Tiết kiệm nhiều tỷ đồng từ đơn giản hóa thủ tục hành chính

Đến nay, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chương trình số 08-CTr/TU cơ bản đã hoàn thành, trong đó có chỉ tiêu đã về đích sớm, vượt kế hoạch.

Hoàn thành rà soát, ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các VBQPPL

Đây là kết quả nổi bật trong thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020”.

Về cải cách thể chế, Hà Nội đã hoàn thành rà soát, ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Ban hành “Kế hoạch rà soát, hệ thống hóa VBQPPL của TP giai đoạn 2016 - 2020” và định kỳ hàng năm tổ chức rà soát, công bố VBQPPL hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần. Kết quả, TP lập danh mục VBQPPL còn hiệu lực đối với 399 văn bản (gồm: 95 Nghị quyết, 304 Quyết định), công bố 106 VBQPPL hết hiệu lực. Bên cạnh đó đã cập nhật 1.991 VBQPPL còn hiệu lực vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, trong đó có 1.500 VBQPPL do HĐND, UBND TP ban hành từ năm 1998 đến năm 2019.

Quá trình thi hành Luật Thủ đô, TP đã xác định, kiến nghị với Trung ương những cơ chế, chính sách đặc thù theo Luật Thủ đô phục vụ yêu cầu phát triển của TP. Các cơ chế đặc thù quy định trong Luật bước đầu giúp Hà Nội huy động được nguồn lực, tạo bước đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung.

TP cũng xây dựng quy chế, quy trình, phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị; xác định rõ những việc được làm, không được làm cho từng bộ phận, từng đơn vị. Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị đã hoàn thành xây dựng, ban hành nội quy, quy chế. 100% ngành, lĩnh vực cũng đã hoàn thành việc công bố quy trình nội bộ giải quyết TTHC.

Trong giai đoạn 2016-2020, TP triển khai xây dựng Quy chế phối hợp liên thông theo chỉ đạo của Chính phủ, nổi bật là Quy chế phối hợp liên thông về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; Quy chế phối hợp liên thông các TTHC: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí; Quy chế phối hợp liên thông giải quyết chế độ hỏa táng)...

Ngoài ra, TP chủ động đề xuất, xây dựng Quy chế phối hợp liên thông một số lĩnh vực trọng điểm, cụ thể: Xây dựng Quy chế liên thông TTHC cấp Phiếu lý lịch tư pháp - Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài (qua đó rút ngắn từ 20 ngày làm việc xuống còn 12 ngày làm việc); Quy chế phối hợp liên ngành giải quyết thủ tục đầu tư...

Người dân làm TTHC tại Bộ phận một cửa UBND phường Phúc La, quận Hà Đông. Ảnh: P.Thảo

Người dân làm TTHC tại Bộ phận một cửa UBND phường Phúc La, quận Hà Đông. Ảnh: P.Thảo

Tiết kiệm nhiều tỷ đồng

Từ năm 2016 đến nay, TP đã rà soát, đánh giá đối với 261 TTHC; thông qua phương án đơn giản hóa đối với 183 TTHC, tiết kiệm 34 tỷ đồng/năm (năm 2017); 61 TTHC, tiết kiệm 43 tỷ đồng/năm (năm 2018); 71 TTTHC (năm 2019).

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn (theo báo cáo của các đơn vị) đạt trung bình trên 98.81% (năm 2016), 98.13% (năm 2017), 98.5% (năm 2018), 99.86% (năm 2019) toàn TP.

Sau thí điểm thành công, đến nay, việc triển khai cơ chế một cửa trong cung ứng dịch vụ công được thực hiện trên một số lĩnh vực như cung cấp nước sạch (tại Cty nước sạch Hà Nội); dịch vụ trợ cấp thất nghiệp (tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội), dịch vụ mai táng (tại Ban phục vụ Lễ tang Hà Nội) thuộc Sở LĐ-TB&XH).

Bên cạnh đó, TP Hà Nội đã kết nối Cổng dịch vụ công TP với Hệ thống Một cửa điện tử dùng chung 3 cấp thành hệ thống thống nhất, dùng chung cho 22 Sở, ban, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn. Đến nay, toàn TP có 1.671 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (đạt tỷ lệ 100%) vàTP đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hoàn thành việc triển khai 100% TTHC đủ điều kiện cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phục vụ người dân, DN. Đồng thời, kết nối 48 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia và trong năm 2020 sẽ triển khai bổ sung 249 dịch vụ công.

Hàng năm, TP ban hành Kế hoạch khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc TP. Chỉ số Hài lòng (SIPAS) của TP năm 2019 đạt 80,9%, là năm thứ 2 liên tiếp Chỉ số Hài lòng đạt trên 80%.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tiet-kiem-nhieu-ty-dong-tu-don-gian-hoa-thu-tuc-hanh-chinh-212198.html