Tiếp tục tìm giải pháp hòa bình

Cuộc xung đột Nga - Ukraine như vậy đã bước sang năm thứ 2. Hai bên vẫn chưa thể ngồi vào bàn đàm phán, thậm chí có thêm nhiều ngòi nổ mới. Trước bối cảnh đó, thế giới vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao để mở ra cánh cửa hòa bình cho cả hai bên.

Những phản ứng trái chiều

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 24/2 đã công bố bản kế hoạch gồm 12 điểm kêu gọi Moscow và Kiev chấm dứt giao tranh, bảo vệ các nhà máy hạt nhân, nối lại cuộc đàm phán hòa bình và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS - một trong các loại vũ khí hiện đại được phương Tây viện trợ cho Ukraine. Ảnh: 24hoursworld

Hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS - một trong các loại vũ khí hiện đại được phương Tây viện trợ cho Ukraine. Ảnh: 24hoursworld

Đề xuất của Trung Quốc nêu rõ các bên cần tuân thủ nghiêm luật pháp quốc tế đã được công nhận; kêu gọi các bên từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và cùng có tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững hướng tới một cấu trúc an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững, cũng như hòa bình và ổn định trên lục địa Á-Âu. Bắc Kinh cũng hối thúc các bên ngừng bắn và nối lại đàm phán hòa bình, cũng như kiềm chế, tránh làm trầm trọng thêm căng thẳng, ngăn chặn cuộc khủng hoảng vượt khỏi tầm kiểm soát. Bên cạnh đó, Trung Quốc đề xuất tất cả các bên liên quan nên ủng hộ Nga và Ukraine nối lại đối thoại trực tiếp càng sớm càng tốt nhằm hạ nhiệt tình hình và cuối cùng đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện.

Trong phản ứng đầu tiên, phía Nga bày tỏ hoan nghênh, đánh giá cao mong muốn chân thành của Trung Quốc trong việc góp phần giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine bằng các biện pháp hòa bình. Moscow khẳng định “sẵn sàng đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt (tại Ukraine) bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao”, đồng thời nhấn mạnh điều này đồng nghĩa với việc công nhận “những thực tế mới về lãnh thổ” ở Ukraine.

Ở chiều ngược lại, phương Tây và Ukraine tỏ ra “dè dặt” với đề xuất của Bắc Kinh. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh một số yếu tố trong đề xuất của Trung Quốc về việc chấm dứt xung đột khi chúng “tương đồng với sự tôn trọng luật pháp quốc tế và toàn vẹn lãnh thổ”, song cho rằng chỉ quốc gia đang hứng chịu chiến tranh mới nên đứng ra đề xuất kế hoạch hòa bình. Ông cho rằng, Bắc Kinh không đưa ra một kế hoạch cụ thể mà là những “ý kiến”, đồng thời thừa nhận không đồng tình với một số điểm khác trong đề xuất, song cũng đề cập đến khả năng Trung Quốc đứng ra làm trung gian hòa giải.

Chia sẻ quan điểm này, quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nhận định đề xuất của Bắc Kinh có những điểm đáng quan tâm về sử dụng vũ khí hạt nhân, trao đổi tù binh hay xuất khẩu ngũ cốc, nhưng chưa phải một kế hoạch toàn diện để dẫn đến hòa bình mà là “một tài liệu… nơi Trung Quốc đưa vào các lập trường đã thể hiện từ đầu”. Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, Trung Quốc còn thiếu “sự tin cậy” để đưa ra kế hoạch hòa bình. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng đưa ra phản ứng tương tự khi nói rằng lộ trình hòa bình mà Bắc Kinh nêu ra là một bộ nguyên tắc mơ hồ, không phải là một kế hoạch hành động cụ thể. Còn với Mỹ, đề xuất của Trung Quốc chỉ dùng được 1 điều, đó là: tôn trọng chủ quyền mọi quốc gia. Washington cũng cảnh báo sau khi Bắc Kinh kêu gọi ngừng bắn, Moscow có thể lợi dụng bất kỳ khoảng thời gian dừng xung đột nào để củng cố quyền kiểm soát lãnh thổ và bổ sung lực lượng.

Bên cạnh kế hoạch hòa bình của Trung Quốc, Chính phủ Argentina ngày 24/2 cũng đã kêu gọi Nga - Ukraine ngừng bắn và nối lại đàm phán nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột. Tổng thống Thổ Nhỹ Kỳ Recep Tayyip Erdogan – người đóng vai trò trung gian nổi bật trong suốt 1 năm qua, cũng đã có các cuộc điện đàm với những người đồng cấp Nga và Ukraine, trong đó tái khẳng định cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ về việc sẵn sàng cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ nào để đạt được lệnh ngừng bắn và đàm phán hòa bình cho hai bên.

