Tiết lộ sốc về vụ F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi L-39 Syria: Quá nhanh, quá nguy hiểm!

Thời gian tính từ khi chiếc máy bay chỉ huy, cảnh bảo sớm của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện ra chiếc L-39 của Không quân Syria, đến khi chiếc F-16 phóng tên lửa bắn hạ, chỉ cần mất 5 phút; thực tế chiến tranh hiện đại rất tàn khốc.

Mấy ngày gần đây, tình hình trên chiến trường Syria diễn ra vô cùng khốc liệt. Ngày 3/3, một máy bay huấn luyện L-39 của Không quân Syria đã bị một máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ; đây là chiếc máy bay chiến đấu thứ 3 của Syria bị Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chỉ trong vòng 3 ngày; vậy chuyện gì đã xảy ra với không quân Syria?

Việc Không quân Syria phải đưa máy bay huấn luyện L-39 đến chiến tuyến phía trước, như vậy có thể khẳng định, không quân nước này đang ở trong tình trạng thiếu máy bay chiến đấu trầm trọng; những phi công lái máy bay này, cũng hiểu mối nguy hiểm rình rập từ lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ với máy bay cảnh báo sớm và máy bay chiến đấu siêu thanh F-16, mang tên lửa tiến công ngoài tầm nhìn AIM-120.

Trước khi cuộc nội chiến Syria bùng nổ vào năm 2011, không quân Syria có hơn 800 máy bay chiến đấu các loại, trong đó chủ yếu là các loại MiG-29, Su-24, MiG-21, MiG-25; nhưng sau 9 năm nội chiến, ngoài khoảng 40 máy bay chiến đấu MiG-29 còn khả năng chiến đấu; số máy bay còn lại chỉ có thể được sử dụng để chống khủng bố và lực lượng nổi dậy có khả năng phòng không yếu.

Nếu không quân Syria sử dụng những máy bay trên để so găng tay đôi với không quân Thổ Nhĩ Kỳ, được trang bị F-16, tên lửa tiến công ngoài tầm nhìn và được sự trợ giúp của máy bay chỉ huy, cảnh báo sớm trên không (AWACS), thì ngoài số MiG-29 có thể có cơ hội giành chiến thắng, số còn lại chỉ để không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn tập.

Tuy nhiên số máy bay MiG-29 còn phải để bảo vệ vùng trời thủ đô của Syria trước các cuộc tiến công của không quân Israel, nên không để điều ra mặt trận; do tình trạng nội chiến kéo dài và lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc, Syria đã không thể mua được máy bay chiến đấu tiên tiến; vì vậy, họ phải sử dụng cả máy bay L-39 cho mục đích huấn luyện dùng vào chiến đấu cũng là điều dễ hiểu.

Với 2 trận không chiến ngày 1 và 3/3 vừa qua, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng chiến thuật dùng máy bay cảnh báo sớm, kiểm soát chặt chẽ không phận tỉnh Idlib 24/24 giờ; sẵn sàng phát hiện, chỉ huy các phi đội F-16 mang tên lửa tiến công ngoài tầm nhìn AIM-120 đang trực chiến xuất kích.

Thành phố tỉnh lỵ Idlib, chỉ cách biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hơn 10 km, máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ cần bay trong vài phút. Về lý thuyết, chỉ cần một khoảng thời gian rất nhỏ là máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ có thể “khóa chết” máy bay chiến đấu của không quân Syria.

Khi máy bay huấn luyện L-39 của Không quân Syria vừa cất cánh khỏi sân bay, nó đã bị máy bay cảnh báo sớm của Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện và chuyển thông tin liên quan cho hai máy bay chiến đấu F-16 đang làm nhiệm vụ ở khu vực lân cận. Hai máy bay chiến đấu F-16 không mở radar, sử dụng thông tin dẫn đường từ máy bay cảnh báo sớm, nhanh chóng tiếp cận chiếc L-39. Lúc này, phi công chiếc L-39 không hề biết gì về mối nguy hiểm đang tiếp cận máy bay của anh ta.

Khi tốp 2 chiếc F-16 tiếp cận tầm bắn hiệu quả của tên lửa không đối không AIM-120C (khoảng 50 km), một radar điều khiển hỏa lực của chiếc F-16 đã được bật, và chiếc L-39 xấu số đã bị “khóa chết” ngay lập tức, một tên lửa từ chiếc F-16 được bắn ra; với tốc độ của tên lửa AIM-120C, chiếc L-39 khó có cơ hội để chạy thoát.

Sau khi nhận được thông tin cảnh báo, bị khóa bởi radar điều khiển hỏa lực của chiếc F-16, phi công chiếc L-39 đã nhanh chóng tăng hết tốc lực, để thoát khỏi mối nguy hiểm của tên lửa đang lao tới; tuy nhiên với tốc độ cận âm, chiếc L-39 không thể thoát khỏi sự truy đuổi của quả tên lửa AIM-120C đang bay ở tốc độ Mach 4 trong vài giây.

Giải pháp có thể của phi công chiếc L-39, đó là ấn nút phóng dù, thoát khỏi buồng lái chiếc máy bay, trước khi nó nổ tung trên không. Phi công của chiếc L-39 xấu số bị phiến quân bắt giữ và sau đó bị giết; mặc dù bị bắn hạ, nhưng anh ta không nhìn thấy bóng dáng máy bay của đối phương.

Trong trường hợp bình thường, để nâng cao xác suất bắn trúng máy bay của đối phương, phi công F-16 sẽ phóng hai tên lửa để tấn công một mục tiêu; nhưng để đối phó với một máy bay dùng cho mục đích huấn luyện, có sức cơ động hạn chế như chiếc L-39 trên, nên chỉ cần một tên lửa có thể tiêu diệt được mục tiêu.

Khi chiếc L-39 đối mặt với một cuộc tấn công bất ngờ từ chiếc chiến đấu cơ F-16, được sự hỗ trợ của máy bay cảnh báo sớm, sẽ không có cơ hội trốn thoát; tính từ khi chiếc AWACS phát hiện ra chiếc L-39 đến khi chiếc F-16 phóng tên lửa bắn hạ chỉ cần mất 5 phút; có thể bạn không tin, nhưng thực tế chiến tranh hiện đại rất tàn khốc.

Video Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ hai máy bay Syria - Nguồn: Sputnik Vietnam

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/tiet-lo-soc-ve-vu-f-16-tho-nhi-ky-ban-roi-l-39-syria-qua-nhanh-qua-nguy-hiem-1350620.html