Tiếp tục phát huy ưu thế công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới

Có quan điểm cho rằng, trong thời đại cách mạng công nghiệp thì công tác tuyên truyền miệng đã hết thời! Điều đó có đúng trong thực tế không? Câu trả lời chắc chắn là không đúng.

Xã hội ngày càng phát triển thì càng xuất hiện thêm nhiều phương pháp, phương tiện thông tin tuyên truyền như: phát thanh, truyền hình, báo chí, văn hóa - văn nghệ, quảng bá, triển lãm trực quan… Đặc biệt là những hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ thông qua sự phát triển của mạng xã hội, internet trong những năm qua.

Mỗi loại hình tuyên truyền, phương pháp tuyên truyền đều có lợi thế và hạn chế nhất định. Lợi thế của công tác tuyên truyền miệng chính là: có sự giao tiếp trực tiếp để cung cấp và trao đổi thông tin (sử dụng được mọi ưu thế của giao tiếp trực tiếp); có thể thực hiện tuyên truyền nội bộ, thông tin, giải thích những vấn đề mà vì lý do nào đó chưa thể công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; là một hình thức tuyên truyền dân chủ nhất, thực hiện được chức năng thông tin cả 2 chiều, không mang tính áp đặt; có thể sử dụng triệt để nhất ưu thế của ngôn ngữ nói và những tác động của “kênh” phi ngôn ngữ phục vụ cho hoạt động tuyên truyền; có điều kiện và khả năng tiến hành một cách thường xuyên và rộng rãi ở nhiều nơi, trong các điều kiện khác nhau; báo cáo viên có khả năng thích nghi với những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể để tiến hành nhiệm vụ tuyên truyền được giao… Những ưu thế này vẫn còn nguyên giá trị trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay.

Có thể thấy, ở các đô thị, vùng đồng bằng, vùng kinh tếxã hội phát triển, hầu hết người dân có điều kiện sử dụng báo chí, truyền hình, internet một cách phổ biến. Theo đó, trong công tác tuyên truyền vận động có thể “tùy biến” để giảm bớt định lượng nội dung và số cuộc tuyên truyền miệng, nhưng điều đó không có nghĩa là không cần đến phương pháp tuyên truyền miệng trực diện. Bởi có những nội dung nếu chỉ thể hiện bằng văn bản thôi thì chưa đủ mà còn cần đến sự phân tích, giải thích, lập luận, chứng minh, liên hệ thực tế của người làm công tác tuyên truyền thì mới đạt được hiệu quả.

Do vậy, công tác tuyên truyền miệng vẫn là một phương thức cần thiết và tiếp tục phát huy tác dụng. Hội họp, học tập trực tuyến, hay truyền hình trực tiếp trên truyền hình cũng chỉ là đổi mới phương pháp tổ chức, nhằm tiết kiệm thời gian và vật chất, tăng số lượng người tham dự… chứ không thay thế việc phổ biến, tuyên truyền, trao đổi trực tiếp. Những vấn đề của cuộc sống hằng ngày xuất phát từ cộng đồng dân cư vẫn phải tổ chức họp, sinh hoạt tập trung để nghe phổ biến, giải thích, đối thoại. Nhiều vấn đề trong cơ quan, đơn vị không chỉ phổ biến bằng văn bản, mà vẫn cần phải họp, phổ biến, thảo luận thống nhất… Các hoạt động này đều sử dụng phương pháp tuyên truyền miệng.

Ở miền núi, nơi cư trú của đại bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số; nơi mặt bằng dân trí thấp hơn đô thị, đồng bằng và các vùng phát triển khác, báo chí, phương tiện nghe nhìn, internet còn có những hạn chế cả về kết cấu hạ tầng và khả năng tiếp cận. Trong điều kiện ấy, ngay cả khi tổ chức các cuộc họp cơ sở cũng cần phải nói ngắn gọn, chưa kể còn một bộ phận người dân chưa nói thạo tiếng phổ thông, thiếu vốn kiến thức xã hội… Nếu chỉ đọc văn bản thì nhiều người không hiểu hoặc hiểu không đầy đủ. Do vậy, cần có sự phổ biến, giải thích, liên hệ của cán bộ.

Như vậy, có thể khẳng định: dù ở điều kiện, hoàn cảnh nào cũng vẫn cần tiếp tục duy trì công tác tuyên truyền miệng. Các phương tiện khoa học công nghệ dù phát triển đến mức nào cũng không thể thay thế hoàn toàn phương thức trao đổi thông tin bằng lời nói trực tiếp. Khoa học công nghệ phát triển chỉ là điều kiện hỗ trợ, giúp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng.

