Tiếp tục nội dung Phiên họp thứ 33 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 33, ngày 17-4-2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Quang cảnh phiên thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Quang cảnh phiên thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Ảnh: TTXVN

* Sáng 17-4, thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu và chính sách thu hút nhân tài.

Băn khoăn về thời hiệu hồi tố

Theo tờ trình của Chính phủ, việc bổ sung quy định về xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, được các bộ, ngành, địa phương và nhân dân đồng tình.

Do đây là hình thức xử lý kỷ luật mới, đối tượng áp dụng tương đối rộng nên thực tế có thể phát sinh một số vấn đề pháp lý khác nhau đối với các đối tượng khác nhau. Vì vậy, những nội dung này Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép quy định chi tiết ở Nghị định.

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành sự cần thiết phải bổ sung trong dự thảo Luật quy định về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu, nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian công tác.

Tuy nhiên, để thể hiện rõ hơn vấn đề này trong dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật đề nghị tách nội dung này thành điều riêng quy định theo hướng: cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý hành chính hoặc xử lý kỷ luật; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật và quy định về một số hình thức xử lý kỷ luật cụ thể trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Tuy đồng tình với quan điểm của Chính phủ và Ủy ban Pháp luật về chủ trương này, song ý kiến nhiều Ủy viên Thường vụ Quốc hội vẫn còn không ít băn khoăn.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết quy định này vừa mang tính răn đe, vừa gắn với thực tiễn của Việt Nam, khi mà trong thời gian qua, chúng ta xử lý một số trường hợp cán bộ cấp cao được người dân và xã hội đồng tình.

“Tuy nhiên, đằng sau đó có việc là nghỉ việc, công việc đã bàn giao, mọi việc đã tốt đẹp rồi, đã nhận huân chương theo niên hạn... nhưng lại có vấn đề xuất hiện thì tôi nghĩ vấn đề này cần có giới hạn hồi tố trong thời gian nào. Ví dụ, 65 tuổi tôi nghỉ hưu, đến 72 tuổi gọi đến bảo trước đây có vi phạm giờ mới kỷ luật. Cần có giới hạn hồi tố 3 năm hay 5 năm thôi”, ông nói.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng kỷ luật là vấn đề lớn, “vừa mang tính pháp lý, vừa mang tính chính trị, vừa mang tính đạo lý. Chúng ta vừa chịu áp lực của dư luận, của cử tri, vừa phải giải quyết vấn đề mang tính đạo lý”.

Đề cập đến điểm c, khoản 5, Điều 84 là xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm, bà đề nghị cân nhắc để quy định cho chuẩn và giải đáp mọi thắc mắc của dư luận thời gian qua. Đây là vấn đề cán bộ, viên chức, cử tri, người dân rất quan tâm. Xóa là xóa cái đang hiện hữu, tồn tại, không thể xóa cái không còn.

Đưa vụ việc xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương của ông Vũ Huy Hoàng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng đây là bước đầu chúng ta làm, nhưng khi làm Luật này cần cân nhắc kỹ hơn.

“Bây giờ xóa tư cách bộ trưởng khóa X của ông A sẽ đặt ra trường hợp không ổn ở chỗ, chức vụ này về mặt nhà nước là vấn đề lịch sử khách quan, đã từng tồn tại. Những việc ông A đã làm, đã ký với tư cách một chủ thể về mặt nhà nước và của cơ quan đó. Vậy những văn bản ông A đã ký nếu không bị pháp luật bác bỏ thì vẫn còn hiệu lực”, bà Lê Thị Nga lý giải và cho rằng đây là vấn đề lớn, cần tìm khái niệm chỉ rõ, xóa là xóa các quyền lợi về tinh thần, vật chất mà người đó được hưởng bắt nguồn từ chức vụ họ đã đảm nhiệm trước khi nghỉ hưu. Đây là quyền về nhân thân gắn với chức vụ đó, còn những quyền khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... không gắn với chức vụ ấy thì họ vẫn được hưởng bình thường.

Về thời hiệu xử lý kỷ luật, đồng tình với việc quy định chung thời hiệu kỷ luật là 60 tháng, song bà Nga đề nghị rà kỹ lại quy định với hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật, phải có hướng dẫn để tránh trường hợp đến chết vẫn có thể bị xử lý kỷ luật.

