Tiểu thuyết Việt: 'Có rừng, không thấy cây to'

Vì sao tiểu thuyết Việt Nam thật sự chưa ghi dấu ấn? Phải chăng vấn đề cốt tử vẫn là đổi mới tư duy tiểu thuyết như một yêu cầu sống còn?

Từ năm 1998 đến nay, qua 5 cuộc thi tiểu thuyết, đã có gần 1.000 tiểu thuyết được in ra hoặc còn trong dạng bản thảo. Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá đây là con số biết nói. Nhưng vì sao gần 20 năm ấy, chất lượng tiểu thuyết chưa cao, thậm chí nói như nhà văn Bùi Việt Sỹ "có rừng mà không thấy cây to"?

Thiếu tư tưởng, sa đà vào kể chuyện

Cuộc hội thảo "Đổi mới tư duy tiểu thuyết" do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 28-2 được kỳ vọng là đi tìm được câu trả lời cho câu hỏi vì sao tiểu thuyết Việt Nam thật sự chưa ghi dấu ấn? Phải chăng vấn đề cốt tử vẫn là đổi mới tư duy tiểu thuyết và đổi mới là yêu cầu sống còn?

Nhà văn Phong Lê phát biểu tại hội thảo

Nhà văn Phong Lê phát biểu tại hội thảo

Nhưng vấn đề căn cốt của đổi mới tư duy văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng là gì? Trong cuộc hội thảo "Đổi mới tư duy tiểu thuyết" hồi năm 2002, nhà văn Ma Văn Kháng đã nhắc đến vấn đề "tình trạng không tải" (thiếu tư tưởng) của văn học và tiểu thuyết. Nhà văn Lê Thành Nghị cho rằng vấn đề cốt tử không thể không bàn tới khi nói về đổi mới tư duy tiểu thuyết chính là người viết cần đặc biệt quan tâm đến tư tưởng chủ đề tác phẩm, điều mà tiểu thuyết Trung Quốc những năm gần đây rất quan tâm. Một bài thơ nhỏ cũng cần chuyển tải một nội dung nào đó, huống hồ một tiểu thuyết. Người đọc tiểu thuyết không chỉ là theo dõi câu chuyện qua sự dẫn dắt bằng ngôn từ nghệ thuật điêu luyện mà còn qua câu chuyện, họ muốn được rút ra bài học nào đó. Chính vì thiếu tính tư tưởng nên rất nhiều tiểu thuyết của ta hiện nay sa vào tình trạng kể chuyện dài dòng. Nhà văn Bùi Việt Thắng tổng kết chính vì thiếu tính tư tưởng nên văn học nói chung, tiểu thuyết nói riêng chỉ còn là phiên bản của những "bóng" và "hình" của những câu chuyện khi thì quá ư rắc rối, tắc tị, khi thì quá giản đơn, nông cạn. Thậm chí là bóng và hình của một cái "tôi" nhỏ bé và tội nghiệp lúc tách rời khỏi cộng đồng.

Cái nhìn mới về lịch sử

Nhà văn Trần Thanh Cảnh nhận định lịch sử của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam do điều kiện khách quan và chủ quan của nhà cầm quyền các thời đại, còn rất nhiều điểm "mờ". Chính vì điều này mà tại hội thảo, rất nhiều nhà văn như Nguyễn Thế Quang, Trần Mai Hạnh, Bùi Việt Sỹ, Trần Thanh Cảnh, Lê Hoài Nam… đều bày tỏ sự quan tâm đến đề tài lịch sử và những vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới tư duy tiểu thuyết. Nhà văn Nguyễn Thế Quang - tác giả của 3 tiểu thuyết lịch sử "Nguyễn Du", "Thông reo Ngàn Hống", "Khúc hát những dòng sông" - khẳng định đổi mới là một nhu cầu tất yếu của cuộc sống, cũng là yêu cầu khẩn thiết của hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Tiểu thuyết lịch sử là một bộ phận ngày càng có nhiều thành tựu, ngày càng có nhiều độc giả thì nhu cầu đổi mới ngày càng có những đòi hỏi cao hơn. Viết tiểu thuyết lịch sử là khám phá về thời đã qua, đã xa. Lịch sử có một nhưng mỗi thời, mỗi người có một lượng thông tin khác nhau, có khi trái ngược nhau. Nhà văn Lê Hoài Nam nhấn mạnh: "Đề tài lịch sử Việt Nam, do những đặc thù riêng, nhiều vấn đề hãy còn khuất lấp, cũng đang rất cần sự khám phá".

