Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc trong tình hình mới

Được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh những năm qua đạt nhiều kết quả đáng kể. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc được triển khai tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN vùng dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng, toàn tỉnh nói chung.

Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đoàn kết bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc -Ảnh: K.S

78 năm qua kể từ ngày hình thành và phát triển 3/5 (1946-2024), dưới sự lãnh đạo của Đảng, cơ quan công tác dân tộc từ trung ương đến địa phương luôn nỗ lực góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc, động viên đồng bào các dân tộc tham gia kháng chiến, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cơ quan công tác dân tộc thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ tham mưu đề xuất các chủ trương, chính sách lớn về lĩnh vực dân tộc, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển KT-XH vùng dân tộc và miền núi.

“Tại Quảng Trị, từ ngày lập lại tỉnh (năm 1989) đến nay, lãnh đạo, cán bộ ở Ban Dân tộc tỉnh qua các thời kỳ luôn tâm huyết, vượt qua khó khăn, thử thách, rèn luyện, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, năng lực công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị và địa phương liên quan triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án, chính sách hỗ trợ đầu tư ở vùng DTTS như các chương trình mục tiêu quốc gia: phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới cùng nhiều chính sách liên quan đến đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS của trung ương, của tỉnh và các chương trình, dự án phi chính phủ được triển khai đồng bộ, như: nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chính sách về định canh định cư; giao đất, khoán rừng; trợ giá, trợ cước; chính sách về y tế, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS.

Đẩy mạnh hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi; hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới; quan tâm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; thực hiện chính sách đối với người có uy tín; hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận các ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và đời sống; bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào người DTTS...

Với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong thực hiện các chính sách dân tộc, đời sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc”, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Thị Lệ Hà cho biết.

Minh chứng cho sự đổi thay ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đó là, đến nay kết cấu hạ tầng miền núi được xây dựng đồng bộ phục vụ tốt đời sống sản xuất và dân sinh xã hội; tất cả các xã đều đã có đường ô tô đến trung tâm; hệ thống điện lưới, thông tin, nước sinh hoạt, công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng tương đối đầy đủ đến tận các thôn, bản.

Nhiều hộ nghèo, cận nghèo người DTTS được quan tâm hỗ trợ đất ở, nhà ở, nước sạch... giúp bà con có điều kiện sản xuất tốt hơn, ổn định cuộc sống. Đời sống kinh tế của bà con ổn định và phát triển, không còn tình trạng du canh, du cư như trước đây. Các địa phương đã triển khai thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch.

Nhờ vậy, nhiều bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp các DTTS được quan tâm bảo tồn, phát huy. Cộng đồng các dân tộc vùng miền núi được nâng cao nhận thức và thay đổi phương thức sản xuất để tự vươn lên thoát nghèo; đoàn kết, hỗ trợ giúp nhau cùng phát triển trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Mô hình kinh tế trang trại ngày càng được nhân rộng với quy mô lớn phát triển thành các vùng chuyên canh định hình rõ rệt. An sinh phúc lợi xã hội luôn được đảm bảo về các mặt y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội. Nhờ được tăng cường tuyên truyền, vận động phòng, chống tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS nên nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao, tình trạng kết hôn sớm giảm đáng kể.

Con em đồng bào DTTS được quan tâm hơn về nhiều mặt như được đến trường học tập đầy đủ, nhiều em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, học nghề... sau khi hoàn thành khóa học trở về quê hương đóng góp tích cực cho sự phát triển ở địa phương.

Nhiều người uy tín, già làng, trưởng bản vùng đồng bào DTTS luôn phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong tuyên truyền, vận động người dân, gia đình chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn ANTT vùng biên giới..., đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Với sự đồng lòng, đoàn kết trong phối hợp thực hiện các chính sách liên quan đến công tác dân tộc của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh, tỉ lệ hộ nghèo vùng miền núi hằng năm luôn đạt theo yêu cầu (riêng năm 2023 giảm 3,25% so với năm 2022).

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Thị Lệ Hà cho biết thêm: “Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít khó khăn. Vì vậy, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tập trung thực hiện tốt chức năng tham mưu UBND tỉnh trong quản lý nhà nước về công tác dân tộc tại địa phương mà trọng tâm là 3 chương trình mục tiêu quốc gia: phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Quá trình thực hiện, quan tâm rà soát, đánh giá hiệu quả, đồng thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp với vùng đồng bào DTTS theo các lĩnh vực ưu tiên. Tập trung các giải pháp cụ thể đẩy mạnh thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào DTTS. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh...”.

Kô Kăn Sương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tiep-tuc-thuc-hien-co-hieu-qua-cong-tac-dan-toc-trong-tinh-hinh-moi-185290.htm