Tiêu thụ nông sản trong trạng thái bình thường mới

Từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là với các địa phương phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội. Trước tình hình đó, các ngành, địa phương, đơn vị đã tích cực vào cuộc, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, giảm bớt thiệt hại cho nông dân. Đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp lâu dài trong việc tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu khi dịch bệnh được kiểm soát.

Lãnh đạo Sở Công Thương trao đổi với đại diện Siêu thị Go! Hạ Long về việc cung ứng các sản phẩm nông sản địa phương.

Lãnh đạo Sở Công Thương trao đổi với đại diện Siêu thị Go! Hạ Long về việc cung ứng các sản phẩm nông sản địa phương.

Những tín hiệu vui

Cuối tháng 1/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh liên tiếp ra 2 văn bản về việc chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nông dân, các hộ sản xuất tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh; xây dựng phương án dự trữ, bố trí hàng hóa thiết yếu để ứng phó phòng, chống dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, thời điểm trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, toàn tỉnh có khoảng 3.000 tấn ngao 2 cùi, ngao hoa và hơn 4.500 tấn hàu Thái Bình Dương; 3.000 tấn hàu cửa sông, tập trung chủ yếu tại huyện Vân Đồn, Hải Hà và TX Quảng Yên; 180.000 quả trứng gà lông màu/ngày tại TX Quảng Yên; hơn 300 tấn khoai tây tại TX Đông Triều và nhiều nông sản khác... đang khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của tỉnh, ngày 31/1, chuyến hàng đầu tiên của nông dân xã Bình Dương (TX Đông Triều) đã được Sở Công Thương kết nối tiêu thụ thành công. Theo đó, 17 tấn khoai tây vừa đúng vụ thu hoạch của nông dân Đông Triều được chuyển đến các đơn vị ngành Than, gồm: Công ty CP Than Vàng Danh, Công ty Than Nam Mẫu, Công ty Than Hòn Gai, Công ty CP Than Hà Lầm, Công ty CP Than Núi Béo; Go! Hạ Long; chợ Hạ Long. Các đơn vị tiêu thụ đã thanh toán ngay cho nông dân 153 triệu đồng.

Tính từ ngày 1/1 đến hết ngày 20/2, toàn tỉnh tiêu thụ khoảng 900 tấn khoai tây, được đưa vào làm nguyên liệu cho Công ty TNHH Orion, KCN phục vụ công nghiệp chế biến sản phẩm, các đơn vị ngành Than, Siêu thị Go! và chợ Hạ Long. Đối với các loại hoa, cây cảnh bị tồn đọng tại TX Đông Triều do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cơ bản đã được tiêu thụ gần hết trong Hội chợ hoa xuân TP Hạ Long và ở một số đơn vị xăng dầu. Với gần 5,5 triệu bông hoa dơn; 415.000 bông hoa cúc; 108.000 cây hoa ly; 12.200 cây lan hồ điệp; 30.000 bông hoa huệ. Gần 70% cây hoa đào, quất, mai cũng được tiêu thụ kịp thời với trên 52.500 cây đào, 56.700 cây quất, 5.300 cây mai vàng. Tổng trị giá các loại hoa và cây cảnh trên 47 tỷ đồng.

Các công ty than, xăng dầu, gas, một số sở, ngành, đã hỗ trợ tiêu thụ tối đa cho người dân, với khoảng 60,5 tấn cá song của huyện Vân Đồn và TX Quảng Yên, trị giá gần 10,9 tỷ đồng; 16.400 con gà trị giá 6,2 tỷ đồng; 37.800 quả trứng tương đương 75,6 triệu đồng; 40 tấn hàu...

Nông sản được hỗ trợ tiêu thụ nhanh chóng đã giúp bà con nông dân vơi bớt nỗi lo. Chị Nguyễn Thị Xuân, thôn Bắc Mã 1 (xã Bình Dương, TX Đông Triều) chia sẻ: Gia đình tôi có 5ha khoai tây đã đến kỳ thu hoạch thì dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát. Cả xã Bình Dương bị phong tỏa khiến bà con nông dân địa phương đứng ngồi không yên. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của chính quyền, hàng chục tấn khoai tây đã được tiêu thụ, người dân chúng tôi vui mừng, như trút đi một gánh nặng lớn. Bà con nông dân yên tâm đón Tết, chung tay thực hiện nghiêm việc phong tỏa để sớm đẩy lùi dịch bệnh và đã sẵn sàng canh tác cho những vụ mới”.

Nông dân TX Đông Triều tập trung nông sản để chuẩn bị đi tiêu thụ.

