Tiểu thuyết cung đấu đầu tiên về bà hoàng quyền lực triều Nguyễn

Nhân tài, đức độ của đức Từ Dụ là cảm hứng để nhà văn Trần Thùy Mai tái hiện hậu cung đầy rẫy mưu đồ của triều Nguyễn trong tiểu thuyết 'Từ Dụ thái hậu'.

GS Lê Văn Lan từng kể câu chuyện vào tháng 5/1975, ông cùng nhóm nghiên cứu lịch sử vào Sài Gòn, đi lang thang khắp nơi trong “thành phố khổng lồ”, ông bắt gặp một “bệnh viện khổng lồ” có tên Từ Dũ. “Từ” là nhân từ, hiền hậu, còn “Dũ” là gì thì ông không hiểu. Mãi cho tới gần đây, ông mới biết Từ Dũ là cách ghi âm khác tên của bà Từ Dụ. Lúc đó, GS Lê Văn Lan hiểu ngay, “Dụ” nghĩa là đẹp đẽ, tốt lành.

Ý nghĩa tên “Từ Dụ” cũng giống như tính cách hiền hòa, nhân ái của vị hoàng hậu, sau này thành thái hậu, hoàng thái hậu triều Nguyễn. Từ Dụ (1810 - 1902) tên đầy đủ là Phạm Thị Hằng, hiệu là Nghi Thiên Chương hoàng hậu.

Chuyện hoàng hậu thông minh, nhân từ trước sóng gió triều chính

Những giai thoại về bà truyền tụng trong đời sống xứ Huế, là cảm hứng để nhà văn Trần Thùy Mai viết tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ thái hậu. Tác phẩm dày gần 100 trang, chia làm hai tập, có thể coi là một tiểu thuyết “cung đấu” hiếm hoi của Việt Nam.

Lấy hậu cung làm nền để kể câu chuyện về cuộc đời bà hoàng lừng danh trong sử Việt: bà Phạm Thị Hằng, chính thất của hoàng đế Thiệu Trị, sau này trở thành hoàng thái hậu Từ Dụ nổi tiếng hiền đức.

Bộ sách Từ Dụ thái hậu.

Bộ sách Từ Dụ thái hậu.

Câu chuyện của tác phẩm trải dài trong 30 năm, qua 3 đời vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị; từ lúc cô thiếu nữ 13 tuổi Phạm Thị Hằng theo cha từ vùng đất phương Nam trù phú về kinh đô, chịu bao thăng trầm dâu bể rồi trở thành người đứng đầu hậu cung nhà Nguyễn.

Cô tiểu thư họ Phạm thông minh, nhân hậu đã chứng kiến rất nhiều phận trong cung cấm, những bi kịch cung đình. Những mưu mô thủ đoạn tàn độc đầy rẫy ở hậu cung đôi lúc làm khuynh đảo cả triều chính, gây ra những cái chết tức tưởi, những án oan dậy trời tiếng nhơ khó rửa, đến mức hậu thế phải tốn nhiều bút mực tranh luận.

Giáo sư Lê Văn Lan nói từ lâu rồi, “làm sử” không còn là chép sử, mà còn là viết sử, viết tiểu thuyết lịch sử. Có hai quan niệm chủ quan của những người làm sử bằng cách viết tiểu thuyết lịch sử. Tác giả Nguyễn Triệu Luật từng nói “Gốc tre nó sù sì như thế, hãy cứ gọi nó là gốc tre, không cần mô tả nó thành hình hóa long, hóa rồng”. Nhưng Alexandre Dumas cũng nói “Lịch sử là cái đinh để tôi treo mắc áo vào đấy”. Trần Thùy Mai gọi cách làm lịch sử của mình ở tác phẩm này là dung hòa cả hai cách đó.

“Ở tác phẩm này có sự thực, có khách quan lịch sử đích thực. Nhưng ở đây cũng có quan niệm, tài năng, bút pháp của người viết tiểu thuyết lịch sử. Đọc tác phẩm của Trần Thùy Mai, chúng ta vỡ ra được nhiều điều của lịch sử thông qua những quan niệm chủ quan của nhà văn”, GS Lê Văn Lan nói.

Thái hậu Từ Dụ (mẹ vua Tự Đức).

Về bộ tiểu thuyết, GS Lê Văn Lan đánh giá có tất nhiều điều thú vị tràn ngập hơn 900 trang sách, 69 chương. Ông nói: “Chúng tôi có nhiều lần làm sử bằng cách viết sách, nhưng viết đến trang 400 đã thấy mệt mỏi, cạn sức. Giữ được sự hấp dẫn cho đến trang thứ 500 thôi mà không mâu thuẫn, không cãi nhau với những trang trước, thì quả thật đó là tài năng. Huống chi, ta thấy ở đây hơn 900 trang hấp dẫn, nhất quán, nữ tính”.

