Tiêu chuẩn quốc gia với thịt mát: Cần thay đổi thói quen sử dụng

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa chính thức ban hành Quyết định công bố tiêu chuẩn quốc gia đối với thịt mát, đây là sự kiện quan trọng nhằm giúp ngành chăn nuôi cũng như các doanh nghiệp có đủ điều kiện tiến tới xuất khẩu thịt lợn. Thuận lợi cho việc xuất khẩu là vậy, tuy nhiên nhiều câu hỏi đặt ra rằng, liệu tiêu chuẩn mới này sẽ giúp thay đổi thói quen người tiêu dùng Việt về thịt mát?.

Người tiêu dùng có quan tâm đến thịt mát?

Đối với các nước trên thế giới, thịt mát là một khái niệm không quá xa lạ. Tuy nhiên, ở Việt Nam đây là một trong những khái niệm còn rất mới, bởi hầu hết người tiêu dùng vẫn còn có thói quen sử dụng thịt tươi sống. Thậm chí, đề cập đến thịt mát nhiều người cho rằng đó là sản phẩm thịt ươn, thiu, không đảm bảo chất lượng và không tươi ngon…

Tiêu chuẩn về thịt mát giúp ngành chăn nuôi và doanh nghiệp thuận lợi hơn trong vấn đề xuất khẩu.

Để có cái nhìn chính xác hơn về thói quen tiêu dùng của người Việt, chúng tôi có cuộc khảo sát nhanh tại một số chợ dân sinh, điều dễ dàng nhận thấy nhất đó chính là việc khái niệm về thịt mát hầu như không người tiêu dùng nào nắm rõ. Trong khi đó, thịt tươi sống luôn là lựa chọn đầu tiên.

Chị Nguyễn Thị Tâm ở đường Kẻ Vẽ (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, mặc dù thường xuyên mua sắm ở các trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tiện ích. Tuy nhiên, rất ít khi tôi lựa chọn thịt đông lạnh để sử dụng. Một phần là do nhà tôi gần chợ, muốn sản phẩm tươi sống thì chỉ đi bộ vài bước chân là có thể mua được, mặt khác tôi không tin tưởng lắm vào các sản phẩm đông lạnh. Vì thế, nó rất ít khi là lựa chọn hàng đầu của tôi.

Cùng chung quan điểm với chị Tâm, chị Đặng Thị Dịu ở Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho rằng, chị vẫn thường giữ thói quen tìm đến chợ để mua sản phẩm tươi sống. “Tôi cũng hay sử dụng sản phẩm đông lạnh, nhưng chủ yếu các sản phẩm đó đều được tôi mua từ lúc tươi sống, sau đó mang về nhà chế biến sạch sẽ và để tủ lạnh dùng dần. Đối với sản phẩm đông lạnh ở siêu thị hay trung tâm thương mại thì rất ít khi tôi lựa chọn”, chị Dịu cho hay.

Đề cập đến khái niệm thịt mát và thịt nóng, ông Ngô Tiến Dũng, nguyên Phó Cục trưởng cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thực tế sản xuất và kinh doanh sản phẩm thịt trên thị trường Việt Nam hiện chỉ tồn tại hai dạng là thịt tươi (hay còn gọi thịt nóng) ngay sau khi giết mổ được đem đi tiêu thụ và thịt lạnh đông.

Thế nên, nhiều người không có hoặc đang hiểu sai khái niệm thịt mát, dẫn đến khó thay đổi thói quen tiêu dùng. Đây chính là rào cản lớn nhất dẫn đến việc khó khăn trong tiêu thụ các sản phẩm thịt mát.

Bước đột phá mới đối với ngành giết mổ

Thời gian qua, mặc dù ở Việt Nam đã có những tiêu chuẩn về thịt tươi, thịt muối…tuy nhiên, so với các tiêu chuẩn quốc tế thì thịt lợn Việt Nam vẫn chưa có được các tiêu chuẩn mà các nước trên thế giới đang áp dụng. Vì thế, việc xuất khẩu sản phẩm thịt lợn của Việt Nam ra thị trường thế giới gặp muôn vàn khó khăn. Trước những bất cập đó, việc Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định công bố tiêu chuẩn quốc gia với thịt mát là một trong những sự kiện quan trọng, qua đó, không chỉ giúp ngành chăn nuôi mà còn giúp doanh nghiệp có đủ điều kiện tiến tới xuất khẩu thịt lợn ra thị trường thế giới.

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, gần đây, có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ có quy mô lớn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, để đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu vẫn chưa có. Vì thế, việc Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định công bố tiêu chuẩn quốc gia đối với thịt mát là sự kiện quan trọng đối với ngành chăn nuôi.

Theo tiêu chuẩn quốc gia về thịt mát vừa được công bố, thì thân thịt lợn ngay sau khi giết mổ ở dạng nguyên con hoặc xẻ đôi trải qua quá trình làm mát bảo đảm tâm thịt ở phần thịt dày nhất đạt nhiệt độ từ 0 đến 4 độ C trong thời gian không quá 24 giờ sau giết mổ. Các dạng sản phẩm như cắt miếng hoặc xay được pha lọc thân thịt đã qua quá trình làm mát và thịt lợn mát phải được vận chuyển, bảo quản ở nhiệt độ từ 0 đến 4 độ C. Đặc biệt, trong quá trình chế biến và đóng gói, nhiệt độ sản phẩm thịt luôn được duy trì ở mức thấp hơn 7 độ C. Nhiệt độ phòng pha lọc và đóng gói luôn được duy trì dưới 12 độ C.

Đề cập đến tiêu chuẩn thịt mát, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng cho rằng, quá trình bảo quản này giúp ức chế hoạt động của hệ vi sinh vật trên miếng thịt, trong khi đó vẫn đảm bảo các quá trình sinh hóa của thân thịt (chết mềm, tê cứng, chín sinh hóa) diễn ra và đảm bảo miếng thịt tới tay người tiêu dùng ở trạng thái sinh hóa tốt nhất mà vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm.Cách thức sản xuất, bảo quản và kinh doanh dạng thịt lợn này đã phổ biến từ lâu và được chuẩn hóa trên thế giới...

“Việc ban hành bộ tiêu chuẩn quốc gia đối với thịt mát là bước đột phá cho ngành chăn nuôi, hệ thống giết mổ, chế biến của Việt Nam.Thịt mát là giải pháp khoa học, khi làm mát đúng quy trình sẽ làm giảm và kìm hãm toàn bộ vi sinh vật gây hại; đồng thời giúp cho thời gian lưu giữ thịt lớn hơn (7 ngày) mà không ảnh hưởng đến chất lượng”, ông Chinh nhấn mạnh.

Tiêu chuẩn về thịt mát đã có, ngành chăn nuôi cũng như các doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc hướng đến mục tiêu xuất khẩu thịt lợn Việt Nam ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi, khi nào người tiêu dùng Việt mới thay đổi thói quen và lựa chọn thịt mát một cách chủ động.

Trước câu hỏi này các chuyên gia kinh tế cho rằng, để thay đổi thói quen người tiêu dùng, bên cạnh việc các doanh nghiệp đảm bảo đúng các quy trình tiêu chuẩn, thì việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết nối cung cầu đóng vai trò hết sức quan trọng. Khi đó, thói quen người tiêu dùng chắc chắn sẽ có sự thay đổi và sản phẩm sạch, an toàn sẽ đến gần hơn với mâm cơm người dân.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tieu-chuan-quoc-gia-voi-thit-mat-can-thay-doi-thoi-quen-su-dung-82455.html