Tiếp tục thách thức Trung Quốc, hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường Mỹ tới Biển Đông

Hôm nay (6/5), hai tàu chiến Mỹ tiếp tục có mặt ở Biển Đông để thực hiện sứ mệnh tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hành động nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược.

Biển Đông hiện được xem là một trong những điểm nóng có tầm ảnh hưởng lớn tới quan hệ Mỹ - Trung bên cạnh cuộc chiến thương mại giữa hai nước, lệnh trừng phạt của Mỹ và vấn đề Đài Loan.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Preble là một trong hai tàu hải quân Mỹ tới Biển Đông hôm 6/5.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Preble là một trong hai tàu hải quân Mỹ tới Biển Đông hôm 6/5.

Về phần mình, Tổng thống Donald Trump tiếp tục có động thái gia tăng thêm sức ép buộc Trung Quốc tiến tới ký kết một thỏa thuận thương mại.

Cụ thể, hôm 5/5, chia sẻ trên Twitter, ông Trump cho biết từ thứ Sáu tới, mức thuế nhập khẩu 10% đang áp dụng với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc sẽ được tăng lên thành 25%. Ngoài ra, ông Trump cũng dọa sẽ sớm áp thuế 25% đối với 325 tỷ USD hàng Trung Quốc nữa.

Ông Trump từng đe dọa tăng thuế từ đầu năm nay, nhưng hoãn lại sau khi Mỹ - Trung đạt tiến triển trong quá trình đàm phán thương mại.

Trong khi đó, chia sẻ với Reuters, phát ngôn viên quân đội Mỹ cho hay hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường là USS Preble và USS Chung Hoon đã xuất hiện gần khu vực Đá Gaven và Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Hai thực thể này đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

Trung tá Clay Doss, người phát ngôn Hạm đội 7 khẳng định, hai tàu khu trục USS Preble và USS Chung Hoon thực hiện quyền "đi lại vô hại" quanh các đảo đá nhằm "thách thức những tuyên bố hàng hải vô lý và đảm bảo quyền tiếp cận đối với những tuyến đường hàng hải được luật pháp quốc tế quy định".

Sự xuất hiện của hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường thuộc hải quân Mỹ ở Biển Đông vào hôm nay được xem là động thái đáp trả mới nhất của chính quyền Washington liên quan tới những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giới hạn hoạt động tự do đi lại ở vùng biển chiến lược. Hiện hải quân các nước Đông Nam Á, Trung Quốc và Nhật Bản cùng hoạt động ở Biển Đông.

Về phần mình, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông. Bắc Kinh cũng thường lên tiếng chỉ trích các tàu chiến hải quân Mỹ và các nước đồng minh tới gần những hòn đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Mỹ cũng không ít lần lên tiếng cáo buộc Trung Quốc cố tình quân sự hóa ở Biển Đông bằng cách đưa thiết bị quân sự ra những hòn đảo nhân tạo hay bãi đá mà Bắc Kinh chiếm đóng từ trước.

Trung Quốc biện minh rằng, việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông là cần thiết để phục vụ mục đích phòng vệ. Thậm chí, Bắc Kinh cáo buộc Washington phải chịu trách nhiệm cho việc làm gia tăng căng thẳng ở khu vực khi điều động tàu thuyền và máy bay quân sự tới gần các hòn đảo Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Hồi tháng trước, một tướng hải quân Trung Quốc cũng đã lên tiếng chỉ trích Mỹ không nên dùng hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông để xâm phạm quyền của các quốc gia khác.

Minh Thu (lược dịch)

Từ khóa: Tiếp tục thách thức Trung Quốc hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường Mỹ tới Biển Đông mỹ tuần tra biển đông tàu khu trục Mỹ căng thẳng mỹ trung chiến tranh thương mại mỹ trung mỹ áp thuế hàng hóa trung quốc Trường Sa chủ quyền biển đông trung quốc quân sự hóa biển đông hải quân Mỹ tàu chiến mỹ ở biển đông

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/tiep-tuc-thach-thuc-trung-quoc-hai-tau-khu-truc-ten-lua-dan-duong-my-toi-bien-dong-post298591.info