Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nhà ở

Vừa qua, các chuyên gia nhận định về một số rào cản đối với người có thu nhập thấp đô thị khi tạo lập nhà ở. Đó là: Thiếu sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ (có từ một đến hai phòng ngủ) với giá vừa túi tiền (khoảng hai tỷ đồng trở lại); thiếu nhà ở xã hội; thiếu nhà cho thuê giá thấp; giá nhà cao, gấp từ 20 đến 25 lần so với thu nhập bình quân (trong lúc ở các nước phát triển thì giá nhà chỉ gấp từ năm đến bảy lần thu nhập bình quân).

Vừa qua, các chuyên gia nhận định về một số rào cản đối với người có thu nhập thấp đô thị khi tạo lập nhà ở. Đó là: Thiếu sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ (có từ một đến hai phòng ngủ) với giá vừa túi tiền (khoảng hai tỷ đồng trở lại); thiếu nhà ở xã hội; thiếu nhà cho thuê giá thấp; giá nhà cao, gấp từ 20 đến 25 lần so với thu nhập bình quân (trong lúc ở các nước phát triển thì giá nhà chỉ gấp từ năm đến bảy lần thu nhập bình quân).

Trong khi, Nhà nước chưa có chính sách tín dụng hỗ trợ người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở, trước hết đối với người mua căn nhà đầu tiên. Trước đó, giai đoạn 2013 - 2016, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ với gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng (thực chất đã giải ngân được đến 34.826 tỷ đồng) đã hỗ trợ 56.240 người có nhu nhập thấp được vay mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có mức giá dưới 1,05 tỷ đồng/căn. Chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014 cũng chỉ mới hỗ trợ tín dụng thuê mua nhà được khoảng 1.000 tỷ đồng, trả góp trong 15 năm...

Hiện nay, thị trường bất động sản, thị trường nhà ở, các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn rất lớn, mà nguyên nhân trước hết là do những vướng mắc về cơ chế, chính sách cần phải được khẩn trương tháo gỡ. Chúng tôi kiến nghị Nhà nước khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách kiến tạo môi trường kinh doanh “minh bạch, lành mạnh, bình đẳng, thông thoáng”, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản - nhà ở. Trong đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội và phát triển loại căn hộ vừa túi tiền.

Đề nghị TP Hồ Chí Minh xem xét, sớm giải quyết các vướng mắc về thủ tục lựa chọn chủ đầu tư các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp; về thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 sau khi đã có “quyết định chủ trương đầu tư”; về thủ tục tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở; về việc xử lý đối với phần diện tích đất rạch, bờ đất, đường thuộc Nhà nước quản lý nằm xen cài trong dự án nhà ở, thường chiếm khoảng 10% diện tích dự án để khai thông ách tắc của thị trường bất động sản hiện nay, đồng thời phù hợp các quy hoạch phát triển thành phố văn minh hiện đại.

Nội dung quan trọng khác, đó là cần xây dựng hệ thống chính sách “tạo điều kiện” về quy hoạch, quỹ đất, giao thông, tín dụng, thuế để khuyến khích các doanh nghiệp và nhà đầu tư bỏ vốn làm ăn, phát triển các dự án nhà ở. Đặc biệt chính sách “tạo điều kiện” về tín dụng cho người có thu nhập thấp đô thị để mua trả góp (thuê mua) nhà ở trong thời hạn tối thiểu 20 năm.

Đối với chính sách hỗ trợ suất vay mua nhà ở 900 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 4,7%/năm trong thời hạn 15 năm cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước TP Hồ Chí Minh, đề nghị có giải pháp bổ sung nguồn vốn và mở rộng đối tượng được vay, hoặc lựa chọn đối tượng được vay theo thứ tự ưu tiên để bảo đảm công bằng. Đồng thời, không để xung đột với chính sách nhà ở xã hội.

Chúng tôi cũng đề nghị sử dụng hiệu quả công cụ quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị - nhà ở theo hướng thực hiện đô thị nén, đô thị xanh, đô thị thông minh, tòa nhà thông minh, căn hộ thông minh để thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở. Đề nghị quy hoạch phát triển các “khu đô thị bình dân”, “khu nhà ở vừa túi tiền” trở thành đô thị vệ tinh có đầy đủ tiện ích, dịch vụ, tạo được một số việc làm tại chỗ và kết nối giao thông thuận tiện. Sử dụng hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất công (thông qua đấu giá đất) và quỹ đất 20% từ các dự án nhà ở thương mại để phát triển các dự án nhà ở xã hội, tăng nguồn cung nhà ở xã hội đang rất thiếu hụt hiện nay; tiếp tục đơn giản hóa hơn nữa thủ tục hành chính đối với dự án nhà ở xã hội. Hơn nữa, thực hiện phổ biến phương thức đấu giá đất công khai, hoặc đấu thầu rộng rãi dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư phát triển đô thị - nhà ở và thực hiện đấu thầu rộng rãi, để lựa chọn nhà đầu tư các dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) thanh toán bằng quỹ đất khác, để phát triển đô thị - nhà ở.

Vấn đề hiện nay được nhiều người rất quan tâm, đề nghị Nhà nước sử dụng hiệu quả hơn nữa các công cụ tín dụng, công cụ thuế, công cụ quy hoạch - kế hoạch để điều tiết thị trường bất động sản - nhà ở và thông tin đầy đủ, kịp thời đến người tiêu dùng để khắc phục tình trạng “mù” thông tin bị lừa đảo vì các dự án “ma”, nhất là trong thời điểm thị trường bị sốt ảo hoặc bị đầu cơ.

LÊ HOÀNG CHÂU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41854002-tiep-tuc-hoan-thien-co-che-chinh-sach-phat-trien-nha-o.html