Đương nhiên, đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền miệng trong hệ thống chính trị cũng phải không ngừng nâng cao chất lượng của phương thức công tác này. Để nâng cao hiệu quả, phát huy được ưu thế của công tác tuyên truyền miệng trong giai đoạn hiện nay, ngoài việc chú ý nâng cao chất lượng những yếu tố như địa điểm tổ chức, tăng âm, loa đài, ánh sáng thì việc nâng cao trình độ, khả năng trình bày, diễn đạt, lập luận của báo cáo viên là điều quan trọng nhất. Khi trình độ dân trí ngày một cao, đòi hỏi trình độ hiểu biết, năng lực thuyết trình, diễn đạt, liên hệ thực tế sát với người nghe của báo cáo viên cũng phải không ngừng được nâng lên. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của mọi đối tượng dự thính. Mặt khác, trong điều kiện hiện nay, cán bộ, đảng viên và người dân thường nhanh chóng tiếp cận được thông tin qua nhiều kênh. Nếu báo cáo viên không cập nhật được tình hình, không có định hướng tư tưởng chính thống, rõ ràng thì sẽ không tạo ra được niềm tin đối với người nghe. Đây là một thách thức đối với đội ngũ báo cáo viên hiện nay. Thực tế đang đòi hỏi, báo cáo viên phải vừa nắm vững lý luận, vừa có kiến thức thực tiễn, am hiểu thực tiễn, linh hoạt trong xử lý thông tin và xử trí những tình huống cụ thể…

Theo xu thế phát triển của thời đại, chắc chắn hình thức hội họp, học tập trực tuyến, truyền hình trực tiếp; phổ biến văn bản thông qua mạng nội bộ, internet sẽ ngày càng được mở rộng. Điều này hoàn toàn phù hợp với đối tượng dân trí cao, nhưng với đối tượng dân trí còn thấp thì hiệu quả chắc chắn sẽ còn hạn chế. Nhất là khi báo cáo viên trình bày những vấn đề ở tầm vĩ mô đối với cả nước, những vấn đề liên quan đến thế giới, những khái niệm mới, khó, thì không ít cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cấp xã, thôn không hiểu được, hiểu không đầy đủ, hoặc họ không thực sự quan tâm nhiều đến những nội dung đó. Đây là một thực tế bất cập đòi hỏi phải được khắc phục.

Ví dụ, khi nghiên cứu, quán triệt, học tập một văn bản mới, nghị quyết mới… thông thường cán bộ ở cấp thôn, xã rất muốn biết văn bản đó liên quan gì đến họ và cộng đồng dân cư mà họ đang sinh sống; họ được làm gì, hoặc làm như thế nào trước những chủ trương, chính sách mới… Điều này chỉ có thể thông qua công tác tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên, cán bộ cấp cơ sở mới đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, báo cáo viên phải biết chọn lọc, nêu những vấn đề mà cán bộ, đảng viên và nhân dân cấp thôn, xã thực sự cần; gợi mở những việc cần thực hiện, phương pháp thực hiện cho cấp cơ sở. Mặt khác, cán bộ tuyên truyền cần phải biết thay thế, hoặc giải thích những ngôn ngữ ở tầm khái quát cao trong văn bản, nghị quyết bằng những từ ngữ gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở từng địa bàn cụ thể. Từ những vấn đề nêu trên, đặt ra yêu cầu phải đổi mới công tác lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhất là báo cáo viên để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới.

Đây là vấn đề lớn, dài hạn, phải được thực hiện đồng bộ nhiều khâu, bắt đầu từ lựa chọn cán bộ có năng lực, sở trường làm công tác tuyên giáo; đào tạo cơ bản; bồi dưỡng thường xuyên; cung cấp thông tin, định hướng kịp thời… Trong đó, cần đổi mới mạnh mẽ nội dung đào tạo, bồi dưỡng để tạo ra đội ngũ báo cáo viên thực sự là những chuyên gia trong lĩnh vực diễn đạt, tuyên truyền, thuyết phục người nghe. Tạo điều kiện để báo cáo viên được trải nghiệm thực tiễn để có kiến thức thuyết phục được người nghe. Cung cấp kịp thời tài liệu, thông tin để làm dữ liệu phân tích, chứng minh trong bài nói, khắc phục tình trạng nói chay, “nói như văn bản”.

Cùng với đó, việc định hướng dư luận của cấp trên là vô cùng cần thiết. Trước những sự kiện nảy sinh trong xã hội được dư luận quan tâm, cấp trên cần kịp thời đưa ra những ý kiến chính thống, định hướng rõ ràng, giúp cán bộ tuyên truyền nói chung, báo cáo viên nói riêng chủ động, vững tâm khi thực hiện công tác tuyên truyền miệng./.

Đỗ Văn Lược

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nghien-cuu/nghiep-vu-cong-tac-tuyen-giao/tiep-tuc-phat-huy-uu-the-cong-tac-tuyen-truyen-mieng-trong-tinh-hinh-moi-115702