Tiểu thuyết gia và thất bại với môn toán giải tích

Sau khi hoàn thành bộ tiểu thuyết, ông thử học giải tích theo những cuốn sách kiểu như Giải tích trình bày thật dễ hiểu nhưng chẳng ăn thua gì.

Nhận xét của Feynman về ngôn ngữ của Chúa đã làm dấy lên rất nhiều câu hỏi sâu sắc. Giải tích là gì? Làm sao con người hiểu được rằng Chúa đã nói bằng ngôn ngữ đó (hay nếu bạn thích, thì nói vũ trụ đã vận hành dựa trên nó)? Rồi các phương trình vi phân là gì và chúng đã làm gì cho thế giới không chỉ ở thời Newton mà cả ở thời đại chúng ta?

Cuối cùng, làm thế nào kể về lịch sử và những ý tưởng này một cách dễ hiểu nhất để những độc giả thiện chí như Herman Wouk, những người có giáo dục, ham hiểu biết và hay suy ngẫm, nhưng có quan niệm còn rất mơ hồ về toán học cao cấp, có thể tiếp thu một cách thích thú?

Trong đoạn vĩ thanh của câu chuyện về cuộc gặp gỡ với Feynman, Wouk viết rằng trong suốt 14 năm sau đó, thậm chí ông không để tâm gì đến chuyện học giải tích. Cuốn tiểu thuyết của ông bung ra thành hai tập đồ sộ Những ngọn gió của chiến tranh Chiến tranh và ký ức, mỗi cuốn tới cả nghìn trang.

Ảnh minh họa. Nguồn: Nothing Ahead/Pexels.

Sau khi hoàn thành bộ tiểu thuyết, ông thử học giải tích theo những cuốn sách kiểu như Giải tích trình bày thật dễ hiểu nhưng chẳng ăn thua gì. Rồi ông vùi đầu vào những cuốn sách giáo khoa với hy vọng, như ông tâm sự, “tìm thấy cái giúp cho kẻ dốt toán như tôi, kẻ mà thời đại học chỉ chuyên về các khoa học nhân văn, tức là chuyên về văn học và triết học. trong tuổi thiếu niên mải mê đi tìm ý nghĩa của tồn tại; đồng thời tôi chỉ biết rằng giải tích, mà tôi nghe loáng thoáng như một thứ gì đó chán ngắt và vô dụng, lại là ngôn ngữ của Chúa.”

Nhưng những cuốn sách giáo khoa cũng không sao với tới được. Và khi đó, ông đã thuê một giáo viên toán người Israel dạy kèm về toán và nhân tiện cũng để luyện thêm hội thoại tiếng Hebrew nhưng rồi cả hai hy vọng đều chẳng đi đến đâu.

Cuối cùng, đầy tuyệt vọng, ông xin tới dự giờ học môn giải tích ở mấy lớp cuối của trường phổ thông nhưng rồi cảm thấy mình không thể theo kịp nên đã từ bỏ chỉ sau vài tháng. Khi ông bỏ đi, bọn trẻ vỗ tay rần rần. Ông nói rằng điều đó chẳng khác gì những tràng vỗ tay đồng cảm sau sự trình diễn thất bại trên sân khấu.

Tôi viết Sức mạnh vô hạn với nỗ lực làm cho những ý tưởng vĩ đại nhất của giải tích toán trở nên dễ hiểu với mọi người. Để hiểu những sự kiện mang tính thời đại này trong lịch sử, bạn không cần lặp lại kinh nghiệm đáng buồn của Herman Wouk. Giải tích toán là một trong những thành tựu gây cảm hứng nhất của nhân loại. Và để đánh giá nó hoàn toàn không nhất thiết phải học nó, cũng tựa như không nhất thiết phải biết nấu những món ăn ngon mới thưởng thức được chúng.

Tôi cố gắng giải thích tất cả những gì bạn cần, nhờ các hình ảnh, các ẩn dụ và những giai thoại, cũng như sẽ chỉ cho bạn thấy một số phương trình và chứng minh đẹp nhất đã từng được con người tạo ra, bởi lẽ nào có thể vào thăm một bảo tàng mà không được thấy những tuyệt phẩm của nó? Còn về phần Herman Wouk, vào lúc tôi viết cuốn sách này, ông đã 103 tuổi.* Tôi không biết ông đã học được môn giải tích chưa. Nhưng nếu chưa, cuốn sách này là dành cho ông, thưa Ông Wouk!

Steven Strogatz/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/tieu-thuyet-gia-va-that-bai-voi-mon-toan-giai-tich-post1474863.html