Tiểu thuyết về Nha Trang: Khoảng trống còn bỏ ngỏ

Nha Trang nói riêng và Khánh Hòa nói chung, cho đến hôm nay, giới phê bình hay bạn đọc yêu văn học đều bâng khuâng một câu hỏi: 'Sao chưa có những tiểu thuyết mang âm hưởng cuộc sống xã hội, tính cách riêng của con người nơi đây giai đoạn từ sau giải phóng tới nay?'.

Giai đoạn trước năm 1975, Nha Trang - Khánh Hòa không có nhiều tác phẩm văn học đáng kể ngoài thơ, khảo cứu dư địa chí của Quách Tấn, Nguyễn Đình Tư và Võ Hồng. Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, Nha Trang thực sự trở thành đất lành chim đậu cho văn học phát triển bởi hội tụ rất nhiều nhà văn, nhà thơ như: Đào Xuân Quý, Võ Hồng, Cao Duy Thảo, Nguyên Hồ, Nguyễn Gia Nùng, Y Điêng, Giang Nam. Các cây bút trưởng thành sau này như: Nguyễn Khắc Phục, Cao Linh Quân, Đỗ Kim Cuông, Nguyễn Minh Ngọc, Quý Thể, Phan Cao Toại, Hoàng Nhật Tuyên, Bạch Lê Vân Nguyên, Vân Hạ, Nguyễn Đức Linh, Đặng Minh Châu, Ái Duy, Khuê Việt Trường, Nguyễn Hoa Lư… Sau này thêm lớp kế cận như: Đào Thị Thanh Tuyền, Lưu Cẩm Vân, Tôn Nữ Thanh Yên, Vũ Khuê, Lê Đức Dương, Trần Khánh Linh, Lê Đức Quang… Một đội ngũ viết văn xuôi cực kỳ hùng hậu.

 Các văn nghệ sĩ Khánh Hòa đi thực tế sáng tác.

Các văn nghệ sĩ Khánh Hòa đi thực tế sáng tác.

Ở mảng truyện ngắn, văn chương Khánh Hòa đã có sự phát triển vượt bậc khi có những cây bút nổi tiếng đạt giải cao như: Quý Thể, Vân Hạ, Hoàng Nhật Tuyên, Phan Cao Toại, Nguyễn Minh Ngọc… Các cây bút lớp sau cũng đạt các giải văn học dành cho cây bút trẻ nhưng vẫn ở thể loại truyện ngắn!

Với tiểu thuyết hay truyện dài, các nhà văn đều viết, tiêu biểu như: Nguyễn Khắc Phục, Cao Duy Thảo, Đỗ Kim Cuông, Bạch Lê Vân Nguyên, Hoàng Nhật Tuyên, Nguyễn Minh Ngọc, Phan Cao Toại…, gần đây có Vân Hạ, Ái Duy. Họ đều có những tiểu thuyết được bạn đọc biết đến, tuy nhiên do sở trường của mỗi người, các tiểu thuyết đều đi theo mạch riêng. Như Đỗ Kim Cuông giai đoạn ông sống, làm việc ở Nha Trang xuất bản gần chục đầu sách nhưng chủ đề vẫn là người lính chiến trường Trị Thiên nơi ông từng là người lính. Đỗ Kim Cuông có tiểu thuyết “Thung lũng tử thần” về thời kháng chiến chống Mỹ ở Khánh Sơn. Gần đây ông xuất bản thêm cuốn “Sau rừng là biển”, “Trang trại hoa hồng” đề tài về chiến tranh ở Khánh Hòa thời chống Mỹ. Sở trường của nhà văn Cao Duy Thảo vẫn là truyện ngắn, ông cũng viết truyện dài nhưng với góc riêng là thời chiến tranh Khu 5. Nhà văn, bác sĩ Phan Cao Toại, cây bút viết rất sung sức nhưng đề tài ông viết về mảng y tế, hay xã hội chung. Các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Gia Nùng lại lấy đề tài thời kỳ chống Mỹ ở miền Bắc. Nhà văn Hoàng Nhật Tuyên viết nhiều tiểu thuyết nhưng cũng là đề tài chiến tranh và quê hương Quảng Nam xưa của ông... Với 2 nhà văn nữ rất sung sức là Vân Hạ và Ái Duy, đáng mừng khi cuốn truyện dài “Đảo rừng” của Vân Hạ đã khắc họa một gia đình Nha Trang trải qua bao thăng trầm từ thập niên 50 tới sau giải phóng, qua đó hình ảnh Nha Trang giai đoạn này thật sống động đầy sắc màu. Ái Duy với “Những đứa con của biển” xuất bản năm 2004 viết về cuộc sống con người Nha Trang thập niên 1970.

Nha Trang - Khánh Hòa với 5 thập kỷ đã chuyển mình qua nhiều giai đoạn có bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cuộc sống, con người, vậy mà các nhà văn vẫn chưa đặt bút viết! Vậy nguyên nhân vì sao các nhà văn đang ở Nha Trang hay có thời gian sinh sống ở Nha Trang “bỏ quên” đề tài này? Nhà phê bình Phạm Phú Phong (Đại học Huế) từng 2 lần vào Nha Trang làm những đề tài lớn về văn học Khánh Hòa cho rằng: “Nha Trang là mảnh đất quá hiền, quá thuần khiết, con người cũng vậy. Từ đó phản ánh xã hội - cuộc sống cũng thế, do đó ảnh hưởng tới văn học, đặc biệt là thể tài tiểu thuyết. Bởi tiểu thuyết cần có những dữ liệu riêng độc đáo và có phần sống động và dữ dội”. Nhà văn lão thành Cao Duy Thảo chia sẻ: “Tôi đến Nha Trang năm 1982 nên chưa có đủ vốn sống vì mảng chiến tranh của tôi quá lớn, mà tiểu thuyết về miền đất cần chất liệu cực lớn”.

Theo nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh: “7 năm trước, lãnh đạo Hội cùng các nhà văn đã nhận thấy rằng Nha Trang - Khánh Hòa thiếu các tác phẩm, đặc biệt là tiểu thuyết về mảnh đất này nên đã có chính sách khuyến khích thông qua các quỹ hỗ trợ sáng tạo. Trong các giải thưởng hàng năm hay 5 năm, tiểu thuyết - truyện dài luôn được coi trọng. Hy vọng rằng thời gian tới, các nhà văn hãy lưu tâm để có tác phẩm xứng tầm với mảnh đất này. Tuy nhiên, cần có đầu tư trọng điểm để có tác phẩm tốt”.

Dương Trang Hương

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/201907/tieu-thuyet-ve-nha-trang-khoang-trong-con-bo-ngo-8122333/