TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU, SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ TIẾP CÔNG DÂN VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Báo cáo với Đoàn giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021', Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến kiến nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan hữu quan làm tốt hơn nữa công tác này.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến báo cáo trước Đoàn giám sát

Đưa ra một số đề xuất để thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến đề nghị Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo như sau: xem xét sửa đổi quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong Luật Tiếp công dân cho phù hợp với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và các đạo luật tố tụng về thẩm quyền, trách nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo hướng quy định này chỉ nên áp dụng với người đứng đầu cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước mà không nên áp dụng đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Việc tiếp công dân của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nên được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hiện hành thì sẽ phù hợp hơn với đặc thù của hoạt động của Tòa án.

Cùng với đó, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị sửa đổi các quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các đạo luật về tố tụng theo hướng quy định thời gian giải quyết dài hơn để đảm bảo chất lượng, kết quả giải quyết, khắc phục những khó khăn cho Tòa án trong thực tiễn, cụ thể là cần sửa đổi Điều 505 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 474, 475, 476, 477 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 333 Luật Tố tụng hành chính.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đất đai năm 2013 sau đây: Các quy định về thu hồi đất, giải quyết bối thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất theo hướng quy định rõ các trường hợp Nhà nước quyết định thu hồi đất, các trường hợp thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư; Các quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 62, thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai quy định tại Điều 64; Các quy định về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất (vấn đề giá bồi thường; việc xác định loại đất, vị trí đất làm căn cứ áp giá bồi thường...). nguyên tắc, căn cứ điều chỉnh giá đất làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất; Các quy định về cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng tại Điều 100, Điều 101 Luật Đất đai; về thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Điều 106 Luật Đất đai.

Toàn cảnh cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Tòa án nhân dân tối cao

Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Hải quan và Luật Quản lý thuế về giá xuất khẩu làm căn cứ tính thuế xuất khẩu; quy định về chi phí làm căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp của Luật Quản lý thuế. Sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hành chính năm 2015 các điều sau đây: Điều 30 về quyết định hành chính là đối tượng bị kiện; Điều 60 về người đại diện; các Điều 9, 10, 78 về nghĩa vụ cung cấp chứng cử, Điều 67 về thẩm quyền ra quyết định thay đổi, hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Điều 193 về thẩm quyền của hội đồng xét xử, Điều 241 về thẩm quyền của hội đồng xét xử phúc thẩm, các Chương XV, XVI về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán.

Bên cạnh đó, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi quy định của pháp luật tố tụng theo hướng quy định chặt chẽ các điều kiện gửi đơn và thụ lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc các đương sự gửi đơn giám đốc thẩm, tái thẩm không có cơ sở đến Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao và để hạn chế tình trạng gửi đơn cầu may nhằm không chấp hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị khi xem xét hoàn thiện pháp luật về giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để xây dựng cơ chế giải quyết đối với các vụ án, vụ việc đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có quyết định giải quyết cuối cùng. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, trả lời nhiều lần và đã có kết luận cuối cùng về việc giải quyết nếu đương sự vẫn gửi đơn đề nghị giải quyết, xét xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ mới thì cần có quy định thông báo trả lại đơn cho đương sự mà không phải xem xét thụ lý, giải quyết để hạn chế tình trạng quá tải đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm hiện nay, hạn chế việc phải mất nhiều thời gian, nhận lực để thụ lý, xử lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các vụ việc này.

Đồng thời, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khi nhận được đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với những vụ việc đã được Tòa án nhân dân tối cao xem xét, trả lời nhiều lần, đã có kết luận về việc giải quyết thì hướng dẫn, giải thích cho đương sự, có cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin với Tòa án nhân dân tối cao để giải thích cho đương sự ngay từ khi tiếp nhận đơn để họ hiểu rõ được quyền và nghĩa vụ của mình, tránh việc phải chuyển đơn và giải quyết nhiều lần.

Đối với Chính phủ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến đề nghị cần có cơ chế phối hợp trong việc xử lý công dân có hành vi gây rối trật tự tại các địa điểm tiếp công dân và trụ sở Tòa án, cản trở hoạt động tiến hành tố tụng, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm, sức khỏe của cán bộ tiếp công dân và người tiến hành tố tụng. Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan, nhất là Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan giám định, định giá tài sản tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ, cung cấp tài liệu chứng cứ kịp thời để Tòa án hoàn thiện hồ sơ đưa vụ án ra xét xử. Trong trường hợp các cơ quan chuyên môn không thực hiện yêu cầu của Tòa án về cung cấp tài liệu, chứng cứ mà không có lý do chính đáng thì đề nghị xem xét xử lý trách nhiệm.

Ngoài ra, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí kinh phí, quan tâm trang bị cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của các Tòa án để tạo điều kiện giúp Tòa án các cấp thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao./.

Hồ Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=64192