“Quy định thời hiệu là cần thiết. 70 tuổi - 80 tuổi mà còn mời lại để xử lý kỷ luật chuyện hơn 20 năm về trước, xem có khả thi không, thực tế không? Nhiều khi chúng ta đang giận quá, ghét quá cái gì đó, chúng ta quy định cho nặng thêm. Phải hợp lý, cân nhắc thêm”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Đồng tình với việc giao Chính phủ quy định chi tiết về hình thức kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, không quy định trong luật này, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiếp tục bàn thêm bởi “vấn đề quan trọng là dính tới chúng ta ngồi đây, bao nhiêu công chức, bảo vệ quyền dính tới chúng ta thì chúng ta cân nhắc cho kỹ”.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, nên giữ hình thức kỷ luật giáng chức, vì đây là hình thức kỷ luật quan trọng, có giá trị răn đe lớn.

Giải đáp, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết dự thảo luật lấy mốc tối đa thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính là 5 năm, kể từ khi vi phạm đến lúc nghỉ hưu. Hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xem xét xử lý kỷ luật. Bộ trưởng cũng cho biết sẽ xem xét có nên giữ hình thức giáng chức không.

Cởi trói để thu hút người thực tài

Về chính sách đối với người có tài năng, quan điểm của Ủy ban Pháp luật cho rằng thực tiễn thời gian qua, một số nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này đã phát huy những hiệu quả nhất định.

Bên cạnh đó, lĩnh vực, ngành, nghề cần thu hút người có tài năng rất rộng, mỗi lĩnh vực có những đặc thù riêng nên việc quy định cụ thể các nội dung trong Luật là không khả thi. Do đó, Ủy ban Pháp luật tán thành đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết về khung cơ chế, chính sách đối với người có tài năng.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải dẫn ra câu chuyện đáng lưu ý là năm 2011, giáo sư Ngô Bảo Châu về Viện Toán, nhưng hai bộ trưởng không quyết định được lương cho giáo sư, Viện Toán sau đó quyết định trả lương phá lệ là 5 triệu đồng.

Hay, một phó giáo sư, tiến sỹ trẻ (35 tuổi), học ở Đại học Seoul về ngành động cơ được Trường Đại học Bách khoa thu hút, trả lương khoảng 17 - 18 triệu đồng, nhưng Vinfast trả lương 200 triệu đồng/tháng. Sau đó, trường cũng tìm mọi biện pháp để giữ, có chính sách bồi dưỡng, đào tạo... nhưng không giữ được.

Việc tương tự cũng xảy ra với nhiều khoa khác, đặc biệt là bộ môn cơ khí, chế tạo máy và động cơ về làm việc cho một số doanh nghiệp liên quan đến ôtô.

“Tôi biết đồng chí cán bộ đó, mỗi tháng được trả lương 200 triệu đồng, tức là một năm 2,4 tỷ đồng, đây là mức cạnh tranh rất lớn. Cán bộ trẻ người ta thấy làm hai năm cho doanh nghiệp thì lương bằng rất nhiều năm làm giảng dạy. Tôi rất trăn trở, tại sao người ta kéo người của chúng ta được mà chúng ta không kéo người của người ta được”, bà Nguyễn Thanh Hải bày tỏ.

Đặt vấn đề “ở cơ quan ngoài nhà nước, doanh nghiệp, tại sao họ vẫn giải quyết được mối quan hệ giữa các nhân viên dưới sự điều hành của người ta, đó là do cơ chế của người ta, không bao giờ có chuyện người này làm kém lương lại cao, người kia làm giỏi lương lại thấp, tất cả được đánh giá đúng trên vị trí, năng lực,, bà kỳ vọng Bộ trưởng Nội vụ có đề xuất mạnh mẽ “cởi trói” cho người đứng đầu trong công tác tuyển dụng, sử dụng cán bộ.

“Chẳng hạn đối với chúng tôi, người đứng đầu các ban, ủy ban của Quốc hội, trong cơ quan mình thấy có cán bộ này rất giỏi nhưng lương chỉ ở mức đó, vì chưa thi được vào chuyên viên chính, chưa đến thời hạn. Nhưng có cán bộ đã thi được vào chuyên viên chính, thậm chí chuyên viên cao cấp nhưng đóng góp cho công việc rất hạn chế. Để họ nghỉ, hay giảm lương, muốn thay đổi vị trí công tác của họ thì rất khó, bởi quyền hạn của chúng tôi không có. Hôm trước tôi cũng xem một phóng sự trên ti vi, nhiều bác sỹ giỏi không còn làm việc ở những bệnh viện công mà làm ở bệnh viên tư... vì chế độ đãi ngộ, lương quá chênh lệch,” Trưởng ban Dân nguyện ví dụ.

** Chiều cùng ngày, tiếp tục Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Cần thiết ban hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

Trình bày tờ trình dự án Luật tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cho thấy, các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của Chính phủ cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, tạo điều kiện cho công dân ra nước ngoài công tác, học tập, lao động, du lịch, khám chữa bệnh, thăm thân...

