Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về văn hóa

Sau 5 năm thực hiện Luật Thủ đô, TP Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu trong triển khai các nhiệm vụ bảo tồn, phát triển văn hóa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn một số hạn chế như: Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa chưa hợp lý, thủ tục tu bổ di tích còn rườm rà...

Điệu múa rắn lột của phường Việt Hưng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

Điều đó cho thấy cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách để việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa theo đúng yêu cầu của Luật.

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua cuối năm 2012 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Trong lĩnh vực văn hóa, Luật yêu cầu việc bảo tồn và phát triển văn hóa Thủ đô phải bảo đảm tiêu biểu cho bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Luật Thủ đô chỉ rõ các khu vực, di tích cần tập trung bảo tồn, phát huy giá trị như: Hoàng Thành Thăng Long, Thành Cổ Loa; Văn Miếu - Quốc Tử Giám...; khu vực hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây; phố cổ, làng cổ và làng nghề truyền thống tiêu biểu; các giá trị văn hóa phi vật thể... Luật Thủ đô cho phép HĐND thành phố ban hành một số chính sách đặc thù trong lĩnh vực văn hóa.

Triển khai thực hiện Luật Thủ đô, thành phố đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn. Từ năm 2012 đến hết 2017, đã đầu tư tu bổ, chống xuống cấp 200 di tích. Ngân sách thành phố chi 274 tỷ đồng, còn lại do các quận, huyện bố trí kinh phí và huy động từ nguồn vốn xã hội hóa. Thành phố đầu tư có trọng điểm những di tích mà Luật Thủ đô đề ra. Tại khu phố cổ, Hà Nội đã xây dựng Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ, đầu tư, tu bổ các di tích: đình Tú Thị, quán chùa Huyền Thiên, chùa Vĩnh Trù, hội quán Phúc Kiến, đền Ngọc Liên...; các tuyến phố: Hàng Dầu, Cầu Gỗ, Lãn Ông... được chỉnh trang, giữ lại những nét cổ kính cho các tòa nhà; mở rộng không gian phố đi bộ. Những hoạt động này góp phần giúp phố cổ tiếp tục là "địa chỉ vàng" của du lịch Hà Nội. Đối với bảo tồn phát triển làng cổ, làng nghề, thành phố đã thông qua Quy hoạch Bảo tồn làng cổ Đường Lâm, đầu tư tu bổ đền thờ và lăng Ngô Quyền, đình Cam Thịnh, các điếm cổ, giếng cổ và hàng chục ngôi nhà cổ, từ năm 2014 đến nay, các di tích này đã đón 550 nghìn lượt khách tham quan.

Thành phố đang triển khai Đề án Trung tâm trưng bày giới thiệu sản phẩm cho các làng nghề: Gốm sứ Bát Tràng, sơn mài Hạ Thái, điêu khắc gỗ Sơn Đồng, dệt lụa Vạn Phúc; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tư vấn về thiết kế sản phẩm, quản trị doanh nghiệp cho các làng nghề. Trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, thành phố đã xây dựng kế hoạch bảo tồn những di sản tiêu biểu như: Triển khai đề án "Phát huy không gian Lễ hội Gióng", bảo tồn hát múa Ải Lao; hỗ trợ các trang, thiết bị cho các CLB Ca trù; việc tổ chức, quản lý lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực...

Đối với xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật mang tính đặc thù trong lĩnh vực văn hóa, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 16/2013/NQ-HĐND ngày 11-7-2013 về Chính sách khuyến khích đầu tư, huy động góp vốn tự nguyện của tổ chức, cá nhân vào việc xây dựng công trình văn hóa, công viên, vườn hoa, khu vui chơi, giải trí và bảo tồn, tôn tạo di tích trên địa bàn; Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐND ngày 4-1-2013 về Danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô hay Nghị quyết về mức tiền phạt đối với những vi phạm trong lĩnh vực văn hóa...

Đây là những hành lang pháp lý quan trọng để thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết: "Luật Thủ đô và các Nghị quyết của HĐND, Kế hoạch của UBND thành phố đã tạo cơ chế đặc thù để triển khai nhiệm vụ xây dựng văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển văn hóa được chú trọng, di sản được quan tâm bảo tồn, công tác xã hội hóa đã góp phần quan trọng trong tu bổ di tích, tổ chức các sự kiện văn hóa".

Tuy nhiên, qua 5 năm triển khai Luật Thủ đô, vẫn còn một số rào cản pháp lý khiến hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. Trưởng phòng Quản lý di sản Phạm Thị Lan Anh cho biết: "Hà Nội có 13 di tích quốc gia đặc biệt, 1.164 di tích cấp quốc gia. Di tích thì liên tục xuống cấp, trong khi đó thủ tục tu bổ rườm rà, muốn sửa một bức tường có khi cũng phải xin ý kiến Chính phủ, ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong lúc chờ công văn giấy tờ đi lại thì di tích tiếp tục xuống cấp thêm.

Theo quy định, những nghệ nhân có thu nhập bình quân thấp hơn mức lương cơ sở mới nhận được hỗ trợ. Chi phí sinh hoạt tại Hà Nội rất tốn kém, cho nên nhiều nghệ nhân khó khăn mà không được hỗ trợ do chưa đáp ứng được tiêu chí nêu trên. Nếu không sửa đổi các quy định này thì Hà Nội cần đề xuất có thêm cơ chế riêng cho lĩnh vực này".

Với việc thực hiện Nghị quyết số 11 của HĐND về huy động vốn xã hội hóa, công tác thu - chi thuộc trách nhiệm của ngành tài chính, cho nên ngành văn hóa không thể chủ trì việc thực hiện cũng là một khó khăn. Thành phố cần xây dựng quy định riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi đầu tư, đóng góp. Đối với việc xử phạt trong lĩnh vực văn hóa, Hà Nội được phép phạt gấp hai lần so với quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Song, theo Phó Chánh Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đặng Đức Hưng, các hoạt động ka-ra-ô-kê, vũ trường đem lại lợi nhuận cao cho nên một số quy định về mức phạt vẫn chưa đủ sức răn đe, cần nghiên cứu nâng cao mức phạt đối với một số vi phạm trong hoạt động này.

Lĩnh vực văn hóa của Hà Nội có nhiều đặc thù, bởi vậy, tại cuộc tọa đàm về chính sách văn hóa trong thực hiện Luật Thủ đô, nhiều đại biểu cho rằng Hà Nội cần có thêm một số cơ chế, chính sách riêng để việc triển khai Luật Thủ đô đạt kết quả cao nhất.

Giang Nam

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/37267602-tiep-tuc-hoan-thien-co-che-chinh-sach-ve-van-hoa.html