Tiêu thụ hàng Việt: Hiệu quả từ hoạt động xúc tiến

Tham gia mỗi kỳ hội chợ không chỉ là cơ hội để quảng bá, xúc tiến sản phẩm của doanh nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng mà quan trọng hơn đó chính là hợp tác lâu dài với các đối tác kinh doanh. Hiệu quả của hội chợ, hay các hoạt động xúc tiến thương mại đã, đang và sẽ là giải pháp quan trọng để hàng Việt cất cánh.

Lần thứ 4 tham gia Hội chợ Triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 19 (AgroViet 2019), các sản phẩm mắm truyền thống của thương hiệu Lê Gia được doanh nghiệp mang đi chào hàng. Đây là những sản phẩm được chế biến bằng công nghệ hiện đại, không phẩm màu, chất bảo quản, không mì chính, ông Lê Ngọc Anh – Chủ xưởng mắm Truyền thống Lê Gia (xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) – cho hay, mỗi sản phẩm của Lê Gia đều được đóng gói quy cách, bao bì riêng. Đến với hội chợ, các sản phẩm đều được giảm giá 10%, khách hàng mua sản phẩm còn được khuyến mại.

Các sản phẩm mắm truyền thống thương hiệu Lê Gia quảng bá, giới thiệu tại Hội chợ AgroViet 2019

Các sản phẩm mắm truyền thống thương hiệu Lê Gia quảng bá, giới thiệu tại Hội chợ AgroViet 2019

Cũng theo vị chủ doanh nghiệp này, hội chợ năm ngoái, lượng khách công ty tiếp cận chưa nhiều. Tuy nhiên, năm nay, doanh nghiệp kỳ vọng hơn vì thấy được quy mô trong tổ chức và xuất khẩu là thị trường doanh nghiệp đang hướng đến. "Việt Nam đang có trên 3 triệu kiều bào ở nước ngoài, đây là một thị trường rất tiềm năng mà chúng tôi đang hướng tới. Chúng tôi kỳ vọng sẽ tìm được các đối tác có thể đem sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu sang các nước" - ông Lê Ngọc Anh nói.

Cạnh đó, gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc sản của Đăk Lăk gồm: Cà phê, hạt tiêu, mật ong, ca cao, tinh bột nghệ và nhiều sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương cũng được Công ty CP thương mại quốc tế Thái Anh (Đăk Lăk) giới thiệu tại hội chợ. Đại diện doanh nghiệp này cho hay, chúng tôi mong muốn người tiêu dùng cả nước biết đến nhiều hơn các sản phẩm nông sản của địa phương, đặc biệt là cà phê Buôn Ma Thuột không chỉ ngon nhất Việt Nam mà còn đặc biệt nhất thế giới. Đây sẽ là sân chơi, là cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo cơ hội để doanh nghiệp củng cố và khai thác thị trường nội địa.

Với chủ đề: "Sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững", AgroViet 2019 diễn ra trong 3 ngày, từ 26 đến 29/9/2019 tại Hà Nội với sự tham gia của 250 gian hàng. Không chỉ dừng ở xúc tiến thương mại, quảng bá và kết nối tiêu thụ, theo ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đây còn là cơ hội để các doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, người tiêu dùng. Qua đó, tìm cách cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.

Chia sẻ câu chuyện thực tế từ chính doanh nghiệp của mình, ông Lê Ngọc Anh cho hay, hiện doanh nghiệp đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Phi, Nga. Để có thể tiếp cận với bạn bè quốc tế, thì sản phẩm mắm Việt phải cải thiện về mùi và vị cho phù hợp. "Tin vui đối với nước mắm truyền thống khi thời gian qua đã được bạn bè thế giới ủng hộ, thông qua việc đưa vào chế biến các món ăn dự thi" - ông Lê Ngọc Anh cho biết.

Những hợp đồng tiêu thụ với đối tác đã được Công ty Lê Gia hay Công ty Cổ phần thương mại quốc tế Thái Anh ký kết ngay tại các Hội chợ AgroViet.

Tham gia hội chợ nói chung và AgroViet nói riêng sẽ là cơ hội để doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến sản phẩm, thương hiệu sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng và quan trọng hơn đó chính là hợp tác lâu dài với các đối tác kinh doanh.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tieu-thu-hang-viet-hieu-qua-tu-hoat-dong-xuc-tien-125963.html