Tiết lộ bất ngờ về nơi cung cấp số dầu thải bị đổ trộm vào nguồn nước sạch sông Đà

Công ty CP Môi trường công nghệ cao Hòa Bình khẳng định việc Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà khai báo đã chuyển giao 190kg chất thải nguy hại là không đúng.

Ngày 23/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ can, bắt tạm giam 2 tháng đối với Nguyễn Chương Đại (SN 1994) và Lý Đình Vũ (SN 1982; cùng trú xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh); Hoàng Văn Thám (SN 1986, trú xã Chi Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) về hành vi "Gây ô nhiễm môi trường" theo quy định tại Khoản 2, Điều 235, Bộ luật hình sự năm 2015.

Đây là nhóm nghi phạm liên quan đến vụ việc đổ dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước hồ Đầm Bài – là nơi cung cấp nước cho Nhà máy Nước sạch sông Đà khiến hàng chục ngàn hộ dân ở TP Hà Nội lâm vào cuộc "khủng hoảng nước sạch".

Sự việc hiện đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình tiếp tục điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, xung quanh vụ việc này, vẫn còn nhiều vấn đề trái chiều về số lượng dầu thải thu gom được giữa 2 báo cáo của Công ty CP nước sạch Sông Đà và UBND tỉnh Hòa Bình.

Cụ thể, tại cuộc họp báo chiều 17/10 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc ô nhiễm nguồn nước sạch cung cấp cho TP Hà Nội, qua báo cáo cho thấy, sáng 9/10, Công ty CP Nước sạch Sông Đà thấy nước có váng dầu tại suối Bằng, sau đó đã tiến hành kiểm tra ngược theo dòng suối và phát hiện trên đường liên xã Hợp Thịnh - Phúc Tiến - Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) có đổ dầu thải, chảy tràn xuống suối Trầm.

Công ty CP nước sạch Sông Đà cách khu vực xả thải vài trăm mét. Ảnh: Nhật Tân

Công ty CP nước sạch Sông Đà cách khu vực xả thải vài trăm mét. Ảnh: Nhật Tân

Sự việc trên được công ty thông báo tới chính quyền địa phương và Công an huyện Kỳ Sơn, sau đó công ty đã tiến hành rải cát trên toàn bộ bề mặt đường có dính dầu, khoanh vùng dầu chảy tràn trên bề mặt suối và khẩn trương thu gom dầu, nước dính dầu, cây cỏ có dính dầu.

Theo đó, khối lượng thu gom được khoảng 100 lít váng dầu lẫn nước, 7 bao tải cỏ dính dầu (khoảng 60 kg) được lưu giữ trong kho chứa chất thải nguy hại tại nhà máy, khoảng 3-4 m3 cát dính dầu được chôn lấp tạm thời trong khuôn viên nhà máy.

Tuy nhiên, cũng tại báo cáo của Công ty CP Nước sạch Sông Đà ngày 17/10 gửi Công an huyện Kỳ Sơn, trong quá trình thu gom dầu thô tại suối Trầm, số lượng được xác định khoảng 50 can, dung tích 20 lít (1.000 lít) chứa dầu thải và nước, 100 bao tải chứa cỏ, cây dính dầu. Đất và cát khoảng 170 m3 (công ty vẫn đang tiếp tục thu gom).

Qua 2 báo cáo trên có thể thấy số lượng dầu thu gom được chênh lệch quá nhiều, lên tới khoảng 10 lần.

Khu vực xử lý ô nhiễm ngay trong khuôn viên nhà máy nước sạch.

Tiếp đến theo nội dung biên bản làm việc của đoàn kiểm tra gồm Cục Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Phú Thọ - Hòa Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường có ghi rõ, năm 2018, Công ty CP gốm sứ Thanh Hà (CTH) đã chuyển giao cho Công ty CP Phát triển công nghệ môi trường 147,5 kg chất thải nguy hại theo biên bản bàn giao ngày 6/12/2018.

Đầu năm 2019 đến nay, công ty đã chuyển giao cho Công ty CP Môi trường công nghệ cao Hòa Bình 190 kg chất thải nguy hại theo chứng từ chất thải nguy hại số 01/2019/CTH ngày 27/6/2019.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên chiều 24/10, đại diện Công ty CP Môi trường công nghệ cao Hòa Bình cho biết: "Đúng là công ty có kí hợp đồng với CTH nhưng mới ký hợp đồng từ đầu năm 2019. Từ khi kí kết hợp đồng, chúng tôi mới chỉ đến CTH đúng 1 lần vào tháng 6/2019 và chỉ lấy 13 kg bao gồm giẻ dính dầu chứ không có bất cứ 1 kg dầu thải nào cả".

