 270 nghìn người so quý IV-2016. Theo quy định của Luật BHXH 2014, từ ngày 1-1- 2016, quỹ BHXH bắt buộc và quỹ BHXH tự nguyện nhập thành một quỹ chung. Hết tháng 12-2016, kết dư quỹ BHXH khoảng 435,5 nghìn tỷ đồng, tăng 22,44% so cuối năm 2015.

Chuyển động tích cực nêu trên là do công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật BHXH của Chính phủ, các bộ, ngành cơ bản đầy đủ và kịp thời, thể hiện qua 10 nghị định, hai quyết định, 10 thông tư, thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện liên quan tới việc triển khai hướng dẫn Luật BHXH 2014. Chỉ thị số 34 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai đa dạng, thực chất và đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân và người lao động (NLĐ). Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH từng bước nâng cao. Số cuộc thanh tra chuyên đề của thanh tra ngành lao động, thương binh và xã hội, ngành BHXH, các cuộc phối hợp kiểm tra, giám sát giữa các ngành chức năng được tăng cường.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật dù có nhiều chuyển biến nhưng chưa tác động mạnh đến phát triển đối tượng; một bộ phận người dân, doanh nghiệp, tổ chức chưa thường xuyên tiếp cận thông tin chính sách, pháp luật về BHXH. Năm 2016 là năm đầu cơ quan BHXH được giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát có lúc, có nơi chưa thường xuyên; số cuộc thanh tra, kiểm tra còn ít; việc xử phạt hành vi vi phạm về BHXH ít được thực hiện. Nguyên nhân chính là do lực lượng thanh tra ngành còn mỏng; tình trạng trục lợi, gây thất thoát quỹ ốm đau, thai sản, bảo hiểm thất nghiệp diễn biến phức tạp, do một số đơn vị khi tiếp nhận hồ sơ hưởng chế độ từ NLĐ không thẩm định chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm đối với các hành vi trục lợi BHXH hạn chế.

Đối tượng tham gia BHXH tuy có tăng lên nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu; nhiều doanh nghiệp chưa tham gia BHXH. Cả nước hiện có khoảng gần 500 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng mới có hơn 235 nghìn doanh nghiệp đóng BHXH, đạt khoảng 47%. Một số doanh nghiệp cố tình trốn tránh trách nhiệm khai trình lao động và tham gia BHXH cho NLĐ; do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản, tạm ngừng hoạt động. Tỷ lệ người tham gia BHXH so với lực lượng lao động thấp. Tỷ lệ nợ BHXH cao tại các doanh nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi NLĐ. Đặc biệt, hiện có khoảng 1.400 tỷ đồng nợ BHXH từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn, không thể thu hồi và quyền lợi của hơn 193 nghìn NLĐ ở các doanh nghiệp này cũng chưa được giải quyết. Công tác khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH của tổ chức công đoàn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, do bất cập của pháp luật. Thực hiện việc bàn giao sổ BHXH cho người lao động gặp nhiều khó khăn, mới chỉ đạt khoảng 21%.

Nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH theo quy định của Luật BHXH 2014, hướng tới mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, đòi hỏi các bộ, ngành thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhóm giải pháp phù hợp chức năng, nhiệm vụ được nêu trong Chỉ thị 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH. Đồng thời, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng cần khẩn trương ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH và các Luật chuyên ngành có liên quan như Luật Vệ sinh, an toàn lao động. Trong đó, có quy định về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Luật Việc làm để có cơ sở đề xuất sửa đổi các quy định về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho phù hợp; các quy định về cơ chế, chính sách xử lý nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BHTN nhằm giải quyết quyền lợi của NLĐ.

Tòa án nhân dân Tối cao sớm hướng dẫn các cấp tòa án về giải quyết các vụ kiện liên quan BHXH. Các cơ quan có liên quan sớm nghiên cứu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định khởi kiện đòi nợ BHXH; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH từ T.Ư đến địa phương; HĐND các tỉnh, thành phố cần đưa chỉ tiêu mở rộng bao phủ BHXH, BHYT, BHTN vào kế hoạch phát triển hằng năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của địa phương. Trên cơ sở đó, UBND các tỉnh, thành phố cụ thể hóa, giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho các địa phương trực thuộc; chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp cơ quan BHXH tỉnh, thành phố xây dựng quy chế phối hợp trao đổi thông tin quản lý doanh nghiệp, lao động, tiền lương, tạo điều kiện phục vụ doanh nghiệp, người dân tham gia, thụ hưởng chính sách theo đúng quy định của pháp luật.

DƯƠNG QUÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34474002-tiep-tuc-hoan-thien-chinh-sach-bao-hiem-xa-hoi.html