Tiếp tục mở rộng nghiên cứu bãi cọc Cao Quỳ (Hải Phòng): Một hộ dân phát hiện, lưu giữ cọc gỗ tại nhà

Chiều 1-1-2020, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cùng đoàn các nhà khoa học, nghiên cứu các lĩnh vực tiếp tục thực tế tại bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên).

Đoàn khảo sát tại bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.

Đoàn các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu 27 cọc gỗ, 24 hố đất đen và một số di vật (2 dây sắt, mảnh đồ gốm đất nung) tại 3 hố khai quật. Đồng thời, thực tế địa hình tại khu vực bãi cọc, khu vực đầm Cả (bãi Chang) thuộc làng Quỳ Khê (xã Liên Khê) – nơi nhìn sang hang Son và Thiên Long Uyển (các di tích lịch sử gắn với trận chiến Bạch Đằng phía bên tỉnh Quảng Ninh); khu vực đền thờ thành hoàng làng Thiểm Khê tại phân trại 3 trại giam Xuân Nguyên ở xã Lại Xuân – nơi nhìn ra ngã ba sông Giá, sông Đá Bạc (theo phản ánh của người dân địa phương, khu vực này trước đây cũng phát hiện ra cọc gỗ).

Đông đảo người dân đến tham quan, theo dõi.

Từ thực tế địa hình khu vực và bãi cọc, các nhà khoa học, nghiên cứu trong đoàn nhận định chung cần tiếp tục mở rộng nghiên cứu bãi cọc Cao Quỳ. Trong đó, nghiên cứu, làm rõ vì sao cọc Cao Quỳ to hơn các cọc phát hiện được ở Yên Giang, Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa...(tỉnh Quảng Ninh); phương pháp, cách thức chôn cọc, ý nghĩa, mục đích và các dấu tích liên quan đã phát hiện được tại các hố khai quật. Đồng thời, làm rõ mối liên hệ giữa bãi cọc Cao Quỳ với các di tích lịch sử khác trong chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng nêu ra ý kiến cần mở rộng khu vực khai quật, nghiên cứu sang bờ sông Đá Bạc (phía Quảng Ninh).

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc- Phó chủ tịch Hội đồng lịch sử Việt Nam khảo sát tại bãi cọc.

Tại hội nghị báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ do thành phố tổ chức, GS. TS Nguyễn Quang Ngọc nhận định rằng, có nhiều cơ sở để khẳng định bãi cọc Cao Quỳ liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Đây là chiến công dân tộc mang tầm vóc thời đại. Việc nghiên cứu làm rõ là một trong vấn đề được các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm. Do đó, từ các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về bãi cọc liên quan đến các chiến thắng Bạch Đằng. Trong đó, từ những năm 1960, các Giáo sư Diệp Đình Khoa và Phan Đệ Doãn đã có công bố nghiên cứu khảo cổ học nói về bãi cọc ở một số khu vực chung quanh như ngã ba sông Giá và sông Đá Bạc, khu vực sông Thải...Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, công bố khảo cổ học này chưa được chú ý. Phát hiện bãi cọc Cao Quỳ là cơ sở để khẳng định rõ hơn những công bố khảo cổ trước đây của các nhà nghiên cứu. Đồng thời, từ kết quả khảo cổ ban đầu tại bãi cọc Cao Quỳ cho thấy khu vực Thủy Nguyên có thể là là trung tâm của chiến trận xưa. Đây cũng là lý do các nhà khoa học, nghiên cứu về bãi cọc này.

Trước đó, ngày 29 -12, đoàn nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam và một số nhà khoa học đưa nhiều thiết bị về bãi cọc Cao Quỳ tiếp tục khảo sát để xác định rõ quy mô, cũng như tìm thêm chứng tích lịch sử ở khu vực.

* Hiện nay, ngoài bãi cọc Cao Quỳ, tại gia đình ông Trần Văn Thập ở thôn 7, làng Quỳ Khê xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên) lưu giữ một cọc gỗ lim có đường kính khoảng 35-40 cm, dài khoảng 1m và một số mảnh cọc khác. Theo anh Thập, cọc gỗ này được gia đình anh phát hiện từ cuối năm 2017 trong quá trình vật đất làm vườn trồng chuối, na ở cánh đồng Vân Quỳ. Khu vực phát hiện cọc trước đây vốn là mương nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân. Hiện nay, mương này được san lấp. Ông Thập cũng cho biết thêm, khoảng năm 2011-2012, gia đình ông cũng đào được một số cọc gỗ, nhưng gia đình không giữ lại.

Đoàn khảo sát cọc gỗ được anh Trần Văn Thập ở Thôn 7, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên tìm thấy trong lúc làm vườn.

Chiếc cọc có đường kính từ 60-70cm, dài khoảng 1m.

Tin: Minh Châm; Ảnh: Trung Kiên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tiep-tuc-mo-rong-nghien-cuu-bai-coc-cao-quy-hai-phong--mot-ho-dan-phat-hien-luu-giu-coc-go-tai-nha-73999