Tiếp tục hoàn thiện chính sách, tháo gỡ những 'điểm nghẽn'

Đội ngũ trí thức là nền tảng của tiến bộ xã hội, là lực lượng nòng cốt sáng tạo và là nguồn lực rất quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, việc thu hút, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức thời gian qua còn có những khó khăn nhất định, cùng những 'điểm nghẽn' về cơ chế, chính sách, cần sớm được tháo gỡ.

Đóng góp tích cực, hiệu quả của đội ngũ trí thức

"Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Thấy rõ vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về thu hút và trọng dụng trí thức, trong đó Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6-8-2008 về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Sau hơn 10 năm thực hiện, với những kết quả quan trọng đạt được, ngày 30-5-2019, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 52-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, khóa X.

Hiện nay, đội ngũ trí thức ở nước ta chủ yếu được thu hút, tập hợp thông qua các hội, hiệp hội chuyên ngành. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam luôn đề cao vai trò, vị trí và đẩy mạnh thu hút, tập hợp trí thức, đặc biệt là trí thức trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN). Thông qua việc tập hợp, đoàn kết trí thức trong 149 hội thành viên và hơn 480 tổ chức KH&CN trực thuộc, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã phát huy tốt vai trò của trí thức trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Cán bộ khoa học Trung tâm Giám định ADN, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thực hiện giám định ADN. Ảnh: LA DUY

Những năm qua, đội ngũ trí thức nước ta có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; tích cực tham gia xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật; góp ý kiến khách quan, thẳng thắn trên cơ sở khoa học về những vấn đề có liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, như: Dự thảo văn kiện Đại hội XI, XII của Đảng; dự thảo Hiến pháp năm 2013...; cung cấp thông tin và tổ chức tư vấn, phản biện nhiều đề án, dự án, chiến lược quan trọng của đất nước. Nhiều trí thức, nhà khoa học có uy tín được đề xuất tham gia ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV và đại biểu HĐND các cấp, qua đó tham gia có trách nhiệm trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bộ, ngành, địa phương…

Sớm tháo gỡ bất cập, “điểm nghẽn”

Thực tiễn cho thấy, việc thu hút, trọng dụng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức những năm qua còn bộc lộ những bất cập. Theo đó, mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã ban hành hệ thống pháp luật và các văn bản liên quan nhằm hoàn thiện môi trường làm việc, cống hiến, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức, nhưng vẫn còn một số nội dung chưa được thể chế hóa và chậm thực hiện. Một số văn bản chỉ đạo của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước chưa thực sự thống nhất; có những văn bản thực thi của Nhà nước chưa quy định cụ thể, khiến một số hội của đội ngũ trí thức gặp khó khăn trong quá trình hoạt động. Cùng với đó, cơ quan chức năng chưa tổ chức được nhiều diễn đàn phù hợp để cung cấp thông tin và tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ trí thức bày tỏ quan điểm, đóng góp ý kiến xây dựng chủ trương, chính sách phát triển đất nước.

Theo đồng chí Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN: Việc thực hiện diễn đàn của trí thức đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành bằng văn bản, nhưng các đơn vị được giao thí điểm vẫn chưa tổ chức được diễn đàn thường xuyên; chưa có tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của các loại diễn đàn để tiếp tục triển khai. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2014/NĐ-CP quy định rõ chính sách ưu đãi các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ KH&CN quốc gia (tổng công trình sư) và nhà khoa học trẻ tài năng, nhưng chính sách đãi ngộ cũng còn không ít bất cập.

Theo ý kiến của một số nhà khoa học đầu ngành từng làm công tác quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập, một “điểm nghẽn” trong việc thu hút, trọng dụng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước là sự bất cập về chế độ lương, phụ cấp đặc thù trong các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập. Chính phủ đã có một số quy định thu hút đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng chưa được thực hiện tốt do vướng mắc các quy định về giấy phép xuất-nhập cảnh, giấy phép lao động, hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo... Việc định kỳ tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, đối thoại với trí thức về những vấn đề kinh tế-xã hội quan trọng được thực hiện tốt ở cấp Trung ương, nhưng ở cấp bộ, ngành, địa phương thì ít tổ chức thực hiện, dẫn đến việc thu hút, tập hợp và phát huy trí tuệ, trình độ của đội ngũ trí thức vào sự nghiệp phát triển đất nước chưa được như kỳ vọng.

Thực tế những năm qua cũng cho thấy, đội ngũ trí thức, cán bộ làm công tác nghiên cứu, các nhà khoa học của Việt Nam khá đông đảo, có trình độ cao, nhưng chưa có nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học xứng tầm, trong đó nguyên nhân chủ yếu là chính sách thu hút và trọng dụng cán bộ làm công tác khoa học còn những bất cập. Lý giải điều này, Tiến sĩ Trần Huy Ngọc, giảng viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) cho rằng, một bộ phận trí thức, các nhà khoa học ở nước ta chưa được làm việc trong môi trường học thuật thuận lợi, dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám”, không chỉ từ trong nước ra nước ngoài, mà còn từ khu vực công sang khu vực tư, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả của các cơ quan nghiên cứu của nhà nước.

Không để “chảy máu chất xám”

Trong giai đoạn hiện nay, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hoàn thiện và đồng bộ cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức là nội dung hết sức quan trọng. Theo GS, TSKH Đặng Vũ Minh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, cần sớm cụ thể hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW và Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị thành các cơ chế, chính sách cụ thể để xây dựng hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi trong việc tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức nói chung, trí thức KH&CN nói riêng, đóng góp xứng đáng vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Một số ý kiến đề xuất, để phát huy tài năng và trọng dụng những trí thức có phẩm chất tốt, có năng lực quản lý, nhưng chưa phải là đảng viên trong các cơ quan nhà nước thì cần có cơ chế, chính sách đặc thù; không áp dụng máy móc cách quản lý hành chính để phát huy cao nhất năng lực cống hiến của trí thức. Theo đó, cần tạo điều kiện hơn cho trí thức không phải là đảng viên trong việc quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm; có thang, bảng lương riêng cho những người làm công tác khoa học trong các đơn vị sự nghiệp công lập...

Tiến sĩ Nguyễn Văn Nguyên, giảng viên Học viện Ngân hàng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức KH&CN công lập cần sớm triển khai thực hiện việc giới thiệu và công nhận các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học trẻ tài năng, xác định các nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ quan trọng của đất nước, trên cơ sở đó lập kế hoạch ngân sách hằng năm ưu đãi những tài năng này. Cùng với những chính sách thu hút người tài, các đơn vị sự nghiệp công lập cần có chế độ ưu đãi để giữ chân các nhà nghiên cứu, nhà khoa học với thang, bảng lương riêng, khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”.

TRẦN MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tiep-tuc-hoan-thien-chinh-sach-thao-go-nhung-diem-nghen-598859