'Tiết kiệm trăm tỷ nhờ doanh nghiệp chung tay chống dịch'

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho biết địa phương đã tiết kiệm được cả trăm tỷ đồng ngân sách nhờ thuyết phục doanh nghiệp trả phí xét nghiệm cho công nhân.

Sau hơn nửa tháng giải quyết hậu quả lây lan dịch bệnh từ quán bar Sunny và massage Hoa Sen, tốc độ gia tăng số ca mắc Covid-19 ở tỉnh Vĩnh Phúc đã chững lại với hơn 80 ca F0.

Chia sẻ với Zing, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhận định thành quả thứ nhất của tỉnh là không để mất dấu F0, thứ hai là tạo ra một sự đồng thuận, ủng hộ rất lớn trong xã hội.

Chưa phát sinh thêm ổ dịch

- Ông đánh giá thế nào về tình hình kiểm soát dịch Covid-19 tại Vĩnh Phúc, đặc biệt sau khi Thủ tướng có những chỉ đạo quyết liệt gần đây?

- Vĩnh Phúc đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc chuyển từ thế phòng ngự sang tấn công, chủ động bao vây, đánh chặn dịch.

Hơn 10 ngày qua, toàn tỉnh không phát sinh ổ dịch mới ngoài 4 ổ dịch hiện hữu. TP Vĩnh Yên đã kết thúc phong tỏa mà không phát sinh ca bệnh mới. TP Phúc Yên phát sinh một số trường hợp nhưng tất cả là F1 đã được truy vết, "trong vòng vây".

Tới đây còn nguy cơ, ổ dịch nào nữa thì chúng tôi đang cùng Bộ Y tế đánh giá, không thể chủ quan, lơ là được. Trước mắt có thể thấy thành quả chống dịch đã giúp lòng tin của người dân được nâng lên trước thềm cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND tới.

- Tình hình chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Vĩnh Phúc hiện ra sao?

- Chúng tôi đã kích hoạt một bệnh viện dã chiến, đón trên 50 bệnh nhân Covid-19 vào chữa trị. Số bệnh nhân này đều được áp dụng nghiêm ngặt phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Bộ cũng thường xuyên cử chuyên gia đến hỗ trợ.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành. Ảnh: Ngọc Tân.

Một bệnh nhân có dấu hiệu yếu, nhưng đã được Bộ Y tế kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn. Chúng tôi tin những gì tốt nhất của Bộ Y tế đang được triển khai tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Hiện nay chúng tôi cũng rất mong muốn sự chi viện từ Trung ương. Nhưng Trung ương còn rất nhiều việc phải làm. Với phương châm "4 tại chỗ", chúng tôi cố gắng tự bảo vệ mình trước.

Tỉnh chỉ đề nghị sự hỗ trợ về mặt chuyên môn, kỹ thuật, chỉ đạo, định hướng... từ Trung ương, còn những việc của địa phương chúng tôi sẽ tự làm.

Doanh nghiệp chia sẻ trách nhiệm xã hội

- Cũng là địa phương có nhiều khu công nghiệp với số lượng lớn nhân công, trước tình trạng lây lan dịch ở Bắc Ninh và Bắc Giang, Vĩnh Phúc đã áp dụng biện pháp gì?

- Chúng tôi xác định tất cả công nhân trong khu công nghiệp có nguy cơ rất cao, như tại Bắc Giang, Bắc Ninh. Ban ngày họ là công nhân, đến tối lại tỏa về thôn làng ngõ xóm, nguy cơ lan rộng cho toàn tỉnh là rất lớn.

Để bảo vệ cho chính doanh nghiệp và cho cộng đồng, các doanh nghiệp phải chủ động xét nghiệm cho tất cả công nhân của mình. Tỉnh đã nâng công suất xét nghiệm từ 1.000 người mỗi ngày lên 30.000 người/ngày.

Về chi phí xét nghiệm cho công nhân thì tôi khẳng định Vĩnh Phúc không chi một đồng ngân sách nào. Các doanh nghiệp sử dụng công nhân phải tự lo.

Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc đang điều trị cho hơn 50 bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Ngọc Tân.

- Làm thế nào để thuyết phục doanh nghiệp lo chi phí xét nghiệm cho hàng nghìn công nhân?

- Vĩnh Phúc xác định đang trong "thời chiến" nên tất cả phải vào cuộc, ai sức nào làm sức đó. Trong lời kêu gọi của Tổng bí thư và chỉ đạo của Thủ tướng đã rất rõ. Các doanh nghiệp muốn bảo vệ mình thì cũng phải chung tay với Nhà nước.

Muốn có một mệnh lệnh hành chính được cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ thì trước đó chúng tôi đã phải trao đổi, động viên, chia sẻ, thậm chí phải có giải pháp cho các doanh nghiệp.

Tỉnh đã có những buổi làm việc rất thấu đáo với đại sứ quán của các quốc gia đang có doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc. Thông qua các đại sứ quán và hiệp hội người Nhật Bản, người Hàn Quốc... chúng tôi mong doanh nghiệp chia sẻ trách nhiệm xã hội. Kết quả là các doanh nghiệp đã có sự đồng thuận rất lớn.

- Ông có thể chia sẻ tác dụng của cơ chế "xã hội hóa" xét nghiệm này?

- Giá xét nghiệm đơn cho một người là 734.000 đồng. Gần 100.000 công nhân thì mình cứ nhân lên. Tiết kiệm cả trăm tỷ đồng cho Nhà nước. Chúng tôi cũng đã yêu cầu xét nghiệm gộp để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Đến nay, sau 4 ngày triển khai, tỉnh đã xét nghiệm cho khoảng 70.000 công nhân.

Nhờ xét nghiệm diện rộng trong khu công nghiệp, tỉnh đã phát hiện ra một công nhân dương tính. Người này đi thăm người nhà ở Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Ca bệnh lập tức được khoanh vùng, tất cả công nhân tại doanh nghiệp đó được xét nghiệm và đã có kết quả âm tính.

Sau khi xét nghiệm xong, chúng tôi sẽ có giải pháp quản lý công nhân để nguy cơ lây nhiễm của họ là thấp nhất.

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 326/326 doanh nghiệp ký hợp đồng với các cơ sở y tế để lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân của mình. Tổng số công nhân đã được lấy mẫu xét nghiệm là 72.155/101.537 người, chiếm 71,06%.

Ngọc Tân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tiet-kiem-tram-ty-nho-doanh-nghiep-chung-tay-chong-dich-post1216517.html