Tiểu đội trưởng: Trách nhiệm và nỗi niềm-Bài 2: Vai trò 'anh cả' và những cái khó

Tiểu đội trưởng được ví là 'anh cả' của tiểu đội, trực tiếp chỉ huy từ 8 đến 10 chiến sĩ. Phẩm chất, năng lực, uy tín, đặc biệt, sự nêu gương, thương yêu, giúp đỡ chiến sĩ của đội ngũ tiểu đội trưởng có vai trò quan trọng để các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thực tế cho thấy, đại đa số tiểu đội trưởng đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm. Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề cần quan tâm giải quyết.

Nhiều “cùng” với chiến sĩ

Đó là thực tế của các tiểu đội trưởng, như: Cùng ăn, cùng ở, cùng ngủ, cùng làm, cùng rèn luyện, cùng chơi, cùng thi đua, cùng chia sẻ, cùng thấu hiểu... Đặc biệt, cùng tuổi đời, tuổi quân với chiến sĩ là đặc điểm ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ “đầu binh, cuối cán”.

Chúng tôi đến Trung đoàn 141 và Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) để tìm hiểu về việc đội ngũ tiểu đội trưởng đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình ra sao. Ở Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141, Trung sĩ Nguyễn Quốc Quang (sinh năm 1997), Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, Trung đội 2, Đại đội 5 được chiến sĩ nhắc đến như anh “Chánh Văn” của Tiểu đội. Bởi Trung sĩ Nguyễn Quốc Quang không chỉ luôn gương mẫu, sát cánh cùng chiến sĩ trong mọi công việc mà còn rất gần gũi, tâm lý, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ với chiến sĩ. Từ trước khi đón chiến sĩ nhập ngũ năm 2023 về đơn vị, hầu như đêm nào Tiểu đội trưởng Quang cũng thức khuya, cùng cán bộ Trung đội chuẩn bị vật chất, mô hình học cụ và điều kiện ăn ở, học tập tốt nhất cho chiến sĩ mới. Tiểu đội trưởng Quang coi chiến sĩ mới là đồng đội thân thiết, như người em trong nhà.

Tiểu đội trưởng Trần Văn Dũng (ngoài cùng, bên trái) cùng chiến sĩ Tiểu đội 8, Trung đội 6, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 141, Sư đoàn 312) thu hoạch rau. Ảnh: ĐÔNG ANH

Nhớ lại lúc mới nhập ngũ được Tiểu đội trưởng Nguyễn Quốc Quang hết lòng giúp đỡ, Binh nhì Đặng Minh Tùng vẫn chưa hết xúc động. Khi đó, Tùng rất nhớ nhà và vô cùng bỡ ngỡ, lúng túng vì lúc ở nhà hầu như chưa phải làm việc gì. Bị đồng đội phê bình, Đặng Minh Tùng buồn chán. Phát hiện điều đó, Tiểu đội trưởng Nguyễn Quốc Quang chủ động tìm hiểu, nắm hoàn cảnh, sở trường, sở đoản, tâm tư... và tranh thủ lúc rảnh rỗi gọi chiến sĩ Tùng ra ghế đá để tâm sự, động viên. Tiểu đội trưởng Quang kể cho Tùng nghe về hoàn cảnh gia đình, về những khó khăn của mình những ngày đầu quân ngũ... Từ đó, chiến sĩ Tùng tin tưởng, bộc bạch hết tâm tư, những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Sự chủ động gần gũi, động viên, tận tình hướng dẫn, giúp đỡ của Tiểu đội trưởng Quang khiến chiến sĩ Tùng hết chán nản, dần làm tốt các công việc và tiến bộ rõ nét.

Trung sĩ Nguyễn Phương Nam, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, Trung đội 2, Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 165 khẳng định với chúng tôi: “Là người trực tiếp quản lý, chỉ huy chiến sĩ, nếu tiểu đội trưởng không gương mẫu, chuẩn mực trong từng lời nói và hành động; không cùng làm, cùng rèn luyện, cùng thi đua, cùng sẻ chia... với chiến sĩ thì khó có thể tạo sự gần gũi, xây dựng uy tín trong tập thể để giáo dục, động viên, thuyết phục anh em. Vì thế, tôi và các tiểu đội trưởng khác trong đơn vị phải cố gắng gương mẫu cả về phẩm chất đạo đức, lời nói và hành động; thực hiện “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe”, luôn sâu sát, gần gũi, chia sẻ với chiến sĩ, giúp anh em yên tâm phấn đấu học tập, rèn luyện”.

Gương mẫu, trách nhiệm, thương yêu và sẵn sàng “gánh việc” cho chiến sĩ là những bí quyết hàng đầu để tiểu đội trưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì thế, trong hầu hết mọi việc, từ huấn luyện đến thực hiện các chế độ, nền nếp và lao động, tăng gia sản xuất... đội ngũ tiểu đội trưởng đều phải làm mẫu, làm gương, làm trước, làm nhiều hơn chiến sĩ. “Làm anh khó đấy”, tuy nhiên, đó chưa phải là những khó khăn của tiểu đội trưởng.

