Tiết lộ 'lá bài' quan trọng của Trung Quốc trong vòng đàm phán mới với Mỹ

Bắc Kinh có thể sử dụng danh sách 'thực thể không đáng tin cậy' là điều kiện đàm phán quan trọng khi cuộc đối thoại thương mại với Mỹ khôi phục tuần tới.

Theo các nguồn tin bí mật của SCMP, Trung Quốc có kế hoạch sử dụng danh sách các công ty nước ngoài có rủi ro với an ninh quốc gia làm con bài thương lượng quan trọng, khi các cuộc đàm phán với Mỹ tiếp tục.

Hai bên đã sẵn sàng bắt đầu lại cuộc đàm phán tại Bắc Kinh vào tuần tới sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka, Nhật Bản. Nhưng các nguồn tin và các nhà quan sát cho biết, Trung Quốc có một số "con bài" để đưa ra nếu quá trình đi tới thỏa thuận thương mại bị đình trệ một lần nữa - bao gồm cả danh sách đề xuất "các thực thể không đáng tin cậy".

 Phái đoàn Mỹ - Trung bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20. (Ảnh: Reuters)

Phái đoàn Mỹ - Trung bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20. (Ảnh: Reuters)

Kế hoạch này lần đầu tiên được công bố vào tháng 5, sẽ đưa các công ty nước ngoài được coi là làm tổn hại lợi ích hợp pháp của Trung Quốc hoặc gây rủi ro cho an ninh quốc gia này vào "danh sách đen".

Thông tin chi tiết về danh sách vẫn chưa được công bố. Bộ Thương mại Trung Quốc mới đây cho biết "danh sách đen" này sẽ được công bố "sớm".

Truyền thông nhà nước Trung Quốc trước đó đưa tin các nhà chức trách đã làm việc để đưa công ty chuyển phát FedEx của Mỹ vào danh sách đen, sau hai lần các gói hàng của Huawei - công ty Trung Quốc đang bị Mỹ "cấm cửa" - bị gửi nhầm.

Trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình ở Osaka, ông Trump đồng ý cho phép các công ty Mỹ bắt đầu cung cấp lại sản phẩm cho Huawei, tạm ngừng áp thuế mới đối với số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc - để đổi lấy việc Bắc Kinh mua thêm nông sản Mỹ.

Thỏa thuận đã mở đường cho các cuộc đàm phán được nối lại sau khi bị đình trệ vào tháng 5, khi cả hai bên đổ lỗi cho nhau vì sự bế tắc.

Tuy nhiên, chi tiết về những gì hai lãnh đạo đồng ý vẫn chưa rõ ràng và các nhà quan sát tin rằng vòng đàm phán mới nhất có thể nhanh chóng gặp rắc rối, trừ khi Trung Quốc hài lòng với các biện pháp của Mỹ nhằm giảm bớt lệnh cấm đối với Huawei.

Các quan chức Mỹ cho biết sau cuộc gặp của hai lãnh đạo rằng Huawei vẫn bị cấm khỏi mạng 5G của Mỹ và thuế quan hiện có đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ không được gỡ bỏ cho đến khi các cuộc đàm phán kết thúc. Trong khi đó, bài bình luận của Taoran Notes, một tài khoản truyền thông xã hội liên kết với báo nhà nước Trung Quốc Economic Daily, cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ không mua hàng nông sản của Mỹ nếu Washington "trở mặt" trong các cuộc đàm phán sắp tới.

Họ nói thêm rằng Trung Quốc sẽ phải xem xét nhu cầu trong nước và ý kiến của các công ty trong nước trước khi mua nông sản Mỹ.

Có nhiều biện pháp trả đũa khác mà Trung Quốc có thể chọn áp dụng, trong đó được giới quan sát đề cập khá nhiều là cấm xuất khẩu kim loại đất hiếm - một thành phần quan trọng trong quân sự và hàng tiêu dùng Mỹ. Một nguồn tin từ ngành công nghiệp văn hóa cũng cho rằng ngành công nghiệp giải trí Mỹ có thể dễ bị tổn thương, khi các nhà quản lý Trung Quốc chặn chiếu các bộ phim Hollywood - động thái mới chỉ dừng lại trong vài tuần qua khi căng thẳng giảm bớt.

Các nhà quan sát tin rằng quan điểm của Bắc Kinh và Washington vẫn cách xa nhau trong nhiều vấn đề.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người đứng đầu nhóm đàm phán Mỹ, yêu cầu một loạt thay đổi cấu trúc từ Trung Quốc, bao gồm cắt giảm trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và thay đổi luật. Nhưng Trung Quốc coi những yêu cầu này là sự xâm phạm chủ quyền và yêu cầu phải được tôn trọng.

Lu Xiang, một nhà nghiên cứu cao cấp về các vấn đề của Mỹ tại Viện khoa học xã hội Trung Quốc, cho biết các công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc từ những năm 1990 rất có cơ hội để tạo ra lợi nhuận béo bở, nhưng nguy cơ với họ cũng lớn nếu các cuộc đàm phán thương mại bị chững lại. "Nếu cuộc chiến thương mại khiến họ không thể hoạt động ở Trung Quốc, sẽ rất khó để họ bù đắp những mất mát. Thị phần của họ sẽ nhanh chóng bị thay thế bởi các đối thủ. Nếu họ di chuyển ra ngoài Trung Quốc hoặc thậm chí quay trở lại Mỹ, họ sẽ không thể xây dựng lại những thứ giống như họ có ở đây” – ông Lu nói.

Lu cũng cho rằng khi những tác động của thuế quan hiện tại sẽ bắt đầu rõ ràng trong những tháng tới, Trung Quốc đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Thuế quan sẽ đánh vào các công ty dựa vào thị trường Mỹ - và có thể buộc họ phải cắt giảm việc làm - nhưng chính phủ Trung Quốc có thể giúp đỡ họ, chuyên gia nhận định.

"Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động và chính phủ có thể cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng để giúp tái sử dụng các lao động bị cắt giảm. Mặt khác, tăng trưởng của Trung Quốc nói chung phụ thuộc ít hơn vào thị trường xuất khẩu. Giảm xuất khẩu sang Mỹ sẽ không gây ra thiệt hại đáng kể cho tăng trưởng của Trung Quốc", ông Lu nói.

Chen Long, một nhà kinh tế của Gavekal Dragonomics, cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Hong Kong, cho biết Trung Quốc không chỉ có thể sử dụng các công ty nước ngoài làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại, mà còn có thể củng cố lập trường của mình bằng cách đưa các vấn đề chiến lược như Triều Tiên vào. "Các cuộc đàm phán thương mại có thể kéo dài trong một thời gian, vì sự mất lòng tin ở cả hai bên vẫn còn cao", Chen nói.

Phương Anh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/la-bai-quan-trong-cua-trung-quoc-trong-vong-dam-phan-moi-voi-my-d485320.html