Để hỗ trợ tối đa cho người dân tiêu thụ nông sản, Sở Công Thương đã làm việc trực tiếp, trao đổi qua điện thoại, email với các siêu thị, đơn vị phân phối trên địa bàn trong và ngoài tỉnh, các đơn vị kinh doanh xăng dầu, gas, than trên địa bàn tỉnh, thống nhất phương án tiêu thụ nông sản. Vận động cán bộ, nhân viên, người lao động và cơ sở kinh doanh mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các cấp hội trong tỉnh cũng tích cực đồng hành cùng nông dân tiêu thụ hàng hóa. Đơn cử, Hội Nông dân tỉnh đã thống kê, cung cấp danh sách, địa chỉ các nông sản cần hỗ trợ tiêu thụ trong dịp Tết và đề nghị các đơn vị, người dân ưu tiên lựa chọn, sử dụng các nông sản phẩm được nuôi trồng, chế biến, sản xuất trên địa bàn tỉnh. Hay như Thành Đoàn Hạ Long đã hỗ trợ tiêu thụ 2 tấn ngô cho người dân xã Dân Chủ và 1.000 con gà cho người dân xã Tân Dân với tổng trị giá trên 280 triệu đồng.

Anh Lê Tuấn Vũ, Bí thư Thành Đoàn Hạ Long, cho biết: Các ĐVTN của thành phố đã sử dụng các trang mạng xã hội như zalo, facebook của đơn vị và cá nhân mỗi ĐVTN nhằm thông tin rộng rãi về tình hình các nông sản của nhân dân thành phố cần tiêu thụ trước dịp Tết để người dân nắm được và đặt mua. Thành Đoàn và đoàn thanh niên các xã, phường tham gia vận chuyển, phân phối và giao hàng đến từng địa chỉ cho khách hàng đặt mua nhằm đảm bảo các quy định an toàn về phòng, chống dịch.

CBNV Công ty Than Thống Nhất ủng hộ tiêu thụ hơn 2 tấn cá song cho bà con nông dân huyện Vân Đồn để chăm lo Tết cho công nhân. Ảnh: Hải Hà

Các địa phương, nhất là các vùng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải giãn cách xã hội, chính quyền cũng đã nhanh chóng, chủ động đề xuất tỉnh đồng thời lên kế hoạch kết nối, tìm đầu ra cho nông sản. Như ở Vân Đồn, địa phương đã kết nối với các điểm tiêu thụ, cơ quan chức năng của tỉnh, tìm đầu ra, đồng thời tạo điều kiện tốt để sản phẩm được vận chuyển, tiêu thụ thuận lợi trong thời điểm dịch.

Ông Nguyễn Sinh Lượng, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Vân Đồn chia sẻ: Chúng tôi phải tranh thủ tiêu thụ nông sản vào "thời điểm vàng”, cao điểm mua sắm tiêu thụ trước Tết Nguyên đán. Để thực hiện mục tiêu đó, các cơ quan chức năng của huyện khẩn trương lên danh sách, điều tra nắm chắc các đầu thu gom ở các vùng nuôi trồng tập trung, tập hợp danh sách, đầu mối..., ưu tiên tiêu thụ tại chỗ. Đồng thời huyện cũng tích cực kết nối với Sở Công Thương cung cấp danh sách, danh mục các sản phẩm, số lượng, chủng loại của từng mặt hàng, các đầu mối thu mua, thương nhân thu gom... đề nghị hỗ trợ. Thông qua đó kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài tiêu thụ ở địa phương, hoặc bán nhỏ lẻ cho thương lái, các đơn hàng lớn được kết nối bởi các cơ quan quản lý nhà nước được tạo điều kiện tối đa về nguồn hàng, vận chuyển qua các điểm, chốt kiểm soát dịch theo chỉ đạo của tỉnh.

Đảm bảo đầu ra ổn định

Việc "giải cứu" nông sản trong 2 tháng qua bằng sự huy động tổng lực các kênh tiêu thụ đã giúp người nông dân yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, theo nhận định phương án này chỉ mang tính tình thế và không mang hiệu quả lâu dài cho sản xuất và xuất khẩu nông sản. Thực tế cho thấy, không phải chỉ đến khi những ảnh hưởng của dịch Covid-19 mới dẫn đến ùn ứ, dư thừa nông sản mà trong nhiều năm qua, việc “giải cứu” nông sản đã diễn ra ở nhiều nơi, nhiều thời điểm khác nhau khiến biện pháp giải quyết đầu ra cho nông sản thông qua “giải cứu” đã trở nên quen thuộc. Điều này ảnh hưởng lớn tới người sản xuất và phát triển nông nghiệp bền vững.

Chính vì vậy, bên cạnh những giải pháp mang tính cấp thiết như vừa qua, cần có giải pháp dài hơi để tìm đầu ra cho nông sản địa phương. Bà Lục Thị Dương, Giám đốc GO! Hạ Long, cho biết: Nông sản đưa vào chuỗi siêu thị sẽ ổn định hơn về đầu ra, người dân không lo bị ép giá. Tuy nhiên, để "đứng chân" được ở những hệ thống này, đòi hỏi chất lượng nông sản phải được đảm bảo các tiêu chí về ATVSTP, có giấy tờ chứng minh và thông qua kiểm định cụ thể. Người nông dân phải thích ứng với điều này nếu muốn sản xuất bền vững.

