Tiếp tục mở rộng không gian hỗ trợ khởi nghiệp

Mới đây, trong buổi gặp mặt với lãnh đạo đơn vị Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng- DNES , Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chỉ đạo: 2 năm nữa sẽ xây dựng một trung tâm về khởi nghiệp và đổi mới mang tầm khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Mới đây, trong buổi gặp mặt với lãnh đạo đơn vị Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng- DNES , Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chỉ đạo: 2 năm nữa sẽ xây dựng một trung tâm về khởi nghiệp và đổi mới mang tầm khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Vậy TP Đà Nẵng đã có chuẩn bị gì để nâng tầm, đảm bảo vị thế khởi nghiệp trong khu vực? Phóng viên đã có buổi làm việc cùng ông Phạm Đức Nam Trung - Giám đốc điều hành Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng- DNES về chủ đề này.

Ông Phạm Đức Nam Trung - Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng - DNES.

P.V: Ông cho biết về tình hình chung của DNES hiện nay? Và những hỗ trợ của DNES cho doanh nghiệp?

Ông Phạm Đức Nam Trung: Hiện nay, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng đang hỗ trợ cho 15 doanh nghiệp và 300 người làm việc thường xuyên tại đây (31 Trần Phú - Đà Nẵng). Các công ty chủ yếu là công nghệ, cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thiết kế, luật, marketing. Và chúng tôi có rất nhiều ưu đãi cho sự phát triển của doanh nghiệp thông qua sự hỗ trợ của chính quyền TP Đà Nẵng. Vì vậy, chúng tôi đều lựa chọn doanh nghiệp để đưa vào vườn ươm. Trong các Cty tại đây, nổi trội là các dự án khởi nghiệp mang tính công nghệ hoặc có yếu tố công nghệ và quan trọng là mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Đơn cử như dự án KCAROMI. Dự án này liên quan đến nguyên liệu và sản phẩm phở sắn, mang tính đột phá rất cao nên DNES đã hỗ trợ cho dự án kết nối các nhà đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ thiết kế bao bì...

Về công nghệ, dự án khá phát triển là dự án FASTGO, một ứng dụng tương tự Uber, Grab nhưng hoàn toàn là người Việt phát triển. Tuy nhiên, Vườn ươm hiện nay đang quá tải, không đảm bảo được sự phát triển của doanh nghiệp nên vừa qua chúng tôi đã mở rộng thêm không gian làm việc Surfspace tại 35- Thái Phiên, Đà Nẵng với diện tích 1.000m2.

Cũng tương tự như vậy, chúng tôi đều có chính sách giá tốt hơn so với thị trường, đặc biệt là đối với các dự án liên quan đến CNTT, marketing, thiết kế. Mong muốn của chúng tôi là tạo được một nền tảng kết nối và sáng tạo hiệu quả và nâng tầm phát triển của cộng đồng khởi nghiệp khu vực miền Trung. Dự kiến trong thời gian đến, khu nhà 31- Trần Phú của vườn ươm sẽ chuyển về trên đường Trần Hưng Đạo với diện tích, không gian rộng hơn để giúp đỡ tốt hơn cho các dự án khởi nghiệp của Đà Nẵng nói riêng, miền Trung – Tây Nguyên nói chung.

Mô hình Surfspace ra đời hứa hẹn sẽ đáp ứng tốt nhu cầu môi trường hỗ trợ khởi nghiệp.

P.V: Ông có đánh giá gì về tình hình khởi nghiệp của Đà Nẵng?

Ông Phạm Đức Nam Trung: Theo tôi đánh giá thì hiện nay thị trường Đà Nẵng đang phát triển cực kỳ nhanh, mạnh, đặc biệt là ở mảng CNTT. Riêng các kỹ thuật viên lập trình đang ngày càng trở thành cơn khát đối với các doanh nghiệp. Chỉ cần nhìn mức độ tăng lương của họ đã đủ hiểu, trong một vài năm trước lương của các lập trình viên trung bình khoảng 10 triệu đồng. Hiện nay, mức lương tối thiểu của họ là 15 đến 20 triệu đồng, nhưng vẫn không thể tìm ra được nhân lực. Bên cạnh đó, Đà Nẵng là thị trường vô cùng tiềm năng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thử nghiệm các ý tưởng mới, cũng là nơi có các thế cạnh tranh về chi phí nhân sự, không gian làm việc cũng như các tiềm năng phát triển khác.

Chúng tôi tin rằng những nỗ lực của DNES trong quá trình xây dựng những nền tảng kết nối và sáng tạo hiệu quả, sẽ tạo ra được những giá trị hữu ích từ cộng đồng. Surfspace không đơn thuần chỉ là một không gian vật lý mà những giá trị vô hình có được từ cộng đồng surfspace mang lại sẽ có sức ảnh hưởng và tác động lớn đến cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng, từ việc mở rộng các kết nối về văn hóa của các startups địa phương với startups TP Hồ Chí Minh, Hà Nội hay quốc tế đến việc thay đổi tư duy về tầm nhìn, xu hướng phát triển và suy nghĩ toàn cầu hóa để khởi nghiệp Đà Nẵng có thể sẵn sàng nắm bắt những cơ hội và đương đầu với các thách thức sẽ đến trong thời gian tới.

Đối với các doanh nghiệp, đơn vị khởi nghiệp mới vấn đề mà họ gặp phải rất nhiều, đó là sự tính toán ban đầu không khớp với thực tế, thậm chí đi quá xa so với dự tính ban đầu. Vì vậy, chúng tôi dần hỗ trợ họ xây dựng lại các bước khởi nghiệp, các giai đoạn cần phát triển đến tương lai. Điều này là một vấp ngã lớn của các dự án startups. Đây cũng là điều tôi muốn nhắn gởi đến các chủ dự án startups phải có tinh thần: Bại không nản. Làm đi, làm lại để điều chỉnh các dự án tốt hơn khi đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, một vấn đề cũng khá nổi bật với các dự án startups đó là nhân sự. Nhiều dự án thiếu hẳn những vị trí cốt yếu, rồi các nhân sự rời vị trí. Bài toán này tính cho cùng cũng là sự thất bại trong việc giữ người tài- mà đòi hỏi các chủ startups phải tìm cách vượt qua với tinh thần- Bại không nản.

P.V: Cảm ơn ông!

P.V

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_196155_tiep-tuc-mo-rong-khong-gian-ho-tro-khoi-nghiep.aspx