Tiếp tục phối hợp bình ổn thị trường giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nam Bộ

Chương trình phối hợp triển khai bình ổn thị trường giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các địa phương và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Hoàng Thành)

Ngày 30/12, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị sơ kết kết quả công tác phối hợp thực hiện Chương trình bình ổn thị trường giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Tây Nam Bộ năm 2019.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi về tình hình thực hiện chương trình bình ổn hiện nay của các địa phương cũng như việc kết nối thương mại giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Tây Nam Bộ. Vấn đề bình ổn các mặt hàng Tết, đặc biệt là những khó khăn đối với mặt hàng thịt heo khi mà các địa phương vừa bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi cũng là nội dung được các đại biểu quan tâm.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết: các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn của TP đưa ra thị trường Tết gần 9.000 tỷ đồng hàng hóa, chiếm 50% tổng lượng hàng của Thành phố. Riêng lượng thịt gia cầm tăng 40% đảm bảo thay thế được mặt hàng thịt heo; trứng gà tăng 150%; dầu ăn, gạo, đường… tăng 10-15% so với Tết 2019.

Bên cạnh đó, các DN bình ổn thị trường TP như Vinamilk, NutiFood, Vissan, CJ Cầu Tre, Vĩnh Tiến, Minh Tiến, San Hà, Ba Huân… đã tích cực phát triển mạng lưới đại lý tại khắp các tỉnh, thành.

Về liên kết phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường, đến nay, các DN bình ổn thị trường TP đầu tư 18 nhà máy, cơ sở sản xuất; 33 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh, thành Tây Nam Bộ, tổng vốn đầu tư 12.066 tỷ đồng. Trong đó, liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch bình quân hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm.

Trong liên kết phát triển hạ tầng thương mại, hệ thống phân phối tại 13 tỉnh, thành Tây Nam bộ và TP Hồ Chí Minh có tổng cộng 308 siêu thị, 71 trung tâm thương mại, gần 2.000 chợ truyền thống, hơn 3.500 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, riêng TP Hồ Chí Minh có 206 Siêu thị, 49 trung tâm thương mại, 238 chợ truyền thống và 2.658 cửa hàng tiện lợi.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khá, ước đạt 2.112.680 tỷ đồng, tăng 12,03% so năm 2018; cao hơn bình quân cả nước là 11,8%.

Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước lĩnh vực thương mại giữa các địa phương thông qua các chương trình khảo sát thực tế tình hình thị trường, khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai chương trình bình ổn thị trường; mời gọi, khuyến khích DN thuộc các thành phần kinh tế có năng lực, uy tín, thương hiệu tham gia Chương trình; phối hợp sở, ngành tổ chức các chương trình đào tạo, hướng dẫn cho các DN, HTX, hộ nông dân về quy trình, kỹ thuật nuôi, trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap…, xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản ở từng địa phương, vùng, miền./.

VL

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/kinh-te/tiep-tuc-phoi-hop-binh-on-thi-truong-giua-tp-ho-chi-minh-va-cac-tinh-tay-nam-bo-545973.html