Tiết kiệm được 10%, mỗi năm bớt phải xây thêm một nhà máy điện

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Đỗ Hữu Hào (ảnh) - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đánh giá: Chỉ cần nâng mức tiết kiệm điện lên 10% so với mức trung bình khoảng 6% của hiện tại, mỗi năm Việt Nam đã bớt phải xây thêm 1 nhà máy điện.

Theo Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 3/2019: Mục tiêu đặt ra là đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 - 2025 và từ 8 - 10% trong giai đoạn 2019 - 2030

Thực hiện mục tiêu của Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành 6 Thông tư về tiêu hao năng lượng định mức/sản phẩm ở các ngành hóa chất, thép, bia, nước giải khát, nhựa và chế biến thủy sản. Để giúp DN quen với tiết kiệm năng lượng, Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng hiệu quả cũng đã có những hỗ trợ kỹ thuật về kiểm toán năng lượng, đào tạo hướng dẫn cán bộ của DN và triển khai các dự án trình diễn, quảng bá công nghiệp tiết kiệm năng lượng điển hình.

Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả tiết kiệm điện năng của Việt Nam thời gian qua?

Thời gian qua, tiết kiệm điện năng của Việt Nam chưa đạt kết quả như mục tiêu, kỳ vọng đặt ra. Thực tế, theo tính toán, Việt Nam có thể tiết kiệm tối đa 30-35%. Trước mắt, nếu toàn dân nỗ lực, con số tiết kiệm trung bình có thể đạt được là 15%. Tuy nhiên, hiện tại con số tiết kiệm thực tế đạt được chỉ ở mức khoảng 6%.

Theo ông, đâu là lý do căn bản khiến cho hiệu quả tiết kiệm điện năng của Việt Nam chưa đạt được như kỳ vọng?

Trước hết là ý thức của người tiêu dùng điện chưa tốt vì giá điện không cao lắm. Thứ hai là DN Việt chủ yếu DN vừa và nhỏ, trong quá trình sản xuất sử dụng dây chuyền cũ, không có kinh phí để đổi mới, thay thiết bị... tiết kiệm điện. Kể cả các nhà máy sản xuất đầu tư mới cũng chưa thực sự tính đến chuyện tiết kiệm năng lượng. Ở góc độ xây dựng, dễ thấy, toàn bộ các tòa nhà thiết kế trước đây không tính đến chuyện tiết kiệm năng lượng. Các tòa nhà Việt Nam đa số phải dùng điện suốt ngày, nhất là các hội trường gần như 24/24...

Nếu có thể nâng mức tiết kiệm lên so với hiện tại, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả đem lại?

Tôi cho rằng, nếu con số tiết kiệm nâng lên đến mức 10% thay vì khoảng 6% như hiện tại, mỗi năm Việt Nam sẽ đỡ phải xây một nhà máy điện khoảng 600-700 MW, nghĩa là đỡ được mấy tỷ USD. Một nhà máy nhiệt điện khoảng 1.200 MW, chi phí đầu tư đã là 2,5 tỷ USD. Nếu tiết kiệm được số lượng điện bằng 1.200 MW một năm coi như đỡ phải xây một nhà máy nhiệt điện 2,5 tỷ USD. Hiệu quả rất rõ ràng.

Mục tiêu của Việt Nam là trung bình có thể tiết kiệm được 15%. Nếu làm được, đây sẽ là con số khá lớn, giúp ngành điện đỡ phải xây dựng 2 nhà máy nhiệt điện 1 năm. Từ lúc bắt đầu xây dựng kế hoạch cho đến khi có nhà máy nhiệt điện mất trung bình 10 năm. Trong khi đó, việc tiết kiệm điện có thể làm ngay được và đỡ tốn hơn rất nhiều.

Xin ông cho biết, đâu là giải pháp hữu hiệu giúp việc tiết kiệm năng lượng đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp?

Để các DN nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong khu, cụm công nghiệp tại Việt Nam, cần đưa ra các hoạt động cụ thể nhằm hỗ trợ các DN đầu tư giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng: Thay đổi dây chuyền, công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ tiên tiến hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng; xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với các thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng, hiệu suất thấp, đồng thời, đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững đáng tin cậy. Đặc biệt, các DN cần tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; chú trọng phát triển công nghệ môi trường, công nghệ sạch, công nghệ năng lượng mới...

Trước đây, trong Luật Tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả mới chỉ kêu gọi tự giác tiết kiệm, chỉ bắt buộc một số đơn vị tiêu dùng năng lượng lớn phải kiểm toán năng lượng hàng năm nhưng sắp tới có thể sửa đổi luật, có nhiều thứ phải trở thành bắt buộc, có chế tài bắt buộc... Ví dụ, không thực hiện có thể phạt, có biện pháp mạnh hơn.

Xin cảm ơn ông!

