Tiểu thuyết Kim Dung trên màn ảnh lớn hay bị cải biên, gây tranh cãi

Số lượng phim điện ảnh dựa trên tiểu thuyết của Kim Dung không quá nhiều. Tuy nhiên, chúng thường xuyên tạo ra những cuộc tranh luận không hồi kết bởi tính sáng tạo về nội dung.

Kim Dung không phải là tác giả võ hiệp có số lượng tác phẩm lớn nhất. Nhưng có lẽ lượng sản phẩm phim ảnh chuyển thể dựa trên sáng tác của ông thì không tác gia nào có thể sánh bằng.

Hầu như mỗi năm, các nhà làm phim lại công bố một dự án chuyển thể mới, dựa trên nguyên tác của Kim Dung. Chúng thường là phim truyền hình dài tập, khiến công chúng mong ngóng xem liệu phiên bản mới có gì đáng nhớ.

Dẫu không sôi động như trên màn ảnh nhỏ, các tác phẩm phim điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết của Kim Dung cũng để lại ít nhiều dấu ấn cho các thế hệ khán giả.

Bộ ba Tiếu ngạo giang hồ của đạo diễn Trình Tiểu Đông

Trong số các phiên bản điện ảnh của Tiếu ngạo giang hồ, loạt ba phim của đạo diễn Trình Tiểu Đông lần lượt ra mắt vào các năm 1990, 1992 và 1993 là gây ấn tượng mạnh mẽ hơn cả.

Tuy có nhiều cải biên đáng kể so với nguyên tác, nhưng chuỗi tác phẩm vẫn gặt hái thành công cả về doanh thu lẫn chất lượng nghệ thuật, qua đó trở thành tượng đài của dòng phim võ hiệp.

Tên tuổi Lâm Thanh Hà gắn liền với nhân vật Đông Phương Bất Bại trên màn ảnh lớn.

Trong đó nổi bật nhất phải kể đến màn hóa thân của Lâm Thanh Hà trong vai Đông Phương Bất Bại. Sự cải biên đầy liều lĩnh không được lòng chính Kim Dung và người hâm mộ nguyên tác, nhưng lại khiến khán giả đại chúng mê mẩn.

Minh tinh họ Lâm đã có màn trình diễn xuất sắc, biến Đông Phương Bất Bại trở thành hình tượng nhân vật độc nhất vô nhị, có cá tính độc đáo và đáng nhớ hơn hẳn so với nguyên tác.

Dù yêu hay ghét những cải biên của tác phẩm điện ảnh hay, bất cứ ai cũng khó lòng có thể phủ nhận Đông Phương Bất Bại của Lâm Thanh Hà đã trở thành chuẩn mực kinh điển cho hình tượng nhân vật.

Hai tập Lộc đỉnh ký của Châu Tinh Trì và Vương Tinh

Lộc đỉnh ký là tác phẩm cuối cùng của Kim Dung, và được ông coi là sản phẩm ưng ý nhất. Nhân vật Vi Tiểu Bảo do nhà văn sáng tạo đã trở thành hình tượng độc đáo hiếm có trong lịch sử văn học võ hiệp, gây tốn không biết bao nhiêu giấy mực của khán giả cũng như giới phê bình.

Lương Triều Vỹ, Trần Tiểu Xuân, Trương Vệ Kiện, Huỳnh Hiểu Minh, Hàn Đống… từng đem đến nhiều phiên bản Vi Tiểu Bảo đa dạng, khác biệt trên màn ảnh nhỏ. Còn trên màn ảnh rộng, công chúng không thể không nhắc đến “vua hài” Châu Tinh Trì với hai tập phim do Vương Tinh nhào nặn.

Vi Tiểu Bảo là một vai diễn đáng nhớ trong sự nghiệp đồ sộ của Châu Tinh Trì.

