Tiểu buốt, không cẩn thận bạn đang mắc phải căn bệnh nguy hiểm này?

Sốt cao, tiểu buốt nhưng chủ quan không đi khám mà tự ý mua thuốc điều trị, nữ bệnh nhân không nghĩ mình bị mắc phải căn bệnh nguy hiểm này?.

Sốt cao,tiểu buốt nhưng bệnh nhân B.T.H, 22 tuổi ở Hòa Bình chủ quan không đi tái khám và tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Theo lời kể của bệnh nhân, khoảng một tuần trước khi vào viện bị sốt cao, rét run, đau tức hố thắt lưng phải lan xuống hạ vị phải, tiểu buốt, tiểu rắt. Bệnh nhân H đã vào một cơ sở y tế khám và được kê đơn thuốc uống trong 5 ngày nhưng hết một ngày, tình trạng nặng hơn kèm theo đau đầu, buồn nôn nên chị đến viện bệnh viện khám lại. Tại đây, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị viêm bể thận do Ecoli.

Do tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị, bệnh nhân H có tình trạng kháng kháng sinh, khiến vi khuẩn nhờn thuốc với nhiều loại kháng sinh làm việc điều trị khó khăn hơn. Sau khi được các bác sĩ kê đơn điều trị, bệnh nhân đã giảm sốt, thời điểm sốt cao là 38,5 độ C (trước kia là 40 độ C), đã giảm tiểu rắt, tiểu buốt, đỡ mệt.

Việc tự ý điều trị viêm bể thận sẽ gây nhiều tác hại. ảnh minh họa

Việc tự ý điều trị viêm bể thận sẽ gây nhiều tác hại. ảnh minh họa

BS.CKI Bùi Văn Hải - Chuyên khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện đa khoa Medlatec) cho biết, người bị bệnh viêm bể thận thường có biểu điển hình như môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, sốt cao (39-40 độ C), rét run. Đau vùng góc sườn lưng (góc xương sườn và cột sống thắt lưng), đau nhói vùng hố thắt lưng khi nắn, đôi khi sờ thấy thận to, tức vùng bàng quang. Ngoài ra, người bệnh có dấu hiệu tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu khó, nước tiểu đục, có khi tiểu mủ hoặc thậm chí có máu, tái đi tái lại nhiều lần.

Theo các chuyên gia, nếu không được phát hiện và xử trí điều trị kịp thời viêm thận – bể thận mãn có thể dẫn đến suy thận mãn và tử vong. Thường sau khi điều trị, bệnh nhân khỏi hoàn toàn và không có di chứng, xét nghiệm nước tiểu hết bạch cầu sau 3 - 5 ngày. Một tuần sau, bệnh nhân có thể được ra viện.

Trường hợp phụ nữ mang thai bị viêm thận – bể thận càng nguy hiểm hơn. Khoảng 4 - 6% phụ nữ mang thai bị viêm tiết niệu, trong đó có 40 – 50% bị viêm thận – bể thận. Bệnh lý này nguy cơ cao đe dọa sức khỏe của cả mẹ lẫn thai nhi. Quá trình mang thai, sự phát triển của thai nhi cũng bị ảnh hưởng dẫn tới nguy cơ sinh non cao, thậm chí tử vong sơ sinh.

Đây là bệnh do nhiễm khuẩn, để phòng tránh bệnh các chuyên gia tiết niệu khuyên việc vệ sinh thân thể, nhất là vệ sinh ở bộ phận sinh dục rất quan trọng. Mọi người cần chú ý uống nhiều nước có thể giúp loại bỏ vi khuẩn ra khỏi cơ thể khi đi tiểu. Đặc biệt với những người có tiền sử viêm tiết niệu, sinh đẻ nhiều lần cần chú ý khám thai định kỳ hoặc khám ngay nếu thấy bất thường như tiểu ít, đái buốt, đái rắt, người mệt mỏi, hoa mắt, đau đầu… Khi phát hiện bị bệnh cần điều trị và theo dõi tại bệnh viện.

BS.CKI Bùi Văn Hải khuyến cáo, đặc biệt là người dân không nên tự ý mua thuốc điều trị bệnh tại nhà. Điều này dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh, khiến vi khuẩn nhờn thuốc với nhiều loại kháng sinh làm việc điều trị khó khăn hơn. Khi thấy cơ thể có biểu hiện bất thường cần đến khám ngay cơ sở y tế uy tín để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Kháng kháng sinh đang gia tăng mức độ nguy hiểm ở tất cả các nơi trên thế giới, ảnh hưởng đến khả năng điều trị các bệnh nhiễm trùng làm suy yếu sức khỏe, vô hiệu tác dụng thuốc điều trị.

P.Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/tieu-buot-khong-can-than-ban-dang-mac-phai-can-benh-nguy-hiem-nay-20190314123249121.htm