Tiêu điểm: Thiếu giáo viên vẫn phải tinh giản biên chế

Năm học 2022-2023, lớp 10 là khối đầu tiên của bậc THPT áp dụng chương trình GDPT mới với nhiều thay đổi, nhiều môn học mới như âm nhạc, mĩ thuật, hoạt động trải nghiệm, hoạt động hướng nghiệp. Việc bổ sung các môn học này giúp phát huy đa dạng năng lực của người học, không chỉ gò bó trong việc truyền thụ kiến thức của các môn khoa học cơ bản.

Dù mục tiêu lí tưởng như vậy, nhưng thực tế triển khai lại gặp nhiều khó khăn.

Âm nhạc, Mĩ thuật là 2 trong số các môn học mới với khối lớp 10. Tuy nhiên, vì không sẵn có giáo viên, nhiều trường phải hợp đồng với 1 giáo viên Âm nhạc dạy 2 tiết mỗi tuần, còn bộ môn Mĩ thuật hiện vẫn trống người dạy, chưa thể tổ chức học. Ghi nhận của phóng viên THQHVN.

Đây là tiết học Âm nhạc của các em lớp 10 trường THPT Trần Nguyên Hãn, Hải Phòng, cũng là lớp duy nhất được tổ chức học tập môn Âm nhạc của nhà trường. Dù phòng học chưa quá chuyên biệt, nhưng sự sôi nổi, hào hứng của tiết học vẫn mang theo một làn gió mới cho không khí học tập tại đây.

Những môn học mới giống như làn nước mát, dù tươi mới nhưng mới chỉ nhỏ giọt. Với nhiều trường, việc tổ chức thực hiện các môn học mới, các tổ hợp môn mới vẫn còn rất khó triển khai.

Mục tiêu chương trình học phổ thông là phân hóa, định hướng nghề nghiệp. Việc tổ chức thực hiện các môn học mới dù khó khăn nhưng cũng rất cần thiết để đảm bảo mục tiêu này, giúp các em phát huy thế mạnh, năng lực bản thân.

Trước thực trạng thiếu giáo viên để thực hiện chương trình GDPT mới, năm qua Bộ Nội vụ đã giao bổ sung gần 66 nghìn biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung gần 28 nghìn biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Vừa được giao thêm biên chế, ngành giáo dục vừa phải đối mặt với yêu cầu tinh giản biên chế 10% đến năm 2025. Điều này khiến bài toán giáo viên không thể giải quyết triệt để.

Trường tiểu học Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, là trường thuộc xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bình Phước, giống nhiều trường khác trên địa bàn đều đang thiếu giáo viên Tin học, nên phải nhờ sự hỗ trợ giảng dạy từ nơi khác.

Trong năm học vừa qua, Bình Phước thiếu gần 500 giáo viên và dự kiến đến năm 2026 sẽ thiếu hơn 3000 giáo viên. Nguyên nhân là do hiện tượng di dân tự do, quy mô dân cư tăng ngoài dự báo. Tuy nhiên, tỉnh vẫn phải tinh giản biên chế 10% theo lộ trình. Số biên chế được giao thêm trong năm qua còn ít hơn số biên chế Bình Phước phải cắt giảm trong 3 năm tới.

Tinh giản biên chế theo lộ trình không chỉ khiến cho Bình Phước mà nhiều địa phương đều đau đầu. Thậm chí với nhiều nơi, biên chế được giao thêm còn phải "để dành" cho lộ trình tinh giản sắp tới; khiến cho việc thực hiện các nhiệm vụ đổi mới giáo dục ngày càng khó khăn hơn vì thiếu giáo viên. Ngành giáo dục vẫn đang phải loay hoay trước thực trạng này.

Tinh giản biên chế là một mục tiêu lớn và được thực hiện ở mọi ngành nghề. Tuy nhiên đảm bảo phổ cập giáo dục, đảm bảo "ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên" cũng là một mục tiêu an sinh khác mà chúng ta không thể làm ngơ.

Rõ ràng dù là mục tiêu tinh giản biên chế, hay mục tiêu phổ cập giáo dục, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh cũng đều là những mục tiêu cấp thiết hiện nay. Cân đối giữa 2 mục tiêu này đòi hỏi các giải pháp, chính sách mang tính bền vững hơn từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Đây cũng là quan điểm của Bộ Nội vụ nêu ra khi làm việc với Đoàn giám sát chuyên đề về thực hiện đổi mới chương trình, đổi mới SGK.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Thực hiện : Phan Hằng Đỗ Minh Phúc Hân Như Huỳnh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tieu-diem-thieu-giao-vien-van-phai-tinh-gian-bien-che