Không chỉ được hai cái tên đình đám bậc nhất thời điểm đó bảo chứng, loạt phim còn có sự tham gia của nhiều mỹ nhân lừng danh: Lâm Thanh Hà, Trương Mẫn, Lý Gia Hân, Lâm Khiết Doanh, Khưu Thục Trinh…

Nhờ đó, Lộc đỉnh ký bản điện ảnh thành công mỹ mãn về mặt doanh thu, góp phần đưa tên tuổi Châu gia cùng dàn “vợ bé” của anh lên đỉnh cao danh vọng.

Đông tà tây độcĐông thành tây tựu của Vương Gia Vệ và Lưu Chấn Vĩ

Khó có thể tin rằng một đạo diễn chuyên trị dòng phim tâm lý nghệ thuật như Vương Gia Vệ lại sản xuất một tác phẩm võ hiệp. Nhưng ông đã hiện thực hóa điều đó với Đông tà tây độc - dĩ nhiên, là theo cách rất riêng của mình.

Báo chí ca ngợi Đông tà tây độc. Nhưng doanh thu thất bại khiến ê-kíp lập tức thực hiện Đông thành tây tựu.

Ra mắt năm 1994, Đông tà tây độc mượn các nhân vật trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu của Kim Dung. Tuy nhiên, họ Vương không sử dụng gì khác ngoài tên và thân thế của họ, rồi sáng tạo nên cốt truyện riêng biệt, gần như độc lập với tiểu thuyết nguyên tác.

Bộ phim chủ yếu tập trung vào những mối quan hệ tình cảm phức tạp, nặng tính triết lý giữa nhóm nhân vật, thay vì mảng hành động.

Sự khác biệt quá lớn về mặt thể loại khiến Đông tà tây độc thất bại tại phòng vé, dù bộ phim quy tụ dàn sao đình đám thuở bấy giờ gồm Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc, Lưu Gia Linh, Trương Học Hữu, Trương Quốc Vinh, Lâm Thanh Hà, Lương Gia Huy, đồng thời được báo chí đánh giá là tác phẩm kinh điển của điện ảnh Hong Kong.

Đông thành tây tựu ra đời với mục tiêu giúp hãng phim quên đi thất bại phòng vé của Đông tà tây độc.

Do tổn thất tài chính lớn lao, đội ngũ nhà sản xuất quyết định lập tức làm thêm Đông thành tây tựu - bộ phim hài mang khuynh hướng giễu nhại (parody), do đạo diễn Lưu Trấn Vỹ thực hiện, với chính dàn sao lớn, cùng mục tiêu phần nào giúp hãng thu hồi vốn đầu tư bỏ ra ban đầu.

Loạt Xạ điêu anh hùng truyệnThần điêu hiệp lữ của đạo diễn Trương Triệt

Xạ điêu tam bộ khúc là loạt ba tác phẩm nổi tiếng và được chuyển thể nhiều bậc nhất của Kim Dung. Trong đó, Xạ điêu anh hùng truyệnThần điêu hiệp lữ có mối liên kết chặt chẽ và nổi bật hơn cả.

Trên màn ảnh rộng, hai tác phẩm kể trên được biết tới nhiều nhất qua loạt phim do hãng Thiệu Thị sản xuất và đạo diễn kỳ cựu Trương Triệt thực hiện.

Loạt Xạ điêu anh hùng truyện của Trương Triệt ra đời vào cuối thập niên 1970.

Ông đã thực hiện ba phần phim dựa trên bộ Xạ điêu anh hùng truyện, lần lượt ra mắt vào các năm 1977, 1978 và 1981. Bên cạnh vai chính Quách Tĩnh giao cho nam diễn viên Trương Phú Thanh, phim còn có sự góp mặt của các diễn viên đình đám khác như Địch Long, Huệ Anh Hồng, Lí Tu Hiền…

Sau thành công ban đầu, Trương Triệt tiếp tục thực hiện Thần điêu hiệp lữ vào năm 1982. Ngôi sao Trương Phú Thanh thêm một lần nữa hợp tác với ông trong vai chính Dương Quá.

