Tiếp tục làm bệ đỡ cho nông dân

Người dân tham quan mô hình nuôi dê tại xã An Phú (TP Tuy Hòa) do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai. Ảnh: THỦY TIÊN

Thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai nhiều dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp mới đến với người dân. Qua đó, nhiều nông dân đã tiếp cận kỹ thuật sản xuất tiên tiến, các loại giống cây trồng, vật nuôi mới có nhiều ưu thế, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trong năm 2020, đơn vị đã triển khai 17 mô hình khuyến nông thường xuyên, 6 mô hình xây dựng nông thôn mới, 1 dự án khuyến nông tỉnh và 4 dự án khuyến nông cấp Trung ương, bao gồm tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp. Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, được bà con các địa phương hưởng ứng cao.

Một trong những dự án mang lại hiệu quả và đang được người dân chủ động nhân rộng sản xuất là dự án Xây dựng vùng chăn nuôi dê thâm canh ứng phó biến đổi khí hậu gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh 2018-2020. Dự án này được triển khai tại các huyện Phú Hòa, Tuy An, TX Đông Hòa và TP Tuy Hòa với 24 hộ dân tham gia.

Khi tham gia dự án, bà con được hỗ trợ con giống, 30% chi phí thức ăn dê cái sinh sản lứa đầu và được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc phòng ngừa dịch bệnh cho dê… Bà Lê Thị Duy Đính, chủ nhiệm dự án cho biết: Dê giống nuôi trong dự án này gồm dê cái giống Bách Thảo và dê đực giống Boer.

Đây là các giống dê có năng suất và chất lượng cao, khi sinh sản sẽ cho ra đời những con dê máu lai mang nhiều ưu điểm như thể trạng to khỏe, sức đề kháng tốt, thích nghi với điều kiện thời tiết của địa phương… Đặc biệt, dự án còn cải tiến kỹ thuật chăn nuôi dê từ phương thức chăn thả tự do, tận dụng cây cỏ tự nhiên là chính sang phương thức nuôi nhốt bán thâm canh, chủ động lượng thức ăn, kiểm soát dịch bệnh… tạo tiền đề để xây dựng vùng chăn nuôi dê an toàn, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành Chăn nuôi.

Ông Phạm Ngọc Vũ ở xã An Phú (TP Tuy Hòa), một hộ tham gia dự án, cho biết: Từ 8 con dê giống được dự án hỗ trợ ban đầu, đến nay đàn dê đã sinh sản thêm 11 dê con, toàn bộ số dê này đang sinh trưởng tốt. Bình quân, sau 7 tháng nuôi, 1 con dê sẽ cho lãi (đã trừ chi phí) khoảng 1,5 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả của phương pháp nuôi thâm canh này nên gia đình tôi đầu tư mua thêm dê giống tăng đàn nuôi lên khoảng 50 con.

Cùng với đó, các mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, nuôi vịt biển an toàn sinh học, sản xuất bắp lai, nuôi cá rô đồng… cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, được người dân hưởng ứng mạnh mẽ, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.

Đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao và nhân rộng

Bên cạnh việc triển khai các dự án, mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng rất chú trọng đến công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân để nhân lên hiệu quả sản xuất của các mô hình trong thực tế.

Ông Huỳnh Văn Viên, cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình nuôi vịt biển an toàn sinh học, cho biết: Với mục tiêu nhân rộng mô hình này ra cộng đồng, giúp bà con tiếp cận giống gia cầm mới, có khả năng thích ứng cao với điều kiện biến đổi khí hậu, đặc biệt có thể chăn nuôi ở những vùng nước mặn, nước lợ, trung tâm đã tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi giống vịt biển cho các hộ chuyên nuôi vịt ở các huyện Tuy An, Phú Hòa và TX Đông Hòa. Cùng với đó, đơn vị còn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên tổ chức cho 60 hộ dân khác tham quan mô hình.

Ông Phạm Bảy ở phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa) cho biết: Sau khi tham quan mô hình nuôi vịt biển ở xã An Thạch (huyện Tuy An), tôi thấy đây là giống vịt có nhiều ưu thế như thể trạng to, tăng trọng nhanh, ít bệnh lại có khả năng thích ứng với nhiều vùng nước, vì vậy gia đình tôi đặt mua con giống nuôi song song với giống vịt cỏ Long An. Qua so sánh cho thấy, tỉ lệ vịt con chết của giống vịt này rất thấp, chỉ khoảng 2%, trong khi đó vịt cỏ khoảng 30%, tốc độ tăng trọng tương đương nhau…

Còn theo ông Trần Thành Tâm ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), ông đã cơi nới chuồng trại và áp dụng vào sản xuất của gia đình kỹ thuật nuôi dê thâm canh được Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn. Nhờ chủ động được nguồn thức ăn, lại được theo dõi chặt dịch bệnh nên đàn dê phát triển, sinh sản tốt, dê con lớn rất nhanh. Dê có giá thành ổn định, lại ít bị dịch bệnh, rủi ro ít hơn các loại vật nuôi khác nên người nuôi khá yên tâm, mạnh dạn đầu tư.

Trong năm 2020, ảnh hưởng dịch COVID-19, kinh phí đào tạo bị cắt giảm 70% nhưng trung tâm vẫn tổ chức được 24 lớp tập huấn tại hiện trường và tập huấn phổ cập cho khoảng 900 nông dân. Đồng thời tổ chức cho hàng trăm nông dân trong tỉnh tham quan các mô hình sản xuất mới.

Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế, qua đó chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân, chuyển tải kịp thời các chủ trương, chính sách mới trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp… giúp bà con nông dân mạnh dạn áp dụng vào thực tế sản xuất tại địa phương.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Trương Văn Tuấn

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/250961/tiep-tuc-lam-be-do-cho-nong-dan.html