Tiếp tục xử nghiêm các hành vi tiêu cực trong thi cử

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an đã có thông tin liên quan đến việc xử lý, điều tra vụ tiêu cực trong thi cử tại Hòa Bình, Sơn La.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông tin về công tác rà soát, thanh tra việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam.
Tiếp tục xử lý, điều tra vụ việc tiêu cực trong thi cử
Liên quan đến vụ việc tiêu cực trong thi cử tại Hòa Bình, Sơn La, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, cơ quan Công an đã tiến hành khởi tố, điều tra. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Công an để sớm có kết luận cuối cùng, xác định rõ những thí sinh sai phạm.
"Từ đó, theo quy chế, nếu đến mức độ hủy kết quả thi, Bộ sẽ yêu cầu hủy kết quả; bên cạnh đó yêu cầu các trường đại học căn cứ kết quả đó tiến hành thôi không tiếp nhận các em vào học theo đúng quy định" - Thứ trưởng Độ cho biết.
Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết, quá trình điều tra tiêu cực thi cử tại Sơn La, Công an tỉnh khởi tố 6 bị can. "Báo cáo của Công an tỉnh cho thấy, quá trình điều tra đang được thực hiện đúng thẩm quyền, nghiêm túc. Những ai liên quan vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý nghiêm túc", Thứ trưởng Bùi Văn Nam khẳng định.
Đồng thời, Thứ trưởng Bùi Văn Nam cho biết, Bộ Công an thường xuyên nghe báo cáo và có chỉ đạo nghiêm túc; nếu quá trình điều tra có vấn đề, Bộ Công an sẽ rút hồ sơ về Bộ để điều tra.
Rà soát việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, sau khi có thông tin về lượng container phế liệu nhập khẩu tồn tại một số cảng Việt Nam, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng về tình hình liên quan đến nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam. Ngày 25/7/2018, Thủ tướng chủ trì Hội nghị thường trực Chính phủ nghe các bộ báo cáo về vấn đề này.
Theo ông Mai Tiến Dũng, các hoạt động nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam với mục đích là làm nguyên liệu cho sản xuất. Việc cấp phép nhập khẩu phế liệu thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường; cấp phép tạm nhập tái xuất thuộc Bộ Công Thương.

Song thực tế rà soát, Bộ Công Thương không cấp phép tạm nhập tái xuất container phế liệu. Liên quan đến container phế liệu tồn tại cảng của Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, theo báo chí, số lượng lớn hơn 6.000 container.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rất nhiều hàng container doanh nghiệp nhập khẩu do có nhu cầu về sản xuất giấy, sản xuất thép là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra lại, các cơ quan Hải quan báo cáo không hẳn tất cả các container đều có chủ, nhiều lô hàng là vô chủ.
"Bên cạnh đó, vấn đề giấy phép nhập khẩu, giám định, quy chuẩn, tiêu chuẩn như nào là một lô hàng phế liệu..., Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có công bố mà chỉ có văn bản hướng dẫn. Như vậy, trong quản lý nhà nước cũng cần xem xét lại" - ông Mai Tiến Dũng nói.
Do đó, Thủ tướng kết luận giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Công Thương, Tư pháp, Công an và các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và các địa phương có cảng biển... tiến hành thanh tra, kiểm tra liên quan đến các lô hàng container nhập khẩu vào Việt Nam, từ đó có báo cáo Chính phủ phương án giải quyết và giải pháp xử lý vấn đề này. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có báo cáo kết luận. Chính phủ cũng giao Bộ Công an xem xét, điều tra tổng thể./.

Xuân Tùng/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/tiep-tuc-xu-nghiem-cac-hanh-vi-tieu-cuc-trong-thi-cu/94947.html