Ông Chu Bá Thi - Chuyên gia cao cấp về năng lượng, Ngân hàng Thế giới (WB): Mô hình ESCO sẽ là mắt xích quan trọng trong việc triển khai các chương trình tiết kiệm năng lượng quốc gia

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương và WB đã phối hợp thực hiện Dự án tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam (VEEIE), trong đó Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) cung cấp một khoản tín dụng trị giá 100 triệu USD cho các tổ chức tài chính tham gia tiến hành cho vay các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với WB đánh giá thực trạng và đưa ra các giải pháp về chính sách cũng như các phương án để thúc đẩy phát triển thị trường dịch vụ năng lượng ESCO (mô hình của một công ty cung cấp các giải pháp năng lượng toàn diện) tại Việt Nam.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy việc phát triển thị trường ESCO, với một môi trường chính sách thuận lợi có thể nhân rộng hiệu quả việc đầu tư vào các dự án tiết kiệm năng lượng. Sự tham gia của các ESCO vào thị trường tiết kiệm năng lượng sẽ giúp cung cấp các nguồn kỹ thuật, sắp xếp tài chính, chia sẻ rủi ro và tạo dựng niềm tin cho các DN công nghiệp và ngân hàng đầu tư vào các dự án tiết kiệm năng lượng. Nếu tạo được cơ chế hỗ trợ phù hợp, mô hình ESCO sẽ là một mắt xích quan trọng trong việc triển khai các chương trình tiết kiệm năng lượng quốc gia. Làm được như vậy, trong tương lai gần, thị trường ESCO Việt Nam sẽ phát triển không thua kém các nước trong khu vực và thế giới.

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Việt Nam (EVN): EVN nỗ lực nâng cao hiệu quả vận hành các nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện

Với tốc độ tăng trưởng phụ tải khoảng 10%/năm như hiện nay, mỗi năm cần sản suất bổ sung khoảng 20-25 tỷ kWh, tương đương với khoảng 3.000-4.000 MW công suất từ các dự án nguồn điện đưa vào vận hành thương mại. Trong khi đó, nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ, gây khó khăn cho tình hình cung cấp điện. Trước tình hình này, EVN đã có những giải pháp nâng cao hiệu quả vận hành các nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện. Cụ thể, EVN đã ban hành quy trình kiểm toán năng lượng cho các loại hình nhà máy điện để thống nhất tiến hành đo đạc, lập hồ sơ, đánh giá và triển khai thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong các nhà máy điện; phối hợp với các hiệp hội, đơn vị tư vấn trong và ngoài nước có chuyên môn sâu để hợp tác đào tạo chuyên gia, ứng dụng công nghệ cao cho công tác vận hành, sửa chữa nhà máy điện và hệ thống điện.

Bên cạnh đó, EVN cũng từng bước áp dụng biện pháp sửa chữa bảo dưỡng các thiết bị theo trọng tâm độ tin cậy (RCM) để nâng cao ổn định, an toàn trong vận hành nhà máy điện và lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích, thúc đẩy đầu tư xây dựng điện mặt trời áp mái, năng lượng tái tạo tại chỗ nhằm bổ sung nguồn năng lượng cho hệ thống điện quốc gia.

Ông Vũ Trung Dũng -Trưởng phòng kỹ thuật, Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương: Cải tiến thiết bị, áp dụng công nghệ giúp tiết kiệm điện hiệu quả

Với việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhiều nhà máy của Tập đoàn Hòa Phát đã có thể chủ động nhu cầu sử dụng điện gần 50%, thậm chí lên đến 70%. Ngoài các giải pháp cơ bản nhằm tiết kiệm năng lượng như thay đổi công nghệ, đầu tư thiết bị tốt, đầu tư biến tần chạy cho các động cơ lớn có tải thay đổi nhiều…, Hòa Phát còn sử dụng giải pháp mới nhằm tiết kiệm năng lượng như: Tận dụng hơi quá nhiệt cho việc nấu ăn cho các bếp ăn. Việc tận dụng hơi này giúp an toàn trong quá trình vận hành, nấu nướng, không gây cháy nổ; trong khi đó đầu tư thiết bị ít; giảm chi phí cho việc sử dụng khí gas trong các bếp ăn. Qua thống kê, một tháng có thể tiết kiệm được khoảng 200 triệu đồng so với việc phải sử dụng khí gas.

Hiện, Hòa Phát đã đầu tư và đưa vào vận hành 4 tổ máy phát điện dư với tổng công suất thiết kế là 60MW. Lượng điện phát này được hòa cùng nguồn điện cung cấp cho Dự án Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát. Ngoài ra, công ty vẫn đang tiếp tục cải tiến thiết bị, cập nhật và áp dụng các công nghệ mới… nhằm tiết kiệm điện năng.

Uyển Như (ghi)

Thanh Nguyễn (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tiet-kiem-duoc-10-moi-nam-bot-phai-xay-them-mot-nha-may-dien-110344-110344.html