Tiết lộ công nghệ 'biến' chất thải gây hại thành nhiên liệu sản xuất xi măng

Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm từ chất thải môi trường, các nhà khoa học đang cố gắng nghiên cứu xử lý các loại chất thải làm nhiên liệu sản xuất xi măng.

Thực tế hiện nay, công tác quản lý, xử lý chất thải Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường… gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng như: các điểm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, bãi đổ thải của các nhà máy.

Trong khi đó, ngành công nghiệp sản xuất xi măng lại là ngành công nghiệp VLXD góp phần đáng kể trong xử lý môi trường bằng việc tận dụng các chất thải từ các nhà máy nhiệt điện, các cơ sở luyện kim và nhà máy hóa chất. Nhiều chất thải như xỉ hạt lò cao, xỉ tro bay của của các nhà máy nhiệt điện, xỉ pyrit, thạch cao thu hồi từ các nhà máy hóa chất đã và đang được sử dụng làm nguyên liệu phụ gia trong sản xuất xi măng.

Chất thải sẽ được nghiên cứu làm nhiên liệu sản xuất xi măng.

Thấy rõ vai trò của ngành sản xuất xi măng có thể xử lý tốt các loại chất thải đang làm ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái, nhiều nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp sản xuất xi măng đang nghiên cứu đánh giá nhằm tận thu và xử lý chất thải này làm nhiên liệu thay thế cho sản xuất xi măng mang lại hiệu quả cả về kinh tế và tiết kiệm năng lượng cũng như bảo vệ môi trường.

Theo nhóm chuyên gia của Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường), để xử lý chất thải nguy hại trong lò nung xi măng đòi hỏi công nghệ sản xuất hiện đại (lò quay khô); công suất xử lý chất thải nguy hại phụ thuộc vào quá trình sản xuất xi măng, tỷ lệ phối nạp và quá trình nạp chất thải vào lò rất phức tạp.

Theo đó, công nghệ này có thể sử dụng chất thải nguy hại làm nguyên liệu, nhiên liệu bổ sung cho quá trình sản xuất xi măng. Chất thải được tiêu hủy đồng thời trong lò nung xi măng ở nhiệt độ cao (trên 1.300 độ C), xỉ của quá trình tiêu hủy được làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Các chuyên gia cho biết, cấu tạo lò nung xi măng hình trụ, có khả năng quay quanh trục để đảo trộn các vật liệu khi nung, tỷ lệ nạp tổng cộng là 30 tấn/h cho các loại chất thải.

Trong quá trình nung xi măng phát sinh nhiều khí thải và bụi nên phải xử lý khí thải. Hệ thống xử lý khí thải bao gồm các công đoạn như: lọc bụi bằng xyclon, sau đó lọc bụi bằng tĩnh điện hoặc túi vải, tiếp theo sử dụng phương pháp hấp thụ các khí độc bằng dung dịch kiềm dưới dạng phun sương.

Bên cạnh đó, lò nung xi măng có môi trường hoạt động ở nhiệt độ cao nên hiệu suất tiêu hủy cao; xử lý được nhiều loại chất thải nguy hại, công suất lớn, có hiệu quả kinh tế do tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, đặc biệt có tiềm năng xử lý được các loại chất thải nguy hại như PCB (một chất thải đặc biệt nguy hiểm).

Nói về tính khả thi của nghiên cứu trên, ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam (VABM) cho biết, nếu các cơ sở sản xuất xi măng được đưa vào tham gia quá trình xử lý rác thải, sẽ đem lại hiệu quả lớn cho xã hội trong việc xử lý môi trường và tận thu nguồn năng lượng đang bị mất đi do công nghệ xử lý bằng cách chôn lấp. Bên cạnh đó việc sử dụng nhiên liệu thay thế sẽ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, mang lại lợi thế cạnh tranh cho ngành sản xuất xi măng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao tính bền vững và giảm gánh nặng xử lý chất thải một cách đáng kể.

An Dương

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/bien-chat-thai-gay-hai-moi-truong-lam-nhien-lieu-thay-the-cho-san-xuat-xi-mang-d148299.html