Hiện nay, đã có một số nông sản của Quảng Ninh, nhất là sản phẩm OCOP đã được tiêu thụ trong siêu thị, với phản hồi tích cực của người tiêu dùng. Để góp phần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản cho các địa phương trong tỉnh, xây dựng thương hiệu và nâng tầm nông sản Việt... Go! Hạ Long luôn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà sản xuất, hộ nông dân và các HTX nông nghiệp trong việc thâm nhập vào hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu bằng những hành động cụ thể như: Thu mua trực tiếp nông sản của các hộ nông dân, HTX với mức chiết khấu là 0%.

Thời điểm này, Sở Công Thương, đơn vị đang phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, người lao động hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản của tỉnh. Bên cạnh đó, để ổn định đầu ra lâu dài cho nông sản, Sở Công Thương thường xuyên trao đổi với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh rà soát, thống kê hàng hóa nông sản đến thời điểm thu hoạch cần tiêu thụ trên địa bàn, từ đó, tổng hợp, xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ, báo cáo UBND tỉnh.

Theo ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Thời gian tới, Sở Công Thương cũng sẽ chủ động kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản qua các kênh tiêu thụ truyền thống, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi... Trong đó, đưa các loại hàu, nhuyễn thể đã qua chế biến vào siêu thị; kết nối tiêu thụ gà khoảng 500kg/tháng, 150-200 quả trứng gà/ngày vào chuỗi cửa hàng Vinmart+ và số lượng có thể tăng thêm nếu giá sản phẩm phù hợp với khả năng tiêu dùng của nhân dân.

Cùng với đó, trao đổi với các siêu thị Go!, Vinmart, Lan Chi... để cung cấp thông tin về những mặt hàng nông sản, từ đó, tiêu thụ khoảng 1,5 tấn rau, củ quả các loại; 0,3 tấn thủy sản; 2.200 quả trứng gà; trên 0,2 tấn gà làm sạch mỗi ngày. Đồng thời, phối hợp với UBND huyện Cô Tô và Sở Công Thương tỉnh Thái Bình để chế biến, tiêu thụ sứa, tiếp đó đưa vào tiêu thụ trong hệ thống các kênh bán lẻ...

Sản phẩm trứng vịt biển Tân Bình (huyện Đầm Hà) được bày bán tại tuần bán hàng trực tuyến, tháng 12/2020.

Ngay khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, Sở Công Thương tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương nhân trong hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản. Trong đó, tạo điều kiện trong lưu thông hàng hóa trên thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ trong các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm các thị trường tiềm năng mới và xây dựng các chương trình tiêu thụ nông sản trên địa bàn trong, ngoài tỉnh.

Đồng thời, tiếp tục tổ chức cung cấp thông tin liên quan đến Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (nhất là Hiệp định EVFTA,) hướng dẫn thủ tục cho các công ty, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản đủ điều kiện tìm kiếm các thị trường mới, tận dụng tốt thời cơ để đẩy mạnh tiêu thụ; thực hiện đăng thông tin, tìm kiếm thị trường và quảng bá trên Website: http://teqni.gov.vn để tìm kiếm khách hàng. Cùng với đó, đề nghị các địa phương rà soát lại số lượng sản phẩm, chất lượng sản phẩm sát với thực tế, cử đơn vị làm đầu mối thực hiện công tác thu mua, chế biến và chế biến sâu sản phẩm thủy sản để đáp ứng nhu cầu đặt hàng của các đơn vị phân phối.

Cùng với sự vào cuộc của Sở Công Thương, Sở NN&PTNT cũng tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tập trung tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong đó, chủ động tổ chức các hội nghị kết nối giao thương cung cầu giữa các cơ sở sản xuất với các đơn vị tiêu thụ, phân phối trong và ngoài tỉnh; tổ chức hội nghị hướng dẫn quy định của thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam cho các cơ sở sản xuất, chế biến xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cập nhật thông tin truy xuất nguồn gốc, kết nối cung cầu về nông sản thông qua các hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc của tỉnh.

Đối với hoạt động xuất khẩu nông sản, Sở NN&PTNT sẽ hoàn thiện thủ tục bổ sung danh mục hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc; tăng cường năng lực chế biến, đóng gói hàng hóa của các đơn vị trong tỉnh, nhất là đối với mặt hàng thế mạnh như thủy sản. Đây được coi là giải pháp lâu dài và bền vững, để nâng cao giá trị và thời gian sử dụng các mặt hàng nông sản.

Hy vọng với những giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, nông sản Quảng Ninh sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục khẳng định giá trị và thương hiệu riêng có, không chỉ ở thị trường trong nước mà vươn tầm quốc tế.

Hoàng Quỳnh - Minh Đức

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202102/tieu-thu-nong-san-trong-trang-thai-binh-thuong-moi-2522644/