Tiết lộ 'sốc' việc tàu ngầm Mỹ, Trung Quốc nằm bờ dài hạn

Chỉ hai trong số bốn tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc đang hoạt động, một phân tích mới nhận định. Trong khi đó, Mỹ đang phải chi hàng tỷ USD mỗi năm chỉ để duy trì các con tàu ngầm chờ sửa chữa, nâng cấp, trong khi các xưởng đóng tàu quá tải trầm trọng.

Một tàu ngầm của hải quân Trung Quốc

Một tàu ngầm của hải quân Trung Quốc

Các bức ảnh chụp xưởng đóng tàu Bột Hải và Khu phức hợp hải quân Long Bà cho thấy Trung Quốc có nhiều tàu ngầm hạt nhân tấn công đang được phát triển nếu so với các nhận định trước đó của giới chức Mỹ, tờ báo chuyên về quân sự Defense One nói.

Bản tin nói rằng có thêm một con tàu ngầm đang được xây dựng mà trước đó Lầu Năm Góc chưa hề biết đến.

Tuy nhiên, trên thực tế, số tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc đang hoạt động ít hơn con số mà Bộ Quốc phòng Mỹ và Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) đưa ra, theo bản tin.
CSIS và Lầu Năm Góc ước tính số tàu ngầm lớp Tấn (094) của Trung Quốc đang hoạt động là 4 chiếc. Tuy nhiên, theo chuyên gia Catherine Dill thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ), 2 trong số này có vẻ không hoạt động.

Báo cáo 2018 của Bộ Quốc phòng Mỹ về quân đội Trung Quốc, cũng như báo cáo của CSIS về sức mạnh quân sự Trung Quốc đều nói rằng có 4 chiếc thuộc lớp tàu 094 đang hoạt động.

Trong khi đó, lực lượng tàu ngầm hạt nhân Nga có 9 chiếc “thường xuyên tuần tra biển”, bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói hồi tháng 5/2017, theo tường thuật của Sputnik. “Hải quân Nga cũng đã lên kế hoạch gia tăng số lượng các tàu ngầm hạt nhân chiến lược lên con số 13, bao gồm 7 tàu lớp Borey trang bị các tên lửa Bulava," ông Shoigu nói.

Mỹ có 14 tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio, tương đương các tàu lớp Borey của Nga và tàu lớp 094 của Trung Quốc.

Tuy nhiên, những trì hoãn trong công tác hậu cần đã khiến việc sửa chữa tàu ngầm tấn công của hải quân Mỹ gặp trục trặc, cho dù họ đã chi ra tới 1,5 tỷ USD.

Một tàu ngầm tấn công nhanh lớp Los-Angeles của Hải quân Mỹ (Sputnik)

USS Boise, một tàu tấn công nhanh lớp Los Angeles, theo kế hoạch được đưa vào xưởng để sửa chữa, nâng cấp tổng thể từ năm 2013, theo báo cáo của Cơ quan Kiểm toán chính phủ Mỹ (GAO). Tuy nhiên, do các xưởng sửa chữa bị quá tải nặng nề và hậu quả là cho tới năm 2016, tàu USS Boise vẫn “ở không”, hoàn toàn chưa được thực hiện một hạng mục sửa chữa nào, theo báo cáo hôm thứ Hai vừa rồi của GAO.

Và trong hai năm qua, mặc dù tàu USS Boise đã vào neo đậu tại cảng, nó vẫn chưa được sờ mó đến trong khi công nhân đang bận bịu với các đơn hàng khác. GAO ước tính “kể từ năm tài chính 2008, Hải quân Mỹ đã phải chi 1,5 tỷ USD mỗi năm để duy trì các tàu ngầm nằm bờ, không thể hoạt động”.

“Hải quân đã bắt đầu giải quyết các thách thức liên quan đến việc thiếu hụt nhân lực và vật lực cần thiết tại các xưởng sửa chữa. Tuy nhiên, họ đã không hoạch định phù hợp và hiệu quả công việc sửa chữa, bảo dưỡng hay nâng cấp giữa các cơ sở công và tư để có thể giảm thiểu thời gian nằm bờ của các tàu ngầm tấn công”.

Anh Minh

Sputnik, Defense One

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/tiet-lo-soc-viec-tau-ngam-my-trung-quoc-nam-bo-dai-han-1347888.tpo