Tiêu dùng xanh 'lên ngôi': Doanh nghiệp không thể ngoài cuộc

Không chỉ ấn tượng tốt về nhãn hàng thân thiện với môi trường, giờ đây người tiêu dùng đã thể hiện rõ sự ủng hộ những doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm xã hội, đồng thời hành động thiết thực để 'sống xanh'. Tiêu dùng xanh thực sự đã 'lên ngôi', do đó các doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc.

Ngày càng có nhiều người tiêu dùng sử dụng túi thân thiện với môi trường khi mua hàng tại hệ thống siêu thị của Công ty TNHH Aeon Việt Nam. Ảnh: Khánh Linh

95% người tiêu dùng có ý thức về bảo vệ môi trường

Đã thành thói quen, mỗi lần đi mua sắm, chị Lê Minh Anh (ở phố Lạc Long Quân, quận Tây Hồ) lại mang theo chiếc túi vải để đựng đồ. “Lúc đi chợ tôi mang theo hộp nhựa để đựng thịt, còn túi vải đựng rau, củ, quả. Tôi thường từ chối túi ni lông của cửa hàng”, chị Lê Minh Anh nói.

Còn chị Trần Mỹ Nhung, kinh doanh thực phẩm tại phố Gia Thụy (quận Long Biên) cho hay, ngày càng nhiều người dân dùng hộp, túi mang sẵn để đựng hàng. Điều này vừa giúp tiết kiệm chi phí cho cửa hàng, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Giám đốc nghiên cứu hành vi khách hàng của NielsenIQ Việt Nam Đặng Thúy Hà nhận định, người tiêu dùng ngày càng coi trọng yếu tố bền vững khi mua sắm. Khảo sát năm 2023 của NielsenIQ cho thấy, 49% người tiêu dùng mang túi riêng, sử dụng túi tái chế; 47% người tiêu dùng chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% người tiêu dùng có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện. Kết quả này cho thấy người tiêu dùng đã có những hành động thực tế, hướng đến lối sống bền vững.

Khảo sát của Intage Việt Nam với thị trường Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy, 95% người tiêu dùng đã có ý thức về bảo vệ môi trường, 59% người tiêu dùng lựa chọn ăn rau xanh, ngũ cốc thường xuyên hơn; 44% tái sử dụng quần áo cũ thay vì mua mới; 61% tắt các thiết bị điện trong nhà khi không sử dụng; 39% hạn chế dùng thực phẩm đóng gói, công nghiệp; 73% sử dụng thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên; 44% hạn chế sử dụng túi nhựa… Đáng lưu ý gần 90% người tiêu dùng ủng hộ những công ty kinh doanh đạo đức và có trách nhiệm xã hội; 43% người tiêu dùng có ấn tượng tốt về nhãn hàng, doanh nghiệp thân thiện với môi trường.

Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Minh Tiến, nếu doanh số bán lẻ sản phẩm hữu cơ năm 2000 đạt 18 tỷ USD thì đến năm 2022 tăng lên 208 tỷ USD. Điều này cho thấy xu hướng sử dụng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường đã trở nên phổ biến.

Dán nhãn carbon cho sản phẩm

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, phát triển xanh, bền vững ngày càng được nhắc đến nhiều hơn, với nhiều cam kết và mang tính thị trường hơn. Những quy định mới về chuỗi cung ứng, thuế carbon… yêu cầu sản phẩm đến tay người tiêu dùng chất lượng hơn và đạt đủ tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu.

Trên thế giới, sản xuất xanh và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng phổ biến và được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, do vậy doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.

Theo bà Đặng Thúy Hà, các doanh nghiệp sản xuất cần nhanh chóng thích ứng, đưa ra lộ trình phù hợp. Về ngắn hạn là kế hoạch giảm phát thải, thay thế bao bì nhựa; cam kết sử dụng năng lượng bền vững, thân thiện môi trường. Trung và dài hạn là ứng dụng công nghệ để cải thiện chuỗi cung ứng nhằm giảm lãng phí nước, năng lượng và nguyên liệu; ứng dụng tự động hóa và phương tiện vận tải chạy bằng năng lượng điện; thay thế các thành phần và nhà cung cấp không thân thiện môi trường…

Đối với doanh nghiệp bán lẻ cần khuyến khích khách hàng tiêu dùng bền vững, cắt giảm phát thải nhựa, có hệ thống điện năng lượng mặt trời độc lập, tiến tới áp dụng mô hình dán nhãn carbon trên sản phẩm…

Trên thực tế nhiều doanh nghiệp đã tích cực triển khai sản xuất và tiêu dùng xanh như Công ty TNHH Aeon Việt Nam là nhà bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam triển khai sáng kiến giúp khách hàng mượn túi môi trường với chi phí thấp và được hoàn phí khi trả túi. Aeon Việt Nam có quầy thu ngân ưu tiên dành cho khách hàng từ chối sử dụng túi ni lông; sử dụng sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường như ly cốc bằng giấy, khay và tô bằng bã mía… tại khu vực ẩm thực tự chọn. 100% siêu thị của Aeon trên toàn quốc sử dụng túi ni lông sinh học phân hủy...

Hay như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đi đầu xu hướng này khi vừa mới phát triển nhà máy và trang trại đạt trung hòa carbon. Vinamilk công bố sẽ cắt giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2027, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để tiêu dùng xanh, phát triển bền vững được nhân rộng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Nguyễn Minh Tiến cho rằng, các cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, có giải pháp ngăn chặn triệt để vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực sản xuất an toàn; tăng cường nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường và cơ hội để điều chỉnh sản xuất theo hướng phù hợp, đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tieu-dung-xanh-len-ngoi-doanh-nghiep-khong-the-ngoai-cuoc-634717.html