Theo lãnh đạo Công ty CP Môi trường công nghệ cao Hòa Bình, việc công ty này được khai báo đã tiếp nhận 190kg chất thải nguy hại của CTH là không đúng. Đồng thời, Công ty CP Môi trường công nghệ cao Hòa Bình cũng mong muốn cơ quan điều tra làm rõ số dầu thải mà CTH khai báo đã đi đâu.

Nước nguồn dẫn về Nhà máy nước Sông Đà bị nhiễm dầu đen.

Trước đó, tại buổi làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Đức Truyền - Chủ tịch Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà cho biết, việc xử lý dầu thải của Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà thường được xử lý hàng năm. Số dầu thải thường được tích trong kho đến khi đủ sổ lượng quy định trong hợp đồng thì công ty môi trường sẽ đến lấy.

"Trước đây, chúng tôi có sử dụng công nghệ đốt lốp cao su để lấy dầu nung gạch nhưng đã bỏ nhiều năm. Thời điểm hiện tại, công ty chỉ đốt và sử dụng nguyên liệu là dầu diesel. Dầu thải từ quá trình này hay được nông dân địa phương xin về bẫy chuột nhưng từ khi bỏ trồng lúa nên chẳng ai sử dụng. Chúng tôi sau đó đã ký với Công ty Môi trường xanh Minh Phúc để xử lý chất thải. Nhưng cũng phải tích đủ một khối lượng nhất định thì Công ty Cổ phần Môi trường xanh Minh Phúc (có địa chỉ tại Khu 6, thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) mới đến chở đi", ông Truyền nói thêm.

Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với phóng viên ngày 23/10, đại diện Công ty Môi trường xanh Minh Phúc cho biết, đơn vị này đã hết hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại với Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà từ tháng 12/2017. Như vậy, đã gần 2 năm nay, công ty này đã không còn hợp tác làm việc hay liên quan gì đến phía công ty của ông Nguyễn Đức Truyền.

Khu vực chứa dầu để đốt lò nung gạch của Công ty Gốm sứ Thanh Hà.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Môi trường xanh Minh Phúc, sau khi hết hợp đồng đơn vị này không còn nắm được thông tin Công ty Gốm sứ Thanh Hà cung cấp, bán nguồn chất thải của nhà máy này cho ai, cho đơn vị nào xử lý.

Cũng liên quan đến sự cố xả thải đầu độc nước sông Đà, ngày 21/10, Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà đã có thông cáo gửi các cơ quan truyền thông báo chí. Trong đó, đáng chú ý trong thông cáo phía Công ty Gốm sứ Thanh Hà khẳng định sẽ trích số tiền 500 triệu đồng để hỗ trợ người dân khắc phục sự cố ban đầu.

Cụ thể thông cáo nêu: "Chúng tôi xin được chia sẻ và chung tay với những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu trong thời gian qua bằng hành động thiết thực là trích ngay số tiền 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) để góp sức cùng người dân khắc phục sự cố này, đây chỉ là hỗ trợ ban đầu, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân, chính quyền để bảo vệ nguồn nước trong sạch tại thủ đô trong tương lai".

Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi: "Nếu không liên quan thì vì sao phía công ty lại hỗ trợ 500 triệu đồng?" thì ông Nguyễn Đức Truyền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà lại nhanh chóng phủ nhận thông tin và cho biết: "Không có chuyện ủng hộ từ công ty. Công ty tôi cũng không có tiền để ủng hộ. Thông tin này là sai sự thật".

Ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà đã cung cấp cho báo chí nhiều thông tin chưa chính xác.

Một điểm mâu thuẫn rất lớn trong vụ việc này, đó là số dầu thải mà Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà cung cấp cho ba bị can là do nhân viên lén lút tuồn hay có chủ trương từ trước.

Trong khi ông Nguyễn Đức Truyền cương quyết khẳng định số dầu thải này do ông Trần Thành Trung (cán bộ phòng vật tư) lén lút đưa ra ngoài thì biên bản kiểm tra của Cục Cảnh sát môi trường lại cho thấy điều ngược lại.

Cụ thể, việc chuyển giao dầu thải đã có sự thỏa thuận bằng miệng từ trước giữa con gái ông Truyền là bà Nguyễn Thị Huyền Trang (trợ lý giám đốc) và Lý Đình Vũ. Hai bên thống nhất bà Trang sẽ trả cho Vũ 1.000 đồng/lít tiền chi phí vận chuyển, xử lý dầu thải. Ông Trung chỉ là người thực hiện yêu cầu của bà Trang, chứ không phải lén lút tuồn dầu thải ra ngoài.

Nói về sự mâu thuẫn trên, ông Truyền cho rằng đây là vấn đề của cơ quan công an, họ sẽ làm rõ.

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/tiet-lo-bat-ngo-ve-noi-cung-cap-so-dau-thai-bi-do-trom-vao-nguon-nuoc-sach-song-da-20191024204721098.htm