Tiểu đoàn Bình Ca: Ra đi, hẹn một ngày về

Tiểu đoàn Bình Ca được vinh dự thực hiện lời thề 'Ra đi, hẹn một ngày về' của Trung đoàn Thủ đô khi rút qua sông Hồng lên chiến khu tháng 2/1947. Ngày về giải phóng, Hà Nội rợp trời sắc đỏ cờ hoa, đèn trên phố vẫn sáng, tiếng tàu điện leng keng, nhà máy nước vẫn hoạt động, các trọng điểm được bảo vệ an toàn tuyệt đối...

Bình Ca, tên một bến nước trên sông Lô bỗng dưng thành phiên hiệu một đơn vị quân đội: Tiểu đoàn Bình Ca. Mang tên ấy là vì Tiểu đoàn 42, Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn 308 đã lập những chiến công đầu tiên trên dòng sông Lô lịch sử.

Nhà tù Hỏa Lò, một trong những vị trí trọng yếu của Thủ đô, được Tiểu đoàn Bình Ca tiếp quản

Nhà tù Hỏa Lò, một trong những vị trí trọng yếu của Thủ đô, được Tiểu đoàn Bình Ca tiếp quản

Sau thất bại tại Điện Biên Phủ (7/5/1954), thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trung tuần tháng 9/1954, Hội nghị Ủy ban Liên hiệp đình chiến ở Phù Lỗ bàn đến việc chuyển giao Hà Nội. Ngày 30/9/1954, Việt Nam và Pháp ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự và trật tự.

Ngày 2/10/1954, ký tiếp Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính. Những ngày đầu tháng 10/1954, thực hiện hiệp định chuyển giao Hà Nội, 422 cán bộ thuộc Đội Hành chính và 158 chiến sĩ công an thuộc Đội Trật tự cùng quân Pháp tiến hành bàn giao từng cơ quan, công sở, công trình công cộng.

Ngày 8/10/1954, đúng 80 ngày sau khi ký kết Hiệp định Geneve, Tiểu đoàn Bình Ca, dưới danh nghĩa một đơn vị cảnh vệ, là đơn vị bộ đội đầu tiên tiến vào Hà Nội tiếp quản 35 vị trí có quân Pháp chiếm đóng. Ngày 9/10/1954, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Hà Nội. Quân Pháp rút đến đâu, quân ta tiếp quản đến đấy. Đến 16h30 ngày 9/10/1954, quân Pháp rút hết qua cầu Long Biên. Ngày 10/10/1954, đại quân ta tiến vào trong sự đón tiếp tưng bừng của nhân dân Hà Nội. Đó là quá trình tiếp quản Thủ đô.

Sự kiện Tiểu đoàn Bình Ca có vinh dự là đơn vị bộ đội đầu tiên vào tiếp quản Thủ đô là một sự trùng hợp lịch sử hiếm thấy, vì đó chính là đơn vị đầu tiên được lệnh rút ra khỏi Thủ đô hồi đầu kháng chiến toàn quốc. Tiểu đoàn Bình Ca là đơn vị đầu tiên thực hiện lời thề của các chiến sĩ Thủ đô “Ra đi, hẹn một ngày về”.

Tiểu đoàn Bình Ca tiến về tiếp quản Thủ đô (ảnh Tư liệu)

Trước khi vào Hà Nội, các chiến sĩ đã được quán triệt nhiệm vụ là: Tiếp nhận sự bàn giao các vị trí đóng quân của Pháp; bảo vệ và làm hậu thuẫn cho các cơ sở cách mạng và nhân dân đấu tranh chống địch khủng bố, cướp bóc, phá hoại; bảo đảm an toàn cho Đại đoàn vào tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954; bảo đảm đời sống bình thường của Thủ đô, đặc biệt là điện và nước.

Tiểu đoàn chọn 215 người, trong số hơn 400 cán bộ chiến sĩ, chia làm 35 tổ vào tiếp quản 35 vị trí có quân Pháp chiếm đóng. Mỗi tổ có ít nhất 3 người, 2 tổ vào tiếp quản Nhà máy nước và điện, mỗi tổ 13 người do đại đội trưởng và chính trị viên đại đội chủ công 261 chỉ huy.

Năm 1947, trong Chiến dịch Việt Bắc 1947, bến Bình Ca là nơi Trung đoàn Thủ Đô đã mai phục đánh quân Pháp hành quân đổ bộ trên sông Lô, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Bến Bình Ca và trận đánh này đã được nhắc đến trong bài hát Trường ca sông Lô của nhạc sĩ Văn Cao.