Đọc Trần Thùy Mai, GS Lê Văn Lan nhận thức tác phẩm không chỉ có bi kịch, mà còn nhiều thứ khác thú vị, như tình sử, điều đó khiến lịch sử uyển chuyển, phong phú, hấp dẫn, giàu giá trị thông tin.

Một lịch sử hấp dẫn nhìn từ hậu cung

PGS TS Đặng Anh Đào nói nhà văn Trần Thùy Mai chọn viết tiểu thuyết lịch sử là cách mạo hiểm. Bởi nhà văn đứng giữa hai vách núi, một bên là sự thật lịch sử, một bên là hư cấu. Cách viết ấy lại phải để trí tưởng tượng nhà văn tự do tung hoành.

“Tôi đã tới hoàng cung Nguyễn, nó buồn tẻ. Nhưng trong truyện Thùy Mai, hoàng cung mênh mông, quanh co, bí hiểm. Cái đó không phải do kiến trúc, mà do những tình tiết phức tạp, gay cấn trong câu chuyện. Tôi nghĩ Thùy Mai đã cho tôi một lịch sử khác, rất hấp dẫn, rất phức tạp, rất bí hiểm, rất nhiều âm mưu”.

Theo PGS TS Đặng Anh Đào, tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu có thể đặt tên khác là "Âm mưu và quyền lực". Đó là chủ đề có tính thời sự, chứ không chỉ ở thời Nguyễn, bởi ở đâu có quyền lực thì ở đó có âm mưu. Ở đâu có âm mưu, có quyền lực là có nhóm lợi ích.

Không chỉ tiếp nhận câu chuyện về bà hoàng thời Nguyễn, PGS Đặng Anh Đào chú ý tiết tấu tác phẩm. Bà nói âm hưởng cuốn sách như một bản giao hưởng, “Lúc khoan như gió thoảng ngoài, lúc mau sầm sập như trời đổ mưa”. Ở những đoạn cao trào nào cũng có bè trầm, đó là tình yêu. Dư âm ấy vừa lắng sâu, vừa buồn hơn cả tiếng sắt tiếng vàng chen nhau.

Từ trái qua: nhà nghiên cứu Trần Quốc Vương, nhà văn Hoàng Quốc Hải, tác giả Trần Thùy Mai và nhà văn Trang Hạ trong buổi ra mắt sách tại hội sách hôm 20/4.

Nhìn tiểu thuyết của Trần Thùy Mai dưới góc độ sử học, nhà sử học Dương Trung Quốc nói về nguyên lý văn - sử bất phân. “Tôi rất thích thú cách lựa chọn của tác giả. Chị không chọn thời kỳ biến động, mà chọn nơi yên tĩnh nhất: hậu cung. Nhưng hậu cung cũng đầy biến động, nó cho thấy vai trò, tác động của người phụ nữ với chính trường”, ông Dương Trung Quốc nói.

Tác phẩm cho thấy, tề gia rất quan trọng, có vai trò lớn trong chính trường lịch sử. Thông điệp của tác phẩm rất lớn, nếu quốc gia có người phụ nữ như Từ Dụ, thì lịch sử sẽ như nào. Khi bà là con dâu, rồi làm vợ vua; nhất là khi bà lên làm thái hậu, hoàng thái hậu, thì Từ Dụ cũng không rút lui khỏi chính trường.

Tiểu thuyết lịch sử phải hư cấu trên lịch sử. Nhưng hư cấu theo độ nào, bay bổng trên sự kiện ra sao là cảm quan của người viết.

Quá trình viết tác phẩm, những tính cách, sự kiện lịch sử lớn thì tác giả phải trung thành. Ví dụ tính cách Minh Mạng là người quyết đoán thì phải viết ông ấy quyết đoán, Thiệu Trị là người tử tế thì nhà văn không thể biến ông thành người gian ác được. Dựa trên tính cách thật lịch sử, nhà văn để những tính cách này tương tác với nhau, đối đãi, nói năng với nhau.

Văn học không ghi lại y chang đời thực được. Nếu điều gì xảy ra trong lịch sử mà đưa vào hết thì thừa thãi. Nhà văn phải lựa chọn, giữ lại những con người, tính cách cần thiết cho câu chuyện và nhào nặn nó trở nên hấp dẫn.

Tần Tần

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tieu-thuyet-cung-dau-dau-tien-ve-ba-hoang-quyen-luc-trieu-nguyen-post938227.html