Tiêu chí và minh chứng để xét thi đua, khen thưởng, giáo viên nên biết

Việc xét thi đua, khen thưởng sẽ được thực hiện trong một vài tuần tới nên các thầy cô cần nắm để đề nghị những danh hiệu tương ứng với thành tích đạt được.

Thông thường, sau khi xét loại viên chức, chuẩn nghề nghiệp giáo viên thì các trường các trường học sẽ tiến hành xét, đề nghị danh hiệu thi đua, hình thức thi đua đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên và các danh hiệu tập thể (tổ chuyên môn, nhà trường.

Đối với năm học 2023-2024 này, có nhiều điểm mới trong xét thi đua cá nhân và các trường sẽ căn cứ vào một số văn bản hướng dẫn, đó là: Luật thi đua khen thưởng năm 2022; Nghị định số 98/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi đua khen thưởng 2022; Thông tư số 29/TT-BGDĐT ngày 29/12/ 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng đối với ngành Giáo dục ; một số văn bản hướng dẫn của Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện; sở, phòng giáo dục…

Theo đó, đối với cá nhân sẽ có những danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng khác nhau. Tuy nhiên, những tiêu chí và minh chứng cho danh hiệu thi đua và hình thức thi đua được hướng dẫn trong các văn bản gần đây không phải giáo viên nào cũng tường tận.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Tiêu chí và minh chứng xét danh hiệu thi đua cá nhân

Đối với danh hiệu Lao động tiên tiến thì viên chức ở các trường học cần đạt 2 tiêu chí cơ bản: Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; có tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua. Danh hiệu này chưa cần hồ sơ minh chứng và thường là viên chức không có vi phạm nào sẽ được xét và đề nghị.

Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở thì viên chức phải đạt được 3 tiêu chí cơ bản, đó là: Đạt tiêu chuẩn danh hiệu Lao động tiên tiến; Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu;

Tỷ lệ phiếu đồng ý của Hội đồng thi đua khen thưởng từ 80% trở lên tính trên tổng số thành viên của Hội đồng (nếu thành viên Hội đồng vắng mặt thì lấy ý kiến bằng văn bản và được thể hiện trong Biên bản họp bình xét danh hiệu thi đua, Biên bản xét khen thưởng (Khoản 7 Điều 30 NĐ số 98/2023/NĐ-CP).

Hồ sơ minh chứng đối với danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở gồm có: Văn bản công nhận sáng kiến/Giấy chứng nhận sáng kiến của cá nhân Ủy ban nhân huyện, trường (tùy cấp học); Kết quả phân loại công chức, viên chức theo thẩm quyền; Biên bản họp.

Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh sẽ có 2 tiêu chí sau: Có thành tích xuất sắc tiêu biểu được lựa chọn trong số những cá nhân đã có 3 lần liên tục được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; Có sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả và có khả năng nhân rộng trong tỉnh hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả, có phạm vi ảnh hưởng trong tỉnh.

Hồ sơ minh chứng bao gồm: 3 văn bản công nhận Chiến sĩ thi đua cơ sở; Sáng kiến được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận (thẩm định lại các sáng kiến do Ủy ban nhân dân huyện/ trường Trung học phổ thông công nhận).

Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc thì viên chức cần đạt các tiêu chí: Có thành tích xuất sắc tiêu biểu được lựa chọn trong số những cá nhân có 02 lần liên tục được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua tỉnh;

Có sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả và có khả năng nhân rộng trong toàn quốc hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả, có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc. Thời điểm đề nghị xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc là năm liền kề với năm có quyết định công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Hồ sơ minh chứng cho danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở toàn quốc bao gồm: 02 chứng nhận Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và 6 Chiến sĩ thi đua cơ sở. Sáng kiến kinh nghiệm sẽ được thẩm định lại trên cơ sở các sáng kiến do Ủy ban nhân dân huyện, trường công nhận. Hội đồng Khoa học, xét duyệt sáng kiến của tỉnh sẽ thẩm định theo Quy chế hoạt động của Hội đồng xét duyệt sáng kiến cấp tỉnh.

Chính vì tiêu chí được quy định rõ ràng và có phần khó khăn như vậy nên chỉ có danh hiệu Lao động tiên tiến và Chiến sĩ thi đua cơ sở là viên cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường dễ phấn đấu.

Các danh hiệu cao hơn, như Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; Chiến sĩ thi đua toàn quốc rất khó đạt được vì yêu cầu sáng kiến và phải đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua nhiều năm liên tục. Trong khi, nhiệm vụ của giáo viên trong từng năm sẽ có những khó khăn khác nhau và không dễ có được những thành tích liên tục ở nhiều năm liên tục.

Hình thức khen thưởng dành cho cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường

Khen thưởng cá nhân có nhiều hình thức khen thưởng khác nhau và gắn liền với việc viên chức phải có nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt giải.

Đối với Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) phải đạt các tiêu chí sau: Cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

Có 02 lần liên tục được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc có liên tục từ 02 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cơ sở hoặc có 02 đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cơ sở.

Hồ sơ minh chứng cho Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) bao gồm: Kết quả đánh giá, phân loại công chức, viên chức theo quy định. Sáng kiến do Ủy ban nhân dân huyện (trường Trung học phổ thông) công nhận và chưa được sử dụng đề xét các thành tích khác.

Đối với Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tiêu chí được hướng dẫn cụ thể cho từng đối tượng.

Cán bộ quản lý: Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập thể do cá nhân lãnh đạo, quản lý phải có Phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả; có nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và các hoạt động giáo dục, được tập thể ghi nhận; đoàn kết, dân chủ, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ.

Nhà giáo: Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo trong việc chăm sóc, giáo dục, giảng dạy, nghiên cứu khoa học; tích cực học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, được tập thể ghi nhận

Nhân viên: Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có giải pháp đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đạt hiệu quả thiết thực, được tập thể ghi nhận. Đặc biệt, số lượng đề nghị thông thường rất ít. Thông thường, mỗi Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ được đề nghị 3-4 cá nhân mà thôi.

Những cá nhân được đề nghị khen thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ phải đạt các tiêu chí sau: Cá nhân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Đã được tặng bằng khen của tỉnh và có liên tục từ 05 năm trở lên đến thời điểm đề nghị được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong thời gian đó có 03 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.

Hồ sơ minh chứng bao gồm: Bằng khen hoặc Quyết định khen thưởng của Ủy ban nhân dân tỉnh; 5 minh chứng về kết quả phân loại Công chức, viên chức; 03 chứng nhận Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Ngoài những hình thức khen thưởng trên, cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường còn có thể được khen thưởng ở một số hình thức khác, như: Huân chương lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất.

Tuy nhiên, mức độ khó càng cao hơn và phải thực sự xuất sắc thì giáo viên ở các nhà trường mới có thể đạt được. Đối với hình thức khen thưởng, viên chức thường phấn đấu để đạt được Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh và một số ít giáo viên đạt được Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà thôi.

Trên đây là những tiêu chí và minh chứng cho các danh hiệu thi đua; hình thức khen thưởng đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các trường học được áp dụng kể từ năm học 2023-2024 này.

Việc xét thi đua, khen thưởng ở các nhà trường sẽ được thực hiện trong một vài tuần tới đây. Vì thế, các thầy cô cần nắm để có thể đề nghị những danh hiệu thi đua, hình thức thi đua tương ứng mà bản thân đã đạt được trong năm học.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tieu-chi-va-minh-chung-de-xet-thi-dua-khen-thuong-giao-vien-nen-biet-post242666.gd