Dẫu không được đánh giá cao như bộ ba Xạ điêu anh hùng truyện, bộ phim mới vẫn có doanh thu ở mức ổn, giúp hãng làm tiếp xuất phẩm ăn theo Dương Quá và Tiểu Long Nữ vào năm 1983.

Trương Quốc Vinh còn rất trẻ khi vào vai Dương Quá trong bộ phim năm 1983.

Trong bộ phim ngoại truyện đó, Trương Quốc Vinh khi ấy còn là một gương mặt tiềm năng đã đảm nhận vai Dương Quá. Còn Tiểu Long Nữ thì do diễn viên Ông Tĩnh Tinh người gốc Việt khắc họa.

Hai phần phim Thư kiếm ân cừu lục của Hứa An Hoa

Nhà làm phim nữ lừng danh từng ba lần thắng giải Kim Tượng cho Đạo diễn xuất sắc đã thực hiện hai bộ phim dựa trên tác phẩm võ hiệp lấy bối cảnh nhà Thanh của Kim Dung.

Phần phim đầu tiên dựa trên nửa đầu nguyên tác tiểu thuyết ra mắt năm 1987, và là một trong những tác phẩm điện ảnh Hong Kong đầu tiên được quay hoàn toàn ở Trung Quốc, với dàn diễn viên là người Trung Quốc. Đó là một canh bạc lớn bởi họ còn khá xa lạ với khán giả Hong Kong thời bấy giờ.

Đạo diễn nổi tiếng Hứa An Hoa cũng từng thử sức chuyển thể tiểu thuyết Kim Dung lên màn ảnh rộng.

Còn phần hai mang tên Hương Hương công chúa ra mắt năm 1987. Cả hai tập phim của Hứa An Hoa đều nhận nhiều lời khen ngợi, đặc biệt ở điểm trung thành với nguyên tác.

Song, nếu so với các phiên bản truyền hình cũng như bản điện ảnh Thư kiếm ân cừu lục (1981) của hãng Thiệu Thị với sự tham gia của Địch Long trong vai Trần Gia Lạc, bộ đôi của họ Hứa rõ ràng là kém tiếng hơn hẳn.

Tân Thiên long bát bộ: Thiên sơn đồng lão của Lâm Thanh Hà và Củng Lợi

Có không ít tác phẩm được chuyển thể dựa trên Thiên long bát bộ. Nhưng trong mảng điện ảnh, cái tên nổi bật hơn cả là bộ phim độc đáo và gây ra vô số tranh cãi khi ra đời vào năm 1994, với nội dung khai thác ân oán giang hồ của phái Tiêu Dao, thay vì tập trung vào bộ ba Kiều Phong - Đoàn Dự - Hư Trúc.

Tân Thiên long bát bộ của Lâm Thanh Hà và Củng Lợi từng gây ra vô số tranh cãi trong công chúng.

Với sự tham gia của các mỹ nhân Lâm Thanh Hà, Củng Lợi, Trương Mẫn…, Tân Thiên long bát bộ: Thiên sơn đồng lão đem đến câu chuyện ân oán tình thù giữa nhóm nhân vật tại Linh Tựu, với phần nội dung phóng tác và cải biên rất nhiều so với nguyên tác.

Phim vì vậy vừa được đánh giá cao nhờ lối diễn xuất ấn tượng của nhóm diễn viên chính, nhưng đồng thời phải hứng chịu rất nhiều ý kiến trái chiều bởi cách thể hiện thế giới võ hiệp nhưng lại đậm chất tiên hiệp, vượt quá giới hạn của nguyên tác.

Khánh Hưng
Ảnh: MUBI

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tieu-thuyet-kim-dung-tren-man-anh-lon-hay-bi-cai-bien-gay-tranh-cai-post888543.html