Những bên “hưởng lợi bất ngờ”

Đối với ngành công nghiệp dầu khí ngoài Nga, năm qua là một năm đầy thành công. Một cuộc xung đột liên quan đến nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới đã duy trì giá cao khi các nước châu Âu tìm cách chuyển đổi khỏi nguồn cung từ Nga. Tập đoàn ExxonMobil đã thu về 56 tỷ USD lợi nhuận trong năm 2022, đánh bại kỷ lục của năm trước đó là 45,2 tỷ USD; Tập đoàn Chevron đã công bố khoản lãi 35,5 tỷ USD, ngay cả khi các chính phủ tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Và khi nói đến kinh doanh năng lượng, một số quốc gia cũng được hưởng lợi. Công ty dầu mỏ do nhà nước kiểm soát của Saudi Arabia đã có một năm kinh doanh đặc biệt tốt, với 42,4 tỷ USD lợi nhuận chỉ trong quý III/2022. Việc ngừng xuất khẩu qua đường ống khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Âu đã cho phép gã khổng lồ khí đốt Qatargia của Qatar tăng vị thế thống trị thị trường khí thiên nhiên toàn cầu; nước này đã ký thỏa thuận cung cấp khí đốt 15 năm với Đức vào tháng 11 năm ngoái.

Không chỉ các nhà sản xuất Trung Đông được hưởng lợi. Norway, nhà sản xuất dầu hàng đầu của châu Âu, đã thu được hơn 100 tỷ USD tiền bán dầu và khí đốt vào năm ngoái. Bên cạnh đó, các quốc gia đã và đang mua dầu của Nga cũng được hưởng lợi. Với việc dầu của Nga bán thấp hơn giá thị trường từ 20 đến 30 USD/thùng, Ấn Độ hiện đang mua dầu của Nga nhiều hơn 33 lần so với một năm trước. Trong khi đó, Tập đoàn OCP của Maroc, nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới, đã có doanh thu kỷ lục vào năm ngoái, do sự sụt giảm xuất khẩu khí đốt của Nga đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với các nhà sản xuất phân bón khác. OCP đã kiếm được 3,65 tỷ USD trong 3 quý năm 2022, tăng so với 1,99 tỷ USD trong cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, thương mại song phương của Trung Quốc với Nga tăng 31% trong năm 2022. Giống như Ấn Độ, Trung Quốc được hưởng lợi từ việc mua dầu của Nga với giá chiết khấu, trong khi Moscow ngày càng phụ thuộc vào Bắc Kinh về hàng điện tử và hàng tiêu dùng.

Ngoài ra, rất ít nhà lãnh đạo thế giới biến cuộc xung đột thành lợi thế của mình nhiều như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Thổ Nhĩ Kỳ đã bán cho Ukraine một lượng vũ khí đáng kể, nhưng cùng lúc lại từ chối tham gia cùng các đồng minh NATO trong việc trừng phạt Nga, duy trì cả quan hệ thương mại và chính trị với Moscow. Ông Recep Tayyip Erdogan cũng đã thể hiện ảnh hưởng chính trị của mình - đóng vai trò then chốt trong việc đàm phán thỏa thuận mở lại Biển Đen để xuất khẩu ngũ cốc và gây áp lực với NATO bằng cách từ chối chấp thuận tư cách thành viên cho Thụy Điển và Phần Lan. Bất chấp thách thức chưa được giải quyết trên, 2022 cũng là một năm thuận lợi đối với NATO, ngoài hai thành viên tiềm năng mới, liên minh này đã chứng kiến một số thành viên hiện tại cuối cùng tuyên bố họ sẽ tăng mức chi tiêu quốc phòng để phù hợp với các mục tiêu của NATO.

Cuối cùng, bên hưởng lợi là Mỹ. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden nói chung bác bỏ quan điểm rằng họ đang can dự vào cuộc xung đột dưới hình thức ủy nhiệm với Nga. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin từng tuyên bố vào tháng 4 năm ngoái rằng “Mỹ muốn thấy Nga suy yếu đến mức không thể làm những việc mà họ đã làm ở Ukraine”. Nếu đó là mục tiêu, Mỹ cũng có thể được coi là một trong những quốc gia được hưởng lợi theo một số cách từ cuộc xung đột.

Các chuyên gia cũng nói rằng, cuộc xung đột ở Ukraine đã mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp quốc phòng. Theo đó, với hàng tỷ USD vũ khí đang được gửi đến Ukraine và các quốc gia trên thế giới đang tăng cường ngân sách quốc phòng của họ để sẵn sàng ứng phó với giai đoạn mới của xung đột toàn cầu, ngành kinh doanh vũ khí đã và sẽ tiếp tục bùng nổ. Điều này được chứng minh khi cổ phiếu của các công ty quốc phòng đã tăng đột biến sau cuộc xung đột.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/tiep-tuc-tim-giai-phap-hoa-binh-i684743/