Tiếp tục hoàn thiện chính sách về phát triển bền vững ở Việt Nam

Ngày 21-12, tại Hà Nội, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia 'Các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiến trình thực hiện và một số khuyến nghị'.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận những cam kết quốc tế về phát triển bền vững, các mục tiêu phát triển bền vững trên thế giới và các mục tiêu đã được xây dựng phù hợp với điều kiện của Việt Nam, cũng như đánh giá tiến trình thực hiện các mục tiêu này ở cấp độ quốc gia và cấp độ địa phương, góp phần củng cố cơ sở lý luận, đánh giá tiến trình phát triển bền vững một cách toàn diện, hoàn thiện khung khổ chính sách về phát triển bền vững ở Việt Nam.

 Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Theo Tiến sĩ Lê Việt Anh, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều mục tiêu phát triển bền vững khó có khả năng đạt được vào năm 2030, trong bối cảnh thế giới diễn biến khó lường, xung đột địa chính trị diễn ra gay gắt, dịch Covid-19 để lại những hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường còn lớn, phát triển kinh tế-xã hội trong nước còn bộc lộ nhiều hạn chế. Quá trình xây dựng và thực thi khung khổ chính sách phát triển bền vững còn gặp nhiều vướng mắc, hiệu lực thực thi chính sách chưa cao, sự tham gia của một số bên liên quan còn hạn chế.

Ông Lê Việt Anh nhấn mạnh cần có những định hướng, giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp hướng tới phát triển kinh tế bền vững. Tiếp tục đầu tư phát triển nguồn vốn con người, đặc biệt là qua việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, dễ tiếp cận, công bằng và chất lượng. Thúc đẩy phục hồi các ngành kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn để đảm bảo vừa phát triển kinh tế bền vững, tạo tiềm lực cho các giải pháp an sinh xã hội nhưng đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.

GS, TS Ngô Thắng Lợi, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, việc xác định đúng nội hàm, tiêu chí đánh giá và mô hình thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam là vô cùng quan trọng. Xác định đúng các khía cạnh trên, không chỉ là cơ sở để chúng ta tiến hành đánh giá một cách chính xác, đầy đủ thực trạng phát triển nền kinh tế đất nước trong thời gian qua đảm bảo tính bền vững như thế nào, mà nó còn có ý nghĩa trong hoạch định chiến lược phát triển bền vững trong thời gian tới và những chính sách, giải pháp cần có để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, gắn với việc thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Tin, ảnh: HOÀNG CHUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/tiep-tuc-hoan-thien-chinh-sach-ve-phat-trien-ben-vung-o-viet-nam-714494