Kể về trận đánh tại đây, Phạm Duy đã viết trong hồi ký của ông như sau: "... Khi mấy chiếc tàu L.S.T. chở lính Pháp chạy tới bến Bình Ca thì người lính Vệ quốc quân nằm trực sẵn ở trên bờ, chỉ cách tàu địch có khoảng 15 thước, nhắm bắn mục tiêu bằng cách nhìn qua lỗ súng rồi lắp đạn vào, giật giây nổ. Lúc đó có ai biết tính tọa độ hay cự ly ra sao đâu?

Ở mỗi một ổ phục kích, chỉ cần bắn 1 hay 2 quả đạn vào 1 hay 2 chiếc tàu đổ bộ, thế là đủ thắng trận rồi. Bắn xong là khiêng súng chạy lên chạy xuống dọc theo con sông để rồi lại nằm ở từng khúc sông, lắp đạn bắn vào những chiếc tàu khác hoặc để giáp trận với những toán quân địch đã leo được lên bờ.

Một tiểu đoàn Vệ Quốc Quân gần như nhịn ăn, nhịn uống, nhịn ngủ, đánh giặc ba bốn ngày đêm không ngưng nghỉ, trong đoàn quân không có một ai sợ chết, và rất lạ lùng là cũng không một ai bị hi sinh cả. Chỉ có một anh bị thương xoàng ở chân mà thôi...".

Sau chiến dịch, cái tên Bình Ca được đặt cho Tiểu đoàn 42, Trung đoàn Thủ đô.

Các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca đã tiếp quản một số vị trí trọng yếu của Thủ đô như: Phủ Thủ hiến Bắc Việt nay là Nhà khách Chính phủ ở số 12 phố Ngô Quyền, đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia; Nha Tài chính nay là trụ sở Bộ Ngoại giao ở số 1 phố Tôn Thất Đàm; đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia; Nhà tù Hỏa Lò nay là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, ở số 1 phố Hỏa Lò, địa điểm thu hút đông du khách trong nước và quốc tế đến tham quan; Tòa án Hà Nội nay là Tòa án nhân dân tối cao ở số 48 phố Lý Thường Kiệt; Ga Hàng Cỏ nay là Ga Hà Nội ở số 120 đường Lê Duẩn là một trong những ga đầu mối lớn nhất của ngành Đường sắt Việt Nam; Ty Cảnh sát thành phố nay là trụ sở của Công an quận Hoàn Kiếm ở số 2 phố Tràng Thi…

Hai ngày cùng canh gác chung với quân Pháp, Tiểu đoàn Bình Ca đã giữ nguyên vẹn 35 địa điểm an toàn. Đó là 2 ngày căng thẳng và không ít người bị đói, nhưng tiểu đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “tiễn” quân Pháp đi, đón Đại đoàn vào tiếp quản Thủ đô. Đúng 5h ngày 10/10/1954, lệnh giới nghiêm vừa hết, cả thành phố náo nhiệt hẳn lên. Nhà nhà mở cửa đón chào ngày mới, ngày Giải phóng Thủ đô.

Phố xá trang điểm thêm bằng cờ, biểu ngữ, trang trí thêm cổng chào. Người người mặc quần áo đẹp, đường phố sạch sẽ tinh tươm đón đoàn quân chiến thắng trở về. Khoảng 8h, các đơn vị trong Đại đoàn 308 quân phục chỉnh tề, huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cài trên ngực áo trở về trong lòng nhân dân Hà Nội, giữa một rừng cờ hoa trong sự đón mừng nồng nhiệt của đồng bào...

Tiểu đoàn Bình Ca được vinh dự thực hiện lời thề “Ra đi, hẹn một ngày về” của Trung đoàn Thủ đô khi rút qua sông Hồng lên chiến khu tháng 2/1947. Ngày về giải phóng, Hà Nội rợp trời sắc đỏ cờ hoa, đèn trên phố vẫn sáng, tiếng tàu điện leng keng, nhà máy nước vẫn hoạt động, các trọng điểm được bảo vệ an toàn tuyệt đối...

Đó là kỷ niệm khó quên của những người lính trong Tiểu đoàn Bình Ca đã góp phần bảo vệ vẹn nguyên thành phố, một chiến công thầm lặng trong những ngày tiếp quản Thủ đô.

H.Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tieu-doan-binh-ca-ra-di-hen-mot-ngay-ve-97679.html