Viết về lịch sử, vấn đề thường trực được đặt ra với nhà văn là giải quyết tốt quan hệ giữa sự thật và hư cấu. Nhà văn Nguyễn Thế Quang từ kinh nghiệm của mình đặt vấn đề tỉ lệ giữa sự thật và hư cấu nên như thế nào? Ông lý giải: "Với chúng tôi, đơn giản hơn nhiều. Từ mục đích tác phẩm, chúng tôi chọn sự thật nhiều hay ít. Viết để giải trí, để giễu nhại thì hư cấu, phóng đại phải nhiều hơn. Viết để người đọc tin thì yếu tố thực phải nhiều hơn. Chúng tôi không tính tỉ lệ, chỉ biết lựa chọn viết cái gì để đạt được ý tưởng của mình". Nhà văn Bùi Việt Sỹ (tác giả các tiểu thuyết: "Chim ưng và chàng đan sọt", "Chim bằng và nghé hoa") cho rằng "viết về Lý Thường Kiệt, có thể tả 1.001 lý do Lý Thường Kiệt phải tịnh thân (tự thiến). Nhưng không thể không viết về bài thơ Thần "Nam quốc sơn hà". Trong khi đó, nhà văn Trần Thanh Cảnh bày tỏ quan điểm cởi mở, "đã là tiểu thuyết lịch sử thì việc hư cấu của nhà văn là không có giới hạn nào cả. Tuy nhiên, hư cấu thế nào, hư cấu đến đâu hoàn toàn phụ thuộc vào cá nhân nhà văn. Anh ta đứng ở đâu là quan trọng nhất". Nhà văn Trần Mai Hạnh - tác giả tiểu thuyết "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2014, Giải thưởng ASEAN 2015) - khẳng định: "Lịch sử tự nó viết ra, đó chính là sự thật. Sự sáng tạo, hư cấu của nhà văn phải hướng tới việc khắc họa trung thực và nâng tầm sự thật của các sự kiện lịch sử chứ không xuyên tạc, bóp méo, đổi trắng thay đen các tình tiết, các sự kiện và các nhân vật lịch sử nhằm phục vụ ý đồ riêng của mình".

Tiểu thuyết hậu hiện đại còn nhiều tranh cãi

Có hay không chủ nghĩa hậu hiện đại trong sáng tác văn chương/tiểu thuyết đương đại Việt Nam cũng là một câu hỏi được nhiều nhà văn quan tâm. Những tác giả tiểu thuyết được xếp vào ô "hậu hiện đại" có Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà... ở trong nước và Thuận, Đoàn Minh Phượng, Lê Minh Hà... ở nước ngoài. Nhà văn Bùi Việt Thắng cho rằng hậu hiện đại là một thứ "cũ người mới ta" nhưng không phải không có người bảo hộ nó. Nhà văn Nguyễn Bích Thu không ngần ngại cổ xúy cho hậu hiện đại trong thực tiễn sáng tác tiểu thuyết. Theo nhà văn này, những tiểu thuyết viết theo hướng hiện đại, hậu hiện đại đã cho thấy hiện thực là phong phú, đa tầng. Tiểu thuyết viết theo xu hướng này có thể còn xa lạ, làm "mệt" hoặc thậm chí đánh đố người đọc nhưng nó mở ra một lối viết mới, một cách cảm thụ và tiếp nhận mới, kích thích liên tưởng và đồng sáng tạo.

Nhưng hậu hiện đại gặp phải sự phản ứng khá mạnh mẽ chính từ các tác giả tiểu thuyết. Nhà văn Lê Hoài Nam cho rằng không chỉ các cây bút trẻ, một số nhà văn đã thành danh cũng bị cuốn vào không khí ngưỡng vọng hậu hiện đại phương Tây. Nếu ngưỡng vọng văn chương hậu hiện đại phương Tây mà chúng ta làm được như Nguyễn Du: viết hay hơn, sáng tạo hơn tác phẩm gốc thì cũng nên làm. Nhưng rất tiếc, một số tiểu thuyết của chúng ta bắt chước hậu hiện đại phương Tây chỉ là một thứ bán thành phẩm, một thứ hàng kém cỏi. Nhà văn Bùi Việt Sỹ cũng có quan điểm: "Một số tiểu thuyết của một số nhà văn vốn có ngoại ngữ thường hay khoe các phương pháp sáng tác tân kỳ của phương Tây trong những tác phẩm của mình. Tôi không dám chê bai nhưng quả thật cảm thấy rất khó đọc". Nhà văn Bùi Việt Thắng cho rằng vấn đề tiếp biến văn hóa đối với nhà văn rất quan trọng. Hậu hiện đại bản thân nó chỉ tốt tươi ở trên mảnh đất sinh ra nó, không phải ở Việt Nam. Nhưng đáng tiếc là nhiều nhà văn chưa thấu triệt rằng văn chương/tiểu thuyết của ta chưa đi hết con đường hiện đại thì làm sao đặt chân lên hậu hiện đại được.

Bài và ảnh: Hoàng Lan Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/tieu-thuyet-viet-co-rung-khong-thay-cay-to-20180228213034599.htm