Chức vụ nhỏ, áp lực lớn

Tìm hiểu chúng tôi được biết, những “cái khó” của đội ngũ tiểu đội trưởng, khẩu đội trưởng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là: Tuổi đời, tuổi quân ngang với chiến sĩ, thậm chí có tiểu đội trưởng ít tuổi hơn chiến sĩ của mình; trình độ văn hóa của một số chiến sĩ cao hơn tiểu đội trưởng; nếu nghiêm khắc thì bị chiến sĩ “kêu ca”, mà chiều theo chiến sĩ thì bị cấp trên phê bình; đội ngũ tiểu đội trưởng làm việc không đều tay, trong một đại đội, trung đội mà có một vài tiểu đội trưởng tính tình xuê xoa, dễ dãi thì các tiểu đội trưởng khác cũng khó làm việc nghiêm túc, thực chất...

Giờ sinh hoạt buổi tối của Tiểu đội 6, Trung đội 8, Đại đội 11, Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 165, Sư đoàn 312). Ảnh: ĐÔNG ANH

Trung sĩ Nguyễn Phi Trường (Tiểu đội trưởng Tiểu đội 5, Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 165) ngay khi học xong khóa đào tạo tiểu đội trưởng ở Trường Quân sự Quân đoàn 1 liền được giao nhiệm vụ quản lý chiến sĩ cùng nhập ngũ, tuổi đời thì có chiến sĩ còn nhiều hơn. Ban đầu, cũng có lúc chiến sĩ trong Tiểu đội tỏ ra “nhờn”, kiểu “cá mè một lứa”, đùa cợt cả trong lúc sinh hoạt cũng như thực hiện nhiệm vụ. Trung sĩ Nguyễn Phi Trường chia sẻ: "Tôi phải luôn nỗ lực bằng hai, bằng ba, thậm chí phải trực tiếp làm nhiều “việc không tên” để nêu gương, khiến mọi chiến sĩ trong Tiểu đội nể phục và tin theo, cùng nhau phấn đấu rèn luyện, hoàn thành nhiệm vụ".

“Trên đe dưới búa” là áp lực lớn nhất đối với tiểu đội trưởng. Đa số chiến sĩ muốn tiểu đội trưởng “dễ tính” trong quản lý, chỉ huy. Nhưng nếu rèn luyện chiến sĩ không nghiêm dẫn đến kết quả học tập, rèn luyện thấp thì sẽ bị cán bộ trung đội, đại đội phê bình. Ngược lại, duy trì chặt chẽ, nghiêm khắc thì chiến sĩ không thích, không đồng tình, thậm chí còn phản ứng tiêu cực, chống đối ngầm, nhất là lúc tiểu đội hoạt động độc lập. Ví dụ, khi tiểu đội trưởng duy trì luyện tập điều lệnh đội ngũ mà không có cán bộ đại đội, trung đội ở gần, nếu tiểu đội trưởng không đủ uy tín, bản lĩnh thì rất khó chỉ huy.

Vì thế, kinh nghiệm của nhiều tiểu đội trưởng và cán bộ đại đội, trung đội là: Tiểu đội trưởng phải biết cân bằng các áp lực, giữ vững nguyên tắc làm việc nhưng cũng cần biết giáo dục, thuyết phục chiến sĩ hiểu rõ sự cần thiết phải duy trì thực hiện nghiêm các nền nếp, chế độ, không thể dễ dãi, thỏa hiệp trong công việc, không thể đặc cách, ưu tiên trường hợp nào. Mặt khác, cán bộ trung đội, đại đội cần hiểu tâm lý, cảm thông và nhất là phải luôn tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ cùng tiểu đội trưởng.

Theo Trung tá Nguyễn Huy Khôi, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 165, hiện nay, thời gian đào tạo tiểu đội trưởng bộ binh chỉ 3 tháng và thời gian tại ngũ như chiến sĩ (cùng 24 tháng) cũng có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng, kết quả thực hiện nhiệm vụ của tiểu đội trưởng.

BOX: Đại tá Trần Văn Bích, Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 312 đánh giá: Về cơ bản, chất lượng thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ tiểu đội trưởng tại các đơn vị thuộc Sư đoàn hiện nay tương đối tốt, nhiều đồng chí có phương pháp quản lý, duy trì tiểu đội rất khoa học. Tuy nhiên, là chỉ huy cấp thấp nhất nên anh em cũng gặp nhiều khó khăn trong quản lý, điều hành tiểu đội; nhất là một số tiểu đội trưởng nhập ngũ cùng chiến sĩ, huấn luyện chiến sĩ mới cùng nhau rất dễ xảy ra tình trạng thiếu cương quyết, nể nang, né tránh, bao che cho chiến sĩ...

(còn nữa)

DUY ĐÔNG - TRẦN ANH - NGỌC LÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tieu-doi-truong-trach-nhiem-va-noi-niem-bai-2-vai-tro-anh-ca-va-nhung-cai-kho-730632