Tiết kiệm gần 2.000 tỷ đồng nhờ đàm phán giá thành công một số loại thuốc

Theo Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia, ước tính việc đàm phán thành công 64 loại thuốc đã giảm được giá khoảng 14,8%, tương đương với tổng gói thầu giảm được khoảng gần 2.000 tỷ đồng.

Ngày 22/2, Hội đồng đàm phán giá thuốc Bộ Y tế đã đàm phán thành công 64 loại thuốc còn lại trong số 69 loại thuốc biệt dược gốc mời thầu.

Đây là thuốc Navelbine điều trị ung thư (hàm lượng 10mg, dạng tiêm; 20mg và 30mg là thuốc viên). Kết quả đàm phán giá 3 thuốc này giảm được khoảng hơn 5%, tiết kiệm được khoảng 40 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã tiến hành đàm phán giá với 69 loại thuốc biệt dược, thuốc gốc có giá trị sử dụng lớn.

Trong đó, đã đàm phán thành công 61 loại thuốc, 4 thuốc thiếu điều kiện (hồ sơ, số đăng ký…), đàm phán không thành công 1 loại thuốc.

Với việc đàm phán thành công 3 thuốc còn lại trong số 69 loại thuốc biệt dược gốc mời thầu, ước tính việc đàm phán thành công 64 loại thuốc đã giảm được giá khoảng 14,8%, tương đương với tổng gói thầu giảm được khoảng gần 2.000 tỷ đồng.

Bộ Y tế cho biết, tới đây, Bộ sẽ tiến hành đàm phán giá khoảng 100 loại thuốc khác. Về thuốc đấu thầu tập trung theo báo cáo của Sở y tế và nhà thầu thì việc cung ứng đáp ứng 97%.

Danh mục đàm phán giá chia thành các nhóm: Biệt dược gốc điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch, biệt dược gốc chống nhiễm khuẩn, biệt dược gốc điều trị tim mạch, biệt dược gốc chứa Insulin và điều trị tiểu đường, biệt dược gốc tác dụng trên đường hô hấp, biệt dược gốc tác dụng đối với máu.

Đây là những thuốc có nhu cầu lớn tại các cơ sở y tế công lập và có giá trị sử dụng trên 100 tỷ đồng/năm.

Trước đó, ngày 3/8/2022, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia đã ban hành các Quyết định số 57/QĐ-TTMS, 58/QĐ-TTMS, 59/QĐ-TTMS phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu cung cấp thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023.

Giá kế hoạch của các danh mục có đề xuất trúng thầu là 7.630 tỷ đồng, tổng giá trị trúng thầu là 6.292 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá là 17,52% (tương đương với 1.337 tỷ đồng.

Gói thầu số 1: Cung cấp thuốc cho các tỉnh Miền Bắc giai đoạn 2022-2023 lựa chọn được 27 nhà thầu và 84 danh mục có đề xuất trúng thầu.

Giá kế hoạch là: 2.458 tỷ đồng, giá trúng thầu là: 2.033 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá 17,3% (tương đương 425 tỷ đồng);

Gói thầu số 2: Cung cấp thuốc cho các tỉnh Miền Trung và khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2022-2023 lựa chọn được 27 nhà thầu và 84 danh mục có đề xuất trúng thầu.

Giá kế hoạch là: 1.564 tỷ đồng, giá trúng thầu là: 1.306 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá 16,5% (tương đương 258 tỷ đồng);

Gói thầu số 3: Cung cấp thuốc cho các tỉnh Miền Nam giai đoạn 2022-2023 lựa chọn được 24 nhà thầu và 86 danh mục có đề xuất trúng thầu.

Giá kế hoạch là: 3.607 tỷ đồng, giá trúng thầu là: 2.953 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá 18,1% (tương đương 654 tỷ đồng).

Cũng liên quan vấn đề đấu thầu thuốc tập trung, trong một lần trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số địa phương thời gian qua.

Điều này khiến người bệnh phải tự mua thuốc bên ngoài, dù thuộc danh mục được chi trả của BHYT, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia BHYT. Một trong những lý do là việc đấu thầu tập trung ở các cơ cơ sở y tế cả tại trung ương và địa phương khá chậm.

"Theo thống kê của chúng tôi, có những mặt hàng thuốc, vật tư y tế dù đã hết, chậm trên 3 tháng, có những tỉnh phải đấu thầu tập trung ở sở y tế như: Nghệ An, TP. HCM, Hà Nội. Tình trạng chậm trên 3 tháng chưa đấu thầu diễn ra khá phổ biến”, ông Đức thông tin.

Tuy nhiên, khi theo dõi chi phí bình quân của một đơn vị cấp thuốc cho người bệnh từ tháng 4 đến tháng 6 thì chưa có sự biến động quá lớn. Mức độ chênh lệch khoảng dưới 10.000 đồng/đơn thuốc, chiếm khoảng 5%. Điều này chứng tỏ tình trạng thiếu thuốc vẫn là đang cục bộ.

Bộ Y tế thì thừa nhận, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị.

Thậm chí, ngay cả khi một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện.

Lại có những địa phương chỉ đấu thầu thuốc theo danh mục mà Bộ Y tế quy định cho địa phương mà không mở rộng. Thêm vào đó, trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, việc tập trung nhân lực cho công tác đấu thầu còn hạn chế.

Những nguyên nhân này dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số tỉnh thành, khiến người bệnh BHYT phải tự mua thuốc bên ngoài dù đang khám chữa bệnh tại cơ sở y tế.

Được biết, thời gian qua để khắc phục tình trạng thiếu thiếu, vật tư y tế Bộ Y tế cũng đã kịp thời hỗ trợ các cơ sở y tế có vướng mắc liên quan đến thiếu thuốc.

Bộ này đã đẩy nhanh tốc độ cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc thông qua việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt với quy định về hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc; tổ chức các đơn vị thẩm định độc lập tại các trường đại học y, dược; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tiet-kiem-gan-2000-ty-dong-nho-dam-phan-gia-thanh-cong-mot-so-loai-thuoc-d184199.html