Tiết lộ nguyên nhân không ngờ khiến tiêm kích Su-27 Ukraine gặp nạn

Thông tin sơ bộ về nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn nghiêm trọng đối với chiếc tiêm kích chiếm ưu thế trên không hạng nặng Su-27 của Không quân Ukraine đã được hé lộ.

 Hôm 15/12, chiếc tiêm kích hạng nặng Su-27P số hiệu 55 "Xanh" của Không quân Ukraine đã gặp nạn khi đang thực hiện bay huấn luyện khiến cho phi công điều khiển thiệt mạng.

Hôm 15/12, chiếc tiêm kích hạng nặng Su-27P số hiệu 55 "Xanh" của Không quân Ukraine đã gặp nạn khi đang thực hiện bay huấn luyện khiến cho phi công điều khiển thiệt mạng.

Được biết mặc dù sản xuất từ năm 1987 nhưng chiếc Su-27P trên vừa trải qua quá trình hiện đại hóa và mới chỉ thực hiện có 479 giờ bay trên tổng số 2.000 giờ bay cho phép.

Vụ tai nạn trên ban đầu bị nghi ngờ là do máy bay gặp sự cố do sai sót trong quá trình nâng cấp, nhưng căn cứ ảnh hiện trường cho thấy phi công còn trong buồng lái thì giả thiết đã nghiêng về yếu tố con người nhiều hơn.

Nhận định từ các chuyên gia hàng không cho rằng phi công đã xác định sai độ cao khi tiếp cận đường băng, khiến chiếc Su-27P va đập mạnh với mặt đất dẫn tới hỏng hóc hoàn toàn.

Giả thiết trên đang được cho là lời giải thích hợp lý nhất nếu căn cứ vào tình trạng cũng như tư thế của chiếc máy bay khi nằm dưới mặt đất sau khi tai nạn xảy ra.

Như vậy nếu giả thiết chính xác, cả hai vụ tai nạn xảy ra với tiêm kích Su-27 của Không quân Ukraine đều do lỗi vận hành của con người, vụ việc trước là chiếc Su-27UBM1 tại cuộc tập trận Clear Sky 2018.

Công tác đào tạo phi công của Không quân Ukraine rõ ràng đang rất có vấn đề, chủ yếu do thiếu kinh phí nên đã dẫn tới tình trạng phi công không có đủ số giờ bay cần thiết.

Và một khi đã không được bay tập thường xuyên tất yếu sẽ dẫn tới tình trạng không đủ trình độ để làm chủ vũ khí, khí tài, từ đó tai nạn xảy ra là điều tất yếu.

Chỉ trong vòng vài tháng đã mất 2 tiêm kích Su-27 hiện đại nhất khiến cho phi đội chiến đấu cơ hạng nặng Flanker của Không quân Ukraine chỉ còn vỏn vẹn 16 chiếc hoạt động được.

Thời gian tới chắc chắc các nhà máy hàng không của Ukraine sẽ vẫn tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phục hồi và bàn giao tiêm kích cho không quân, nhưng rõ ràng việc đào tạo phi công vào lúc này có vẻ như cấp thiết hơn.

Ngoài Su-27, Không quân Ukraine còn một dòng tiêm kích khác cũng rất đáng lưu tâm đó là MiG-29MU1 cũng mới được họ tái triển khai sau thời gian dài lưu kho.

Tính năng của Su-27UBM1 hay MiG-29MU1 của Ukraine theo đánh giá thì chẳng thua kém gì Su-27SM và MiG-29SMT của Nga, nhưng chất lượng phi công điều khiển thì cách biệt "một trời một vực".

Nếu xảy ra chiến tranh, các phi công Ukraine khó lòng đánh bại nổi những "đồng nghiệp" bên kia chiến tuyến, bởi chênh lệch về điều kiện tác chiến là quá rõ.

Đây là thực trạng vô cùng đáng tiếc đối với một đất nước từng là cường quốc quân sự và hạt nhân đứng trong tốp đầu thế giới những năm đầu thập niên 1990.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-tiet-lo-nguyen-nhan-khong-ngo-khien-tiem-kich-su27-ukraine-gap-nan/793615.antd