Tuy nhiên, cần thiết ban hành luật để phù hợp với xu thế hiện nay, nhất là áp dụng tiến bộ của khoa học, công nghệ trong việc cấp giấy tờ, kiểm soát xuất nhập cảnh công dân ra nước ngoài, từ nước ngoài về nước và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Theo báo cáo, số lượt công dân Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau ngày càng tăng (năm 2007: 1,9 triệu lượt; năm 2008: 2,6 triệu lượt; năm 2010: 3,2 triệu lượt; năm 2013: 6,1 triệu lượt; năm 2016: 7,7 triệu lượt; năm 2017: 9,2 triệu lượt; năm 2018: 9,6 triệu lượt). Để đáp ứng nhu cầu xuất cảnh của công dân, công tác quản lý xuất nhập cảnh đã liên tục được cải tiến, đơn giản hóa thủ tục.

Bên cạnh đó, việc ban hành Luật còn hướng đến để bảo đảm thời hạn cấp giấy tờ xuất, nhập cảnh và công dân không phải mất thời gian chờ đợi khi làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh. Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực quản lý xuất, nhập cảnh như máy đọc hộ chiếu tại các cửa khẩu quốc tế, khai tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu, dán mã vạch vào giấy thông hành, cửa kiểm soát tự động…

Về những điểm mới, dự án Luật đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Trong đó, quy định công dân có 4 quyền mang tính nguyên tắc: Quyền được cấp giấy tờ xuất, nhập cảnh; quyền được sử dụng giấy tờ xuất, nhập cảnh để ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước; quyền lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử và hộ chiếu không gắn chíp điện tử (đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên); quyền khiếu nại, tố cáo, yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Luật cũng quy định các trường hợp, thời hạn, thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh (trên cơ sở kế thừa quy định hiện hành); quy định đối tượng, thời hạn chưa cấp giấy tờ xuất, nhập cảnh để thể hiện sự minh bạch, phù hợp với thực tế hiện nay. Mặt khác, từng trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh vẫn có thể được xem xét cấp hộ chiếu, đây là điểm mới so với quy định hiện hành là tạm hoãn xuất cảnh không được cấp hộ chiếu...

Trình dự án Luật ra kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Tại phiên họp, các đại biểu thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành trình dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam ra kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Cho ý kiến về dự án Luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng dự án Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhất trí với tên gọi “Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng việc cấp giấy phép, xét duyệt hay thẩm định là những hành vi trong quá trình quản lý, những việc làm cụ thể. Tên gọi này là đủ tính bao quát, phù hợp với các luật khác.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung số liệu, hoàn thiện thêm báo cáo đánh giá tình hình xuất, nhập cảnh trong thời gian gần đây, bổ sung những ý kiến của các bộ để hoàn thiện thêm hồ sơ dự án Luật.

Đánh giá về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga góp ý thêm rằng dưới góc độ của thực tiễn và hoạt động tư pháp, Luật này phải góp phần ngăn chặn tội phạm nước ngoài xâm nhập vào trong nước thông qua con đường nhập cảnh và tội phạm trong nước ra nước ngoài bằng cách xuất cảnh, đặc biệt là nhóm tội phạm về tham nhũng.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Luật này phải đưa ra được những quy định cụ thể để hạn chế tình trạng trên cũng như phải đặt ra yêu cầu minh bạch trong thủ tục về xuất, nhập cảnh…

Các ý kiến góp ý khác tại phiên họp cho rằng yêu cầu đặt ra của dự án Luật là phải tương thích, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành; nâng cao giá trị pháp lý đối với hoạt động quản lý nhà nước về xuất, nhập cảnh. Bên cạnh đó cần phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia.

Một số ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi của các quy định về hộ chiếu có gắn chíp điện tử; quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân, hạ tầng chữ ký số và dịch vụ công trực tuyến; việc cấp, quản lý, kiểm soát hộ chiếu của công dân Việt Nam. Nhiều đại biểu cho rằng những nội dung này khó triển khai, áp dụng đồng bộ để khai thác, sử dụng, xử lý dữ liệu chung kể từ ngày Luật này có hiệu lực (ngày 01-7-2020).

Trường hợp này, các đại biểu đề nghị, bổ sung quy định chuyển tiếp để có lộ trình thực hiện cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung việc giải thích các từ ngữ: Hộ chiếu, hộ chiếu có gắn chíp điện tử, hộ chiếu không gắn chíp điện tử, hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, giấy thông hành vì cho rằng những từ ngữ này gắn liền với nội dung toàn bộ dự thảo Luật...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu các ý kiến trên để quy định bảo đảm tính khả thi cao hơn./.

BTV/TTXVN

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/thoi_su/2019/54707/tiep-tuc-noi-dung-phien-hop-thu-33-uy-ban-thuong-vu.aspx