Tiếp vụ lùm xùm ở đội tuyển bơi dự SEA Games 29: 'Nạn nhân' của người lớn?

Phía sau vụ việc đấu loại để chọn VĐV dự SEA Games 29 nội dung bơi 1.500m tự do nam, có hay không sự bất hợp lý và thiếu công bằng?

Kình ngư Kim Sơn.

Ban Huấn luyện đội Tuyển bơi có cảm tính?

“Trên thế giới, việc thi đấu nội bộ để chọn ra VĐV giỏi nhất tham dự các giải đấu là bình thường. Việc chọn ai sẽ do BHL đội Tuyển bơi quyết định. Chúng tôi chỉ giám sát để việc thi đấu diễn ra đúng luật, đảm bảo công bằng và khách quan”. Có mặt ở buổi kiểm tra của Huy Hoàng và Kim Sơn sáng 8.8 ở Trung tâm HLTTQG TPHCM, Phó đoàn TTVN Nguyễn Trọng Hổ bày tỏ quan điểm.

Trong khi đó, Trưởng đoàn TTVN Trần Đức Phấn cũng chia sẻ rằng ngành thể thao tôn trọng quyết định của những người làm chuyên môn và BHL, nhất là với bộ môn có thể định lượng thành tích như bơi hay điền kinh, cơ sở để đánh giá khả năng giành huy chương của các VĐV. Ông Phấn khẳng định giao cho BHL, những người theo sát và biết rõ nhất các VĐV, có đánh giá, đề xuất phương án để chọn ra hai VĐV dự SEA Games, đảm bảo lựa chọn không theo cảm tính.

Ở đây, có một câu hỏi được đặt ra: Việc đề xuất bổ sung Kim Sơn và tổ chức thi đấu để chọn 2 trong 3 VĐV dự SEA Games nội dung 1.500m tự do nam của BHL có chịu tác động hay chi phối bởi cảm tính?

Cần phải hỏi và nhắc lại ngọn nguồn của vụ việc, với thành tích bất ngờ của Kim Sơn ở giải VĐTG 2017 hồi cuối tháng 7. Theo khẳng định của chính VĐV này cũng như HLV Đặng Anh Tuấn thời điểm đó, Kim Sơn chỉ được đăng ký sau nửa tháng tập luyện ở Hungary. Trước đó, HLV Đặng Anh Tuấn không muốn cho kình ngư trẻ này tham dự vì thành tích chưa có gì nổi bật và cần phải rèn luyện thêm. Do thể hiện sự tiến bộ không ngờ, BHL quyết định đăng ký cho Kim Sơn thi đấu để cọ xát, học hỏi và bất ngờ đạt thành tích xuất sắc với thành tích 15 phút 29 giây 90. Nó vượt kỷ lục SEA Games 2015 của Lâm Quang Nhật (15 phút 31 giây 03) và kỷ lục quốc gia của Nguyễn Huy Hoàng (15 phút 30 giây 11) nên việc bổ sung Kim Sơn và phương án thi đấu “tay bo” để lựa chọn 2 trong 3 VĐV được đưa ra, dẫn đến những tranh cãi và việc Quang Nhật (ảnh) từ chối thi đấu, chấp nhận không tham dự SEA Games do thấy vô lý, không công bằng.

Nhiều người cũng thắc mắc: Thành tích “ngoài kế hoạch” của Kim Sơn có thuyết phục, xứng đáng để nghiễm nhiên coi đó là cột mốc bắt buộc so sánh, thậm chí là kể cả vì mục tiêu thành tích ở SEA Games? Phải hỏi vì việc tham dự giải VĐQG để học hỏi, cọ xát với tâm lý thoải mái nên chưa chắc đã là thước đo chính xác, công bằng nhất. Và ngay chính Kim Sơn đã chứng minh điều đó, khi ở buổi kiểm tra chịu nhiều áp lực do tính chất vụ việc bị đẩy lên, kình ngư trẻ này chỉ đạt thành tích 15 phút 42 giây so với 15 phút 22 giây của Huy Hoàng, kém hơn nhiều so với thông số của chính Kim Sơn tại giải VĐTG 2017 là 15 phút 29 giây 90.

Có hay không chuyện “quân anh, quân tôi”?

Với thể thao Việt Nam hay thế giới, bơi lội hay nhiều môn thể thao khác, việc đấu nội bộ để so đọ thành tích rồi lựa chọn VĐV tốt nhất là điều bình thường. Tuy nhiên, việc căn cứ vào thành tích bất ngờ của một VĐV trẻ rồi bắt đấu loại theo cách như thế và đặt trong trường hợp khá nhạy cảm của Kim Sơn khiến nhiều câu hỏi được đặt ra về sự công bằng cũng như động cơ, mục đích thực sự phía sau.

Có những điều bất hợp lý, ngay trong cách những người có trách nhiệm muốn thể hiện sự công bằng, minh bạch. Ví dụ ngày 2.8 Quang Nhật về nước sau chuyến tập huấn Trung Quốc thì 4 ngày sau phải thi đấu chứng minh thành tích. Và trước cuộc thi sáng 8.8, phương án ban đầu là Huy Hoàng và Quang Nhật phải đấu trực tiếp, nếu thành tích vượt Kim Sơn thì chọn cả hai, còn nếu không bằng thì ai cao hơn sẽ có suất. Rõ ràng, đó là sự thiếu công bằng.

Cần nhắc lại, Kim Sơn từng là VĐV của TPHCM. Hai năm trước, sau vụ kiện cáo ầm ĩ của Phương Trâm với thể thao TPHCM, gia đình Kim Sơn cũng đấu tranh quyết liệt đòi ra đi, với lý do là đi du học. Sau khi được tự do, VĐV này đầu quân cho An Giang khiến thể thao TPHCM mất trắng một tài năng triển vọng. Và nhạy cảm ở chỗ, HLV Đặng Anh Tuấn của An Giang cũng trực tiếp huấn luyện Kim Sơn ở ĐTQG.

Và có những đặc thù ở đội tuyển bơi, như việc 3 VĐV đang tranh chấp dự thi nội dung 1.500m tự do nam - nội dung duy nhất có thể giành HCV ở SEA Games 29 với các kình ngư nam, mỗi người lại được huấn luyện, quản lý bởi một HLV, chuyên gia khác nhau. Huy Hoàng (Quảng Nam) lâu nay tập huấn ở Trung tâm HLTTQG Cần Thơ, Quang Nhật thì tập huấn ở Thái Lan, Trung Quốc và tập với chuyên gia Trung Quốc, còn Kim Sơn được dẫn dắt bởi HLV Đăng Anh Tuấn. Thế mới có cảnh ở cuộc đấu phân định thắng thua sáng 8.8, ông Tuấn chỉ tận tình chăm sóc Kim Sơn. Vì thế nên khi vụ việc ầm ĩ này xảy ra rất dễ khiến liên tưởng đến chuyện đấu đá, tranh chấp và quyền lợi.

Đó mới là điều đáng nói và đáng lo nhất, với môn thể thao mũi nhọn rất nhiều tiềm năng của TTVN này…

Ở buổi thi đấu kiểm tra để lấy thành tích lựa chọn hai VĐV dự SEA Games 29 sáng 8.8, Lâm Quang Nhật không tham dự và chấp nhận bị loại. Như thế, theo như quan điểm trước đó thì Huy Hoàng và Kim Sơn sẽ dự tranh nội dung 1.500m tự do nam, còn Quang Nhật sẽ đăng ký thi đấu nội dung khác. Tuy nhiên, cho đến ngày hôm qua, quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra khi “quả bóng trách nhiệm” được “đá sang chân” BHL.

GIANG ANH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/tiep-vu-lum-xum-o-doi-tuyen-boi-du-sea-games-29-nan-nhan-cua-